Làng cổ giữa thị trấn
Ít ai biết giữa lòng đô thị Nam Phước vẫn đang tồn tại cây đa, bến nước, sân đình ở một ngôi làng cổ. Đó là làng Mỹ Xuyên Đông.
Làng cổ
Theo Ông Nguyễn Quang Ấn (84 tuổi) - Trưởng ban trị sự làng Mỹ Xuyên Đông, làng hình thành cách đây gần 550 năm. Lịch sử ghi dấu năm 1471, sau khi lập Thừa tuyên đạo Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông đã cử Chánh đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công cùng 12 vị tướng khác ở lại vùng đất vừa mới tạo dựng. Năm 1836, vua Minh Mạng cho đào con sông dài gần 5km, chia làng thành Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây. Dấu tích còn lại của con sông này là một vùng trũng rộng, kéo dài từ cầu Chìm vòng qua làng Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, Mỹ Cựu, đến phía đông cầu Câu Lâu, chạy ra đến làng nghề dệt chiếu truyền thống Mỹ Phước (Duy Phước). Làng Mỹ Xuyên Đông ngày đó rộng 1.700 mẫu (tương đương 850ha) nằm ở bờ nam sông Thu Bồn, toàn bộ là đất công điền, nhiều bãi dâu ven sông, trên bến dưới thuyền, đông vui tấp nập.
Lễ làng Mỹ Xuyên Đông hàng năm. Ảnh:H.THƠ |
Mỹ Xuyên Đông hiện tồn tại 30 tộc họ, 5.000 cư dân sinh sống. Nơi ấy dung hợp những ngôi chùa Phật giáo, thánh thất Cao đài, nhà thờ Công giáo, ngôi chợ Đình hơn trăm năm tuổi, nép mình bên bóng đa cũng cổ như làng và trạm bơm Xuyên Đông cung cấp nước, cho những mùa vàng tốt tươi lúa và vườn cây ăn trái. Bến nước của làng ở phía tây có tên bến Giá với nhiều giai thoại. Người kể, đó là bến nước chúa Nguyễn Phúc Lan dừng thuyền rồng gặp thôn nữ hái dâu, sau này là Hiếu Chiêu hoàng hậu. Kẻ nói, cát sạch dân làng rấm giá đậu xanh và rửa bên bến sông trong vắt, lâu ngày chết danh bến Giá.
Chứng tích quá vãng của làng gần như bị xóa mờ sau bao cuộc bể dâu, thương hải tang điền, song gần nhà ông Ấn vẫn còn một giếng cổ gần 150 năm được cho là của cụ Nguyễn Văn Tiến. Vị trưởng ban trị sự của làng này nói từ nhỏ đã thấy giếng được xây bằng đá tảng, miệng tròn, sâu hun hút, nước đầy quanh năm. Giờ, người dân không dùng nước giếng đào nữa nên làng đã dùng lưới B40 rào bảo vệ. Ngoài ra, làng còn có bộ lư đồng, nặng gần 150kg, lư hương to, cặp chân đèn đường kính 10cm, cao gần 1m và số tuổi chắc cũng xấp xỉ tuổi làng. Người làng còn kể, xưa kia, còn có một trường hát chợ Đình giữa làng, đêm đêm rộn rã tiếng nói cười, dập dìu nam thanh, nữ tú.
Và sắc phong
Huyền sử làng đi một ngày có thể thấy cả trăm năm. Nhưng, 32 đạo sắc phong từ năm Minh Mạng thứ 5 đến năm Khải Định thứ 9 và sắc phong của vua Minh Mạng ban năm 1824 thuộc hàng sắc phong cổ nhất ở Quảng Nam, còn được lưu giữ đầy đủ tại nhà ông Nguyễn Văn Thanh (84 tuổi) ở xóm Mỹ Nga, thôn Xuyên Đông 1. Đây mới chính là “báu vật” của làng. Người làng Mỹ Xuyên Đông “có quyền tự hào” khi sở hữu nhiều sắc phong nhất Việt Nam. Ông Văn Công Chân – Phó ban trị sự làng Mỹ Xuyên Đông cho biết, để có thể bảo tồn trọn vẹn 32 đạo sắc phong trước biến thiên của lịch sử, người dân Mỹ Xuyên đã tốn không ít công sức, vượt qua khói lửa chiến tranh, mưa bom, bão đạn, thiên tai, chuyền tay nhau giữ sắc phong đến cùng. Đó là lòng tôn kính tiền nhân, thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân Việt.
Bà Lưu Thị Hiền Phương - Trưởng phòng VH-TT Duy Xuyên khẳng định, làng Mỹ Xuyên Đông hiện có nhiều đạo sắc phong nhất Việt Nam. Hàng năm, chính quyền và cơ quan quản lý đã hỗ trợ cùng với chủ trương xã hội hóa, tạo điều kiện cho làng tổ chức lễ hội, tôn tạo, trùng tu để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di tích của làng. Ngoài ra, huyện cũng đã lồng ghép giáo dục di sản, di tích địa phương vào chương trình “nhà trường thân thiện”, “học sinh tích cực” trên địa bàn huyện. Tất cả điều đó đã trở thành sợi dây bền chặt, kết nối nhân dân đoàn kết, cùng nhau gìn giữ sắc phong, bảo vệ làng và giáo dục thế hệ mai sau về dấu ấn tiền nhân
Mỗi năm, vào ngày 12.2 Âm lịch, dân làng Mỹ Xuyên Đông mở hội tế lễ cầu an. Nghiêm trang lễ và tưng bừng vào hội, ắp đầy những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của nền văn minh lúa nước. Những sản vật lấy từ đồng đất màu mỡ quê nhà đã được dân làng dâng cúng và dưới gốc đa già, con trẻ được nghe kể về làng, về ngày cũ… để mỗi tộc họ thêm yêu làng, trân trọng và kế thừa giữ gìn “báu vật”, phát huy truyền thống của cha ông.
HOÀNG THƠ