Xuân về mở hội Cha haroo tamee
“Ô... ô... adô... achoọng... Cây kiền kiền cho ta nhà rộng, gác bếp đầy ngô, lúa mới đầy gùi, đong đầy kho, giàu no yên ổn...”. Đó là câu hát lý thường vang lên giữa buôn làng của đồng bào dân tộc Cơ Tu trong lễ hội mừng lúa mới - Cha haroo tamee.
Đậm nét tâm linh
Cuộc sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu gắn chặt với rừng núi, phương thức canh tác chủ yếu là “phát, cốt, đốt, trỉa” trên địa hình phức tạp lại chịu sự tác động của thiên nhiên nên tạo cho người dân có cảm giác bấp bênh, may rủi trong từng mùa vụ. Bởi vậy, một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu luôn là mơ ước của người Cơ Tu và là lý do để đồng bào tổ chức lễ mừng lúa mới vào dịp xuân mới.
Các già làng chuẩn bị lễ vật cúng dâng các vị thần linh. |
Đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với thế giới vô hình như thần núi, giàng, ma quỷ. Sự hiện diện của các thế lực đầy quyền năng này có ở mọi nơi từ sông suối, núi rừng đến cành cây, hòn đá. Chính vì thế các lễ hội hiến tế phẩm vật là cách để người dân tiếp cận và làm vừa lòng các vị thần. Ngoài ý nghĩa mừng được mùa, lễ mừng lúa mới còn là dịp để dân làng cầu mong các vị thần đem lại bình an cho cả cộng đồng. Già làng Cê Tíc ở thôn Ca Noong 2, xã A Xan (huyện Tây Giang) cho biết: “Trong các lễ hội của người Cơ Tu ở Tây Giang, lễ hội Cha haroo tamee cúng tạ ơn các vị thần linh, đặc biệt là thần lúa đã phù hộ cho một mùa “lúa đầy bồ, đầy kho”, nó quyết định sự no đủ, hưng vong của bản làng và cầu xin sự bội thu trong mùa rẫy năm tới”. Chính vai trò quan trọng này nên lễ hội Cha haroo tamee là biểu tượng cao nhất, tập trung đầy đủ nhất các biểu trưng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam.
Thông thường, sau khi thu hoạch lúa rẫy, xuân về đồng bào Cơ Tu lại tổ chức hội mừng lúa mới. Sau khi quyết định thời gian mở hội, chủ làng mời các già làng, thầy cúng đến bàn việc chuẩn bị. Bàn bạc xong, chủ làng và già làng đứng ra chỉ huy các hoạt động của lễ hội theo đúng truyền thống. Những ngày trước lễ hội, cả làng tưng bừng không khí chuẩn bị. Trai tráng lo vào rừng săn bắt thú, chuẩn bị thực phẩm; phụ nữ ủ rượu, nấu xôi, làm bánh, chuẩn bị váy áo đẹp; các già làng lo chuyện gọt đẽo, trang trí cột buộc trâu; đường sá, sân gươl được quét dọn sạch sẽ, chuẩn bị đầy đủ trống, chiêng...
Người được chọn đâm trâu đầu tiên thường là già làng có kinh nghiệm trong làm rẫy, đi săn... Ảnh: QUỐC VŨ |
Khác với người Kinh, đồng bào Cơ Tu nói riêng, dân tộc thiểu số vùng cao ở Quảng Nam nói chung, không quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp” mà nó gắn liền với truyền thuyết về nguồn gốc của tục ăn trâu (đắh t’rí) có từ xa xưa: Ngày xưa ông trời sai trâu mang hạt giống xuống hạ giới phân phát cho con người để cày cấy, nhưng đến trần gian trâu ở lại vùng đồng bằng và phân phát hết hạt giống nên người miền thượng không có lúa để gieo trỉa, gây ra đói kém. Vì thế hằng năm, người Cơ Tu, Ca Dong, Xơ Đăng đều tổ chức lễ Đắh t’rí, lấy trâu làm vật hiến tế, tạ ơn trời đất cùng các loài ma quỷ, thần linh đã cho một mùa lúa đầy gùi, đầy kho.
Độc đáo lễ hội
Nghi thức đâm trâu chính là tâm điểm của lễ hội mừng lúa mới. Dân làng và khách tham dự được mời quây tròn quanh sân gươl làng. Lễ đâm trâu chính thức diễn ra sau nghi lễ hiến tế bằng lễ nhạc cồng chiêng với điệu “khóc trâu” và lời hát lý mang nội dung biết ơn sự hy sinh của con trâu. Sau phần mở đầu đó, chiêng trống nổi lên, dân làng cùng múa điệu tâng tung da dá chung quanh cột buộc trâu. Người được chọn đâm trâu đầu tiên thường là một già làng có kinh nghiệm trong làm rẫy, đi săn, tiếp đến là đại diện các gia đình trong làng. Trâu chết, đầu quay về gươl là báo hiệu điều tốt lành, vật hiến tế cùng lời thỉnh cầu của dân làng đã được Giàng và thần linh tiếp nhận, năm mới sẽ có vụ mùa bội thu, mưa thuận, gió hòa, núi rừng yên ổn, dân làng no ấm.
Lễ hội là ngày vui lớn của cả cộng đồng và diễn ra khi kết thúc vụ mùa, lúc này người dân được phép “xả hơi”, chờ năm mới đến với mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngoài các nghi lễ cầu xin thần lúa, trong lễ hội dân làng thường chọn ra con trâu to khỏe, có cặp sừng nhọn, da đen để tổ chức đâm trâu làm vật hiến sinh cầu mùa, cầu an. |
Cùng với nghi lễ đâm trâu, lễ hội Cha haroo tamee còn lưu giữ một hình thức sinh hoạt tinh thần rất độc đáo đó là nghệ thuật nói lý, hát lý “so tài” thâu đêm suốt sáng giữa các cụ cao niên làng này với làng kia. Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo bởi nó phụ thuộc vào việc ứng khẩu tùy theo trình độ, kinh nghiệm của người hát đưa ra mà không phải theo bất cứ bài mẫu nào. Khi đối thủ không “đấu” lại, phải thừa nhận chân lý do người thắng đưa ra. Trong lễ hội mừng lúa mới, các điệu lý của người Cơ Tu không nặng việc so tài cao thấp mà thường đối đáp để trao đổi về những khó khăn, thuận lợi hoặc hỏi han nhau chuyện lũ chim chóc, thú rừng có quấy phá trong vụ mùa hay không. Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày, nói lý, hát lý còn được người Cơ Tu dùng trong công việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ, có tác dụng hòa giải hoặc trao đổi giữa chủ nhà với khách, kêu gọi sự giúp đỡ trong họ hàng, người thân. Hát lý, nói lý, hiện được các cụ cao niên ở các làng bản Cơ Tu gìn giữ.
Thượng tá Trần Đắc Đồng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Xan nói: “Ngày nay, đời sống đồng bào đã được nâng cao, trong nông nghiệp đã chuyển đổi từ lúa rẫy sang lúa nước và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên ít có trường hợp vụ mùa bị thất bát. Chính vì thế vào các dịp mừng năm mới, người dân thường trang hoàng gươl, quét dọn bản làng và tổ chức săn bắt, đánh cá chuẩn bị thực phẩm cho lễ hội ăn mừng theo cộng đồng làng rất lớn. Các bộ tộc Lào sống dọc biên giới cũng sang cùng dự chia vui”.
Tham dự lễ hội Cha haroo tamee của đồng bào Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam, nếu chúng ta chỉ có thể cảm nhận bóng dáng các vị thần linh trong tâm tưởng của đồng bào qua các nghi lễ, thì có một thứ luôn hiện hữu và làm nên sắc thái độc đáo của lễ hội: đó là tình anh em, tính cố kết cộng đồng, mối đoàn kết sâu nặng giữa nhân dân hai bên biên giới.
LÊ VŨ - QUỐC VŨ