Đi tìm bóng hồng trong "Tình Cầm"
Với “Tình Cầm”, nhạc sĩ Phạm Duy đã “phù phép” để thi phẩm “Nếu anh còn trẻ” của nhà thơ Hoàng Cầm sống một cuộc đời khác. Kẻ mộ điệu hậu thế vẫn mải miết thắc thỏm câu hỏi “bóng hồng” thực sự trong thi phẩm của Hoàng Cầm, là ai?
Những nàng thơ - bóng hồng giúp cho cảm xúc người nghệ sĩ thăng hoa, sáng tác nên những tác phẩm để đời. Một Du Tử Lê với hình bóng nàng Huyền Châu trong “Khúc 68 viết cho Huyền Châu”, trở thành nhạc phẩm nổi tiếng “Trên ngọn tình sầu” của Từ Công Phụng. Một Hoàng Thị Ngọ trong thơ Phạm Thiên Thư dưới bàn tay phù thủy của Phạm Duy đã để lại nhạc phẩm “Ngày xưa Hoàng Thị”. Nguyễn Tất Nhiên với mối tình dành cho cô bạn Bùi Thị Duyên học chung trường cũng kịp để lại nhiều danh phẩm được Phạm Duy phổ nhạc, từ “Thà như giọt mưa” hay “Em hiền như ma sœur”… Hoàng Cầm cũng không ngoại lệ. Chung quanh cuộc đời ông, không ít những bóng hồng đã được đưa vào tác phẩm. Chị Vinh trong “Lá diêu bông” hay chị em cô Loan trong kịch thơ “Kiều Loan” đã nhiều lần được truyền thông nhắc đến. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến Tuyết Khanh - người vợ thứ hai của Hoàng Cầm.
Nữ kịch sĩ Tuyết Khanh là một người phụ nữ đẹp, đa tài, khiến nhiều người si mê, một trong số họ là thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Ông đã viết tặng nàng nhiều bài thơ như “Đêm vàng Thủy Tạ” hoặc “Nhớ cố nhân”… Nhưng tình yêu đôi khi trái khoáy, Tuyết Khanh lại đem lòng yêu thi sĩ Hoàng Cầm, trong khi đó ông đã lập gia đình với bà Hoàng Thị Hoan. Hoàng Cầm bèn trải lòng mình với mối tình của nàng bằng thi phẩm “Nếu anh còn trẻ”. Những văn nhân thi sĩ ngày xưa hay sử dụng phép tu từ ẩn dụ trong tác phẩm của mình, Hoàng Cầm cũng là một bậc thầy sử dụng ẩn dụ thi pháp. Dựa vào điển tích Bạch Cư Dị tiễn bạn trên bến Tầm Dương, ở đấy ông gặp một cô gái giang hồ trên sông. Đây nguyên là một người đánh đàn tỳ bà nổi tiếng tại kinh đô lưu lạc về khúc sông này. Nghe tiếng đàn tỳ bà và biết được cảnh ngộ của cô gái, Bạch Cư Dị đã cảm khái sáng tác bài thơ “Tỳ bà hành” nổi tiếng. Từ đó, bến Tầm Dương, hoặc Tỳ bà được ngầm hiểu như thân phận của những phụ nữ theo nghề cầm ca. Có lẽ “Nếu anh còn trẻ” là bài thơ đầu tiên Hoàng Cầm viết cho Tuyết Khanh.
Sau đoạn mở đầu đầy tiếc nuối về không gian, thời gian của hai người lúc đương thời: “Nếu anh còn trẻ như năm ấy/ Quyết đón em về sống với anh/ Những khoảng chiều buồn phơ phất lại/ Anh đàn em hát níu xuân xanh”. Ông phân vân về sự ngăn cách, chia xa trong kháng chiến khi mỗi người ở một đoàn văn công khác nhau, rồi chuyển sang bày tỏ cảnh ngộ của hai người trong thời ly loạn: “Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận/ Anh lụy đời quên bến khói sương/ Năm tháng, năm cung mờ cách biệt/ Bao giờ em hết nợ Tầm Dương”. “Năm cung” trong bài thơ là những cung bậc trong âm nhạc dân tộc, ở đây được ám chỉ nghề nghiệp cầm ca của hai người. Đối với văn nghệ sĩ nói chung, nhiều người vẫn cho rằng cái nghề là cái duyên nghiệp, nhiều khi là nợ khó dứt ra được. Đến câu cuối, người đẹp Tuyết Khanh dần hiện ra dưới hình ảnh nàng kỹ nữ năm xưa trên bến Tầm Dương. Đoạn cuối của bài thơ như một số phận đã định, bốn năm sau hai người gặp lại nhau khi người vợ đầu của Hoàng Cầm đã quá cố. Hai người thành hôn và Tuyết Khanh vào vai nàng Kiều Loan trong vở kịch thơ “Kiều Loan” nổi tiếng của Hoàng Cầm được công diễn lần duy nhất vào tháng 11.1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Một buổi chiều ở Phố Nỉ - Bắc Giang có sự tham dự của nhạc sĩ Phạm Duy, Hoàng Cầm ngồi rung đùi đọc thơ tạm biệt người vợ trẻ Tuyết Khanh trở về thành để sinh con, Hoàng Cầm ở lại theo chân những đoàn lưu diễn phục vụ kháng chiến. Ông hứa sẽ trở về chăm sóc nàng nhưng cuộc chiến ngày càng khốc liệt đã không chiều lòng người. Không ai ngờ buổi chiều định mệnh ấy là buổi cuối cùng hai vợ chồng gặp mặt nhau. Số phận đẩy đưa để lời hứa năm xưa trở thành thiên cổ hận: “Nếu có ngày mai anh trở gót/ Quay về lãng đãng bến sông xa/ Thì em còn đấy… Hay đâu mất/ Cuối xóm buồn teo một tiếng gà”. Phạm Duy kể lại, trong thời gian đi tìm tư liệu để làm Hoàng Cầm Ca, tình cờ ông gặp họa sĩ kiêm thi sĩ Tạ Tỵ đọc cho ông nghe bài thơ này. Bài thơ đã gợi lại những cảm xúc của một thời xa cũ nơi một chân trời cũ, ông quyết định phổ nhạc bài thơ. Phạm Duy hiểu rõ tâm ý Hoàng Cầm đủ để ông dùng hình ảnh người kỹ nữ năm xưa ôm đàn tỳ bà dưới trăng để trả lời cho bạn: “Ngày tháng tỳ bà soi ánh nguyệt/ Mộng héo ven sông vẫn đợi chờ” (Tình Cầm). Ông đặt tên cho bài thơ phổ nhạc này là Tình Cầm có nghĩa là mối tình của Hoàng Cầm. Tri âm, tri kỷ Phạm Duy đã kết thúc bản nhạc với một hy vọng một ngày nào đó hai người sẽ lại trùng phùng trong một khung trời đầy mộng ước: “Dù đôi mái tóc không còn xanh nữa/ Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha”.
Thơ Hoàng Cầm hay là vậy, buồn nhẹ nhàng, tiếc nuối nhẹ nhàng. Cung bậc của Phạm Duy trong bài hát này cũng vậy, dòng nhạc cứ trôi đi như mây trời lãng đãng, nuối tiếc buồn cho một cuộc tình đã qua. Tình yêu từ hàng ngàn năm trước đến bao ngàn năm sau vẫn chẳng thay đổi gì mấy, cuộc tình nào trôi đi cũng để lại cho người trong cuộc bao điều nuối tiếc mà thời gian mãi cứ lạnh lùng trôi đi. Đường đời đầy những chông gai và nhiều sai lầm, mấy ai chưa từng ngậm ngùi khóc cho cuộc tình đã trôi xa. Bến Tầm Dương xưa nay có còn chăng người cũ hay chỉ còn “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Thôi Hộ).
NGUYÊN NGÃ