Chu du trên dòng sông ngôn từ…
Có một cách “du lịch” rất dễ dàng mà cũng không kém phần kỳ thú: chu du trên dòng sông ngôn từ, qua những trang sách…
"Hướng dẫn viên" thầm lặng
Paul Theroux “mời” du khách leo lên những chuyến tàu tốc hành “Phương Đông lướt qua ngoài cửa sổ”. Từ ga Victoria ở London đến ga trung tâm Tokyo, rẽ qua Simla, lượn qua đèo Khyber, ngang đoạn nối giữa đường ray Ấn Độ và Sri Lanka hoặc đi chuyến tàu tốc hành Mandalay, Mũi tên vàng ở Malaysia, cùng những chuyến tàu ở Việt Nam và những tuyến đường sắt có tên hấp dẫn như Tốc hành phương Đông, Ngôi sao phương Bắc, xuyên Siberia…, những chuyến tàu phương Đông ấy giống như những phiên chợ hấp dẫn, tràn trề hương vị, màu sắc, âm thanh… bí ẩn đến lạ lùng không thể lý giải nổi. Đó là mảnh ghép của một châu Á rộng lớn với nền văn hóa đặc sắc đầy ẩn ức về giới tính của Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng vó ngựa, lạc đà ở phiên chợ Ba Tư, một Afghanistan đầy bí ẩn, Ấn Độ long lanh đền đài thánh tích nhưng hoang đường, nghèo đói hay đảo quốc Singapore ngăn nắp, Nhật Bản hiện đại và một Việt Nam thơ mộng dưới chân đèo Hải Vân.
Những hướng dẫn viên thầm lặng. Ảnh: N.KHA |
Nếu lãng tử Che Guevara thực hiện “Hành trình xuyên châu Mỹ La tinh bằng xe gắn máy” vất vả suốt chín tháng trời qua những miền đất lạ, núi non hiểm trở, sông hồ hoang sơ để thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ và khát vọng thay đổi thế giới thì Elie Wiesel gọi người “Về từ cõi chết” mà gặp lại tại trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã để hiểu số phận của những người Do Thái tại một thành phố nhỏ vùng Transylvania có tên Sighet. Hay “hướng dẫn viên” Chanrithy Him dẫn dắt qua miền ký ức đầy đau thương của cả một dân tộc bị nghiền nát dưới bánh xe lịch sử của Khơme Đỏ trên “Cánh đồng chết”. Hiện thực chất ngất dấu hỏi làm sao quên được quá khứ thống khổ, nhục nhã, hận thù ấy để sống đời đáng sống, để đánh thức tình yêu đời, yêu người hiện tại. Hình ảnh những ngọn đồi xanh thẳm hay “Tuyết trên ngọn Kilimanjaro” cao nhất châu Phi của Ernest Hemingway người ta tìm thấy xác một con báo chết khô và lạnh cứng hay một Paris “Hội hè miên man” bày ra trước mắt người. Nơi ấy có những võ đài đặt giữa vườn, dưới bóng cây là các võ sĩ quyền anh hành nghề phục vụ bàn và những khu rừng Đen đầy ám ảnh quanh kinh thành hoa lệ. Những cuộc du hành đầy bất ngờ sẽ còn gặp cầu Cedar có mái che ở quận Madison thuộc bang Iowa (Mỹ) của Robert James Waller, hay thân phận người suốt mấy thập kỷ trên “Chiếc cầu trên sông Drina” của Ivo Andrich ở Nam Tư. Và đi châu Âu tráng lệ lại gặp những ngôi chùa Vạn Hạnh ở làng Nederhost den Berg, bóng phật bên bờ biển La Haye, là bông hoa tuylip, hoa thủy tiên giữa đêm giá buốt trên đất Hà Lan cho đến ngôi làng chào đời của triết gia Nietszche…“Trên dấu chim di thê” của Văn Cầm Hải.
Chọn sách và “đi”. |
Và Việt Nam, những cảnh đẹp, những món ăn trong hoài niệm “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng gợi niềm thương về đất Bắc xa xôi ngày cũ. Một Hữu Ngọc dẫn dụ người dọc theo chiều dài đất nước “Lãng du qua văn hóa Việt Nam” để thấy đền đài, huyền tích, nghề, ca hát rồi nhấm nháp, thưởng ngoạn những điệu lý, câu hò, phong tục, hương vị núi rừng, châu thổ…
Viễn du qua những miền mơ tưởng
Những chuyến đi không bao giờ kết thúc vì mặt đất còn có quá nhiều hướng dẫn viên thầm lặng như thế. Những cuốn sách trên giá bỗng trở thành những cuộc triển lãm, những chuyến du hành vào không gian, thời gian với sự im lặng của vô ngôn. Miền Provence tràn ngập ánh nắng, nơi “Thư từ cối xay gió” của Alphonse Daudet được gửi đi khắp thế giới, những gương mặt thân quen dọc đường dù chưa bao giờ gặp gỡ vẫn ẩn hiện trong trí nhớ. Đằng sau những con chữ ấy, ta còn nhận ra “dấu chân” mình dường như cũng đã để lại trên mặt đất Việt Nam, Anh, Ý, Hà Lan, Bỉ và cả thế giới sôi động này. Những “chuyến đi” ấy để lại niềm bâng khuâng nhớ những đêm trắng đầy sao, lộng lẫy với tiếng thở dài, tâm trạng giằng xé… của cô gái bên bờ Neva ở Peterburg, hình dung mơ hồ về những người con gái mặc măng tô, choàng khăn lạnh co ro qua mùa đông “xứ tuyết”, tiếng đàn của gã digan Casanova trên những ga điện ngầm ở Paris hay nụ cười của Nilaves bồng bềnh như gió ở Bruxelles. Tôi nhớ những con quạ đen rụt rè nhặt hạt tuyết đầu mùa trên đường phố Mạc Tư Khoa, những hạt mưa phương Bắc gợi dáng buồn liêu xiêu, thanh mảnh của những con thuyền gỗ nằm chơ vơ bên bờ biển đêm La Haye (Hà Lan). Âm thanh tiếng cười ngây thơ của thiếu nữ dạo chơi trên mình ngựa cao lớn qua những con đường mềm như lụa chảy qua những ngôi làng cổ, trầm lắng dưới những cối xay gió đến làng Nederhost den Berg có ngôi chùa Việt ở Hà Lan như vẫn còn vọng động. Tiếng chuông nhà thờ rơi đầy xuống bầy bồ câu nhẩn nha tìm mồi bên hiên nhà Anne Frank (263 Prinsengracht), lẫn vào bờ hải cảng Rotterdam và hàng trăm người xếp hàng mỗi ngày để vào thăm căn gác xép, nơi ẩn cư cuối cùng của cô gái 16 tuổi viết “Nhật ký Anne Frank” dậy sóng cả thế giới…, những ngôi nhà lưu niệm danh họa Van Gogh, Rembrant với những giá vẽ, bức tranh đã hoàn thành và những bức ký họa về các góc nhìn Amsterdam vẫn còn lưu hơi ấm sau hàng trăm năm qua. Và không quên miền đất Bỉ cổ kính và linh thiêng cùng sống trong một không gian dưới bóng hoa anh đào có thằng bé Mannequin Pis trong trang phục quỷ Dracula đứng tè suốt mấy thế kỷ nay bên đường L’eture et Chene, hàng trăm người đến vuốt lên tượng thánh Everd’t Serclaens nằm bên hiên nhà Thiên nga ở thủ đô Bruxelles... Và niềm vui, sự trải nghiệm bao la trên khắp quả địa cầu… có đầy trong sách.
Mỗi tác phẩm lớn là một xứ sở diệu kỳ. Mỗi lần tìm đến là bước vào một cuộc phiêu lưu hoan lạc, đi qua không gian và thời gian ước lệ, thơ mộng, hiện thực và kỳ ảo. Khát vọng hiểu biết và vui thú trong đời là bản tính của con người mọi xứ, mọi thời. Những tác phẩm văn chương thật sự vĩ đại đều mang lại hai điều vui thú và hiểu biết. Hãy tiếp tục chu du qua những cánh đồng mơ tưởng khác trên dòng sông ngôn ngữ đằng sau trang sách. Cầm lên đọc và “đi”, để “gặp, thấy và chia sẻ” cùng nhân loại, tại sao không?
NAM KHA