Du xuân qua những hội làng
Đầu xuân, không khí tại nhiều vùng quê Đại Lộc trở nên náo nhiệt, sinh động bởi lễ hội. Mỗi lễ hội là một nét văn hóa, tập tục tín ngưỡng đậm chất vùng miền.
Mùng 7 tháng giêng. Đã thành lệ, đầu xuân, nhân dân làng An Định, Phước Lộc thuộc 2 xã Đại Quang, Đại Đồng và hàng trăm du khách thập phương nô nức về trẩy hội dinh bà Chúa Ngọc. Già Nguyễn Viết Hoa (86 tuổi, thôn Phước Lộc, Đại Quang), người chuyên thảo những tờ sớ, văn tế trong lễ hội chia sẻ: “Dù có đi đâu về đâu, hễ cứ đến mồng 7 tháng giêng là nhân dân, con cháu khắp nơi tụ hội về đây viếng hương bà, xin lộc, nguyện cầu một năm an lành”. Mở đầu lễ hội là lễ khai sơn (khai truông). Lệ rằng, chỉ sau khi khai hạ tất cả các cửa truông, con cháu trong vùng mới được vào rừng, tản đi khắp nơi làm ăn, sinh sống. Sau lễ khai truông là lễ cúng bà Chúa Ngọc (còn gọi là Thiên Y Yana) và con cháu của bà. Sau phần nghi lễ, dân làng mở hội chiêu đãi khách thập phương và dân trong vùng. Cũng theo già Hoa, bàn lễ cúng bà gồm có gà, hoa quả, nổ nẻ, giấy tiền, vàng mã… Ngày nay, già trẻ, gái trai đều có thể vào dinh viếng hương bà, xin lộc cầu may chứ ngày trước, chỉ riêng đàn ông mới được vào khu vực này còn đàn bà con gái thì không ai dám tới vì sợ uy linh của bà. Ông Nguyễn Văn Đâu - Trưởng ban tổ chức lễ hội bà Chúa Ngọc cho biết: “Vào ngày lễ lớn, ước tính khu vực này đón đến cả nghìn lượt khách hành hương xa gần. Từ khâu tổ chức cho đến khâu an ninh trật tự được ban tổ chức và địa phương hết sức chú trọng nhằm giữ bản sắc cho lễ hội”.
Viếng hương, xin lộc cầu may tại lăng mộ bà Phường Chào. Ảnh:H.L |
Được biết, thời Minh Mạng, năm 1811, dinh bà chỉ là một cái am nhỏ bằng tranh tre, kể từ năm 1930 trở đi, dân làng mới tiến hành sửa sang, trùng tu dần tới nay. Khu vực này còn lưu giữ khá nhiều dấu tích Chăm như gạch Chăm vương vãi có niên đại từ rất sớm, có bệ thờ Yoni, am thờ Bạch Hổ. Bà Chúa Ngọc chỉ ngự ở khu hội thẩm, còn khu kỉnh là nơi tế lễ. Trước đây, những đồng Tiến, đồng Niệm, đồng Tiễn… vốn là người địa phương được người trong vùng tôn là xác đồng trực tiếp trị bệnh, cho lộc. Quan niệm, tín ngưỡng một thời đậm chất saman giáo, thể hiện sự thông linh giữa con người và vị thần nữ với mục đích tìm kiếm những lời chỉ bảo về tương lai, về bệnh tật và xin thuốc chữa bệnh.
Mùng 8 tháng giêng. Nhân dân 14 thôn của xã Đại Nghĩa lại nô nức đua ghe tại Bàu Ông. Đến hẹn lại lên, mới sớm tinh mơ, con đường vào Bàu Ông chật kín người mang theo cờ, băng rôn, nước uống để cổ vũ cho lễ hội. Tiếng loa, tiếng trống, tiếng reo hò của hằng trăm người dân từ già trẻ, gái trai khiến cho lễ hội thêm rộn ràng, sôi động. Trong tâm thức người dân vùng sông nước, lễ hội đua ghe là nét đẹp văn hóa gắn liền với truyền thuyết “Tam vị thủy tướng”. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, thần tích này ứng với truyền thuyết 3 quả trứng nở ra 3 vị thần rắn hiển linh, được dân lập miếu thờ. Có dị bản khác cho rằng, 3 vị thần rắn có tên là ông Dài, ông Cụt (bị đứt đuôi) và ông Bơ, cả 3 lưu lạc 3 xứ khác nhau nên mỗi nơi thờ một vị. Chẳng hạn, thôn Nghĩa Trung (trước thuộc Đại Nghĩa) thờ vị thần rắn thứ 3 gọi là “Đức Tam”, miễu cây sanh (thôn Nghĩa Bắc, Đại Nghĩa) thờ ông Dài… Doi đất thuộc Bàu Ông có dinh thờ “Tam vị thủy tướng”, từ đó mà lệ đua ghe truyền thống được duy trì từ đời này sang đời khác ở vùng này.
Đúng 7 giờ sáng, trống đánh dồn dập hai bên bến nước khu vực Bàu Ông, thuyền ghe đã được sắp xếp có trật tự, sau tiếng trống, những vị cao niên, người chủ xướng làm lễ bái, cúng tại dinh Ông thì tiếng trống khai cuộc bắt đầu. Đặc biệt, ghe đua ở đây là loại ghe ngắn chứ không phải ghe đua chuyên dụng trong các dịp đua ghe toàn vùng. Thậm chí, thôn nào không có ghe thì lấy ghe đi vớt củi để bơi. Các ghe đua đi tới Bàu Ông dạo một vài vòng, cất tiếng hò khoan để cầm nhịp rồi tụ lại thành hàng trước dinh thờ Tam vị. Nghi lễ cúng bái diễn ra, từng đội bơi đều mang lễ vật (tràu cau, áo giấy) vào dinh cúng lạy Tam vị. Mười bốn ghe đua của 14 thôn lao vút ra. Trống đánh thúc ba tiếng một, các tay chèo bắt đầu chặng đua. Lệ đua thường là 4 vòng đôi với cự ly chừng 400m, ghe nào thắng thì cắm cờ, bơi diễu trước dinh ba vòng để cáo với thần, lễ hội chấm dứt trong ngày.
Mùng 10 tháng giêng. Nhân dân khu Hoán Mỹ (Thị trấn Ái Nghĩa) long trọng tổ chức lễ cúng tại miếu bà Phường Chào. Theo thần phả do đồng đệ tam giáp tiến sĩ, khoa Nhâm Thìn, với chức Gia Nghị đại phu tên Học biên soạn năm Khải Định thứ 4 (1919), bà Phường Chào tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25.2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái), nay thuộc thôn Mỹ Phiếm, xã Đại Cường, Đại Lộc. Thân phụ của bà làm quan triều Lê, tên là Nguyễn Trí; thân mẫu họ Trịnh, húy là Tình và nhũ mẫu là Đoàn Thị Vệ. Cả ba là “Tam vị khải thần” được thờ tại miếu Nhũ Mẫu. Tương truyền, Bà là tiên giáng thế, sau khi tạ thế, bà hiển linh chữa bệnh, bốc thuốc cho dân tại đất Phường Chào. Dân làng và thân quyến kiêng sợ oai linh của bà, tổ chức lễ vía sinh vào ngày 25 tháng Chạp hằng năm và giỗ ngày 19.11. Lăng mộ bà nằm ở vùng đất Ô Gia Cốc, Đại Cường. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), Tổng đốc Quảng Nam sợ sông đào Ái Nghĩa làm lở mất mộ Bà nên cho cải táng về làng Phước Yên, nay thuộc Gò Muồng, Thị trấn Ái Nghĩa.
Theo các bậc cao niên, lễ cúng tại miếu bà vào mồng 10 tháng giêng hằng năm là dịp kỷ niệm bà được vua ban sắc phong. Đây là vị thần nữ được triều đình nhà Nguyễn phong thần 2 lần: Năm Thành Thái thứ 6 (1894) với mỹ hiệu: “Trai thục Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần nữ Nguyễn thị linh ứng tôn thần”; năm Khải Định thứ 4 (1919) với sắc phong “Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần”. Lăng mộ bà được trùng tu từ nguồn đóng góp của nhân dân, cạnh đó có mộ bà nhũ mẫu Đoàn Thị Vệ, khu vực nhà trù đón khách. Ông Trần Quốc Hùng, thư ký ban trị sự của làng Hoán Mỹ cho biết: “Quê xứ của bà thuộc xã Đại Cường, quê ngoại thuộc vùng Bình Triều, Thăng Bình nên mỗi dịp lễ kỷ niệm sắc phong, chúng tôi đều mời đại diện các vùng trên tới dự. Lễ kỷ niệm sắc phong hằng năm thu hút đông đảo dân làng và hàng trăm du khách thập phương về tụ hội, sau phần nghi lễ, bà con nguyện cầu cho một năm tốt lành và xin lộc cầu may”… Tương truyền, sau khi tạ thế, hồn bà Phường Chào chu du khắp bốn phương và hiển linh tại vùng Phước Ấm, xây chợ, lập làng. Vậy nên cứ đến ngày 11 tháng giêng, nhân dân vùng này tổ chức lễ rước cộ bà Chợ Được và đua thuyền tri ân công đức vị thần nữ này.
HOÀNG LIÊN - TRẦN LIỄU