Đi tìm giá trị bài chòi

SONG ANH 31/10/2014 08:52

Ngày 29.10, Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Trung tâm Quản lý di tích và bảo tồn danh thắng Quảng Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Nghệ thuật bài chòi Quảng Nam”. Tham gia buổi tọa đàm, lớp người trẻ như tôi càng hiểu thêm những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật dân gian này, rằng: “Không có bài chòi, không ra ngày xuân, không thành lễ hội. Cuộc sống, nếp nghĩ của người xứ Quảng, ở cả trong bài chòi”. Bài chòi xứng đáng là bản sắc của đất Trung Bộ, với những điệu xàng xê, xuân nữ, cổ bản, hò Quảng đậm hơi thở của người xứ này.

Ngay lời mở đầu tọa đàm, TS. Nguyễn Bình Định - Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam đã khẳng định: “Cuộc tọa đàm chỉ tập trung bàn về nghệ thuật bài chòi dân gian Trung Bộ với lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc và cả hiện trạng của loại hình này. Không nói về sân khấu bài chòi - một hình thức nghệ thuật phát triển khác của bài chòi dân gian”. Mặc dù sân khấu bài chòi đã hình thành và phát triển hơn 60 năm và cũng đã kịp xác lập những giá trị nhất định trong đời sống văn hóa của người miền Trung, nhưng bản thể dân gian là thứ phải được bảo tồn cấp thiết.

Diễn xướng bài chòi tại phố cổ Hội An luôn thu hút du khách và người dân. Ảnh: MINH HẢI
Diễn xướng bài chòi tại phố cổ Hội An luôn thu hút du khách và người dân. Ảnh: MINH HẢI

Nghệ thuật dân gian đặc sắc

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào đi đến cùng với lịch sử ra đời của bài chòi. Phần lớn các ý kiến đều dựa vào một nghiên cứu của nhà âm nhạc học người Pháp G.L Bovier khi ông đoán định  rằng bài chòi hình thành vào thời kỳ Nam tiến của người Việt năm 1470. Trong tập sách “Larousse Musicale”, ông Bovier có dành một chương cho bài chòi, trong đó cho rằng bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến, tức là sau năm 1470, tính đến nay là 544 năm. Bài chòi xuất phát từ các chòi giữ thú rừng, các trò chơi giải trí trên chòi, rồi bày ra hội chơi bài chòi.

Mục đích của cuộc tọa đàm tại Quảng Nam lần này, theo như Viện Âm nhạc Việt Nam, chủ yếu vẫn là xác định vị trí của nghệ thuật bài chòi trong hành trình phát triển của vùng đất, thêm vào đó là tìm kiếm cứ liệu để hoàn thành bộ hồ sơ về nghệ thuật bài chòi đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - Tổng đạo diễn xây dựng hồ sơ quốc gia Nghệ thuật bài chòi miền Trung cho rằng, so với các loại hình nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận như đờn ca tài tử, dân ca quan họ, ca trù… thì bài chòi có quá ít cứ liệu. “Đây là một trong những hiện tượng văn hóa ít tài liệu nhất, vô cùng mỏng manh. Phần lớn những bài viết lâu nay trên các phương tiện truyền thông chưa có sự điền dã, nên vẫn chưa đủ tính thuyết phục về sự ra đời của bài chòi. Ở đây chúng tôi xác định, nhà khoa học chỉ làm nhiệm vụ tích hợp các ý kiến cộng đồng, nên rất cần sự tham gia của cộng đồng, tìm kiếm những nghệ nhân dân gian… Một bộ hồ sơ đệ trình lên UNESCO và hy vọng được công nhận thì loại hình di sản đó phải tôn trọng yếu tố gốc, bài chòi dân gian phải được tôn trọng đến tận cùng” - ông Đặng Hoành Loan nói. Cũng theo ông Loan, dù sân khấu bài chòi là một bước phát triển của bài chòi dân gian, nhưng đây cũng chính là đối tượng triệt tiêu tính ngẫu hứng của bài chòi, là vốn quý của tính sáng tạo nghệ thuật dân gian.

Bài chòi dân gian, khởi nguyên từ những trò chơi bài có tổ chức không gian chơi quy củ và đặc biệt có nghệ thuật diễn xướng độc đáo. Chính nghệ thuật diễn xướng, trong đó đi từ cách làm chòi, quân bài, nghệ thuật hô tên con bài, các điệu nhạc và cách độc diễn của anh hiệu, đã làm nên thần thái, sức hút của bộ môn này. Từ câu hô bài chòi (hô thai) đến hát bài chòi trải chiếu là sự phát triển nghệ thuật vượt trội của loại hình này. Sự phát triển ấy đã tạo ra được một loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo của Việt Nam - nghệ thuật độc diễn bài chòi. Hình thức nghệ thuật này đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa đặc sắc của cư dân Việt ở Trung Bộ. Và nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho rằng, sản phẩm văn hóa này xứng đáng có chỗ đứng trong kho tàng Di sản Văn hóa dân gian Việt Nam. Nghệ thuật này là cội nguồn nảy sinh “Sân khấu dân ca kịch bài chòi Nam Trung Bộ”.

Từ trong xứ Quảng

So với các địa phương khác, bài chòi ở Quảng Nam còn mang đậm tính dân gian hơn. Bất cứ đề tài gì, người dân cũng có thể đưa vào điệu hát bài chòi. Tính cách ưa văn nghệ của người dân xứ Quảng, từ các vùng quê xa xôi đến chốn đô thị đã tiếp thêm sức sống cho bài chòi. Nhạc sĩ Trần Hồng chia sẻ: “Quảng Nam là mảnh đất hát dân ca dân gian, hát bội và bài chòi ngày xưa đã phát triển mạnh mẽ từ nông thôn tới thành thị. Đội văn nghệ quần chúng ở Hội An có những hạt nhân hát hò khoan, hò vè, lý và hô bài chòi rất hay. Cũng như các đội văn nghệ ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn cũng có các diễn viên quần chúng và các cụ nghệ nhân cao tuổi còn hát hay”.

Từ những năm 1995, 1996, Hội An đã khôi phục trò chơi bài chòi. Với thế mạnh của một vùng đất du lịch, Hội An đã góp phần xuất sắc giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi truyền thống. Bài chòi ở các xã phường được kích hoạt và phục hồi, phổ biến trở lại với công chúng. “Bài chòi trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt, là điểm nhấn của Hội An ở Đêm phố cổ. Được “xuất khẩu” đi các nước phương Tây. Có một lớp công chúng đặc biệt yêu thích bài chòi. Trò chơi bài chòi đã thực sự sống dậy trong nhịp sống của người Hội An” - nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông nói. Cùng với Hội An, một số địa phương, ở các gian hàng vào ngày tết cổ truyền của mình đã dành cho bài chòi một không gian để người dân tham gian sinh hoạt. “Không có bài chòi thì không khí tết như thiếu đi phần nào. Năm nào anh em chúng tôi cũng khăn gói đi hô bài chòi, từ các vùng quê miền biển lân cận đến trung tâm thành phố. Ở đâu chúng tôi cũng được chào đón” - ông Trương Minh Hạnh, thành viên câu lạc bộ bài chòi xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) cho biết.

Những khác biệt giữa bài chòi dân gian Quảng Nam so với các tỉnh thành trong khu vực miền Trung cũng được các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa phân tích khá rõ tại buổi tọa đàm. Ấy là việc sử dụng phương ngữ rất thuần thục trong thể điệu của bài chòi, là anh hiệu, chị hiệu cùng giao tiếp với nhau, tạo nên một chiếu bài rất sinh động. Các quân bài của Quảng Nam có tên gọi và hình vẽ mô tả ít nhiều khác biệt so với Bình Định, Quảng Bình… Ở bài chòi xứ Quảng, tính hiện thực và tính dân gian vẫn còn khá đậm đặc. Với những giá trị truyền thống như vậy, Quảng Nam đang nỗ lực nhiều hơn để góp phần bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này, qua đó góp phần đưa nghệ thuật bài chòi dân gian trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

SONG ANH

SONG ANH