Miên man Gác Trịnh
Tiếng nhạc da diết vang lên từ căn gác nhỏ ở khu tập thể số 203/19, đường Nguyễn Trường Tộ, TP.Huế như kéo dòng người đổ về. Một không gian ấm áp lạ thường ngay giữa tiết trời mùa đông xứ Huế. Gác Trịnh - điểm hẹn của những người chung một niềm yêu...
Sắc màu hoài niệm
Đông đúc, ấm cúng, chia sẻ, hoài niệm… là những gì mà những người có mặt trong buổi khai mạc triển lãm tranh mỹ thuật “Sắc màu hoài niệm” của 2 họa sĩ Đinh Cường (Việt kiều Mỹ - bạn thân một thời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và Phan Ngọc Minh (TP.Đà Nẵng) cảm nhận được. Cuộc triển lãm được tổ chức tại Gác Trịnh (TP.Huế) vào những ngày mùa đông đã thu hút đông đảo các văn nghệ sĩ, người dân xứ Huế và du khách thập phương. Theo họa sĩ Đinh Cường, đây là một trong số tác phẩm được ông ghi lại từ “khoảnh khắc hoài niệm” về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đa số tác phẩm được ông thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 8.2013 với nhiều cảm xúc đặc biệt. Thông qua tác phẩm, ông muốn “kể” với mọi người về một Trịnh Công Sơn giữa đời thường gần gũi, yêu đời và say mê âm nhạc. Họa sĩ Đinh Cường cho hay, mỗi lần về thăm Việt Nam, ông đều ghé thăm Gác Trịnh - nơi gắn bó một thời trai trẻ của ông cùng với nhiều bạn bè là văn nghệ sĩ Huế, trong đó có người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. “Nhớ về người bạn một thời (tức nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - PV) với bao kỷ niệm đẹp đẽ đã thôi thúc tôi thực hiện các tác phẩm của mình. Và chúng tôi chọn “Sắc màu hoài niệm”, bởi đó là những gam màu để tô đẹp thêm tình bạn đó” - họa sĩ Đinh Cường bộc bạch.
Ghi lại khoảnh khắc tại Gác Trịnh.Ảnh: LĂNG A CÚI |
Không chỉ thể hiện về chân dung và những kỷ vật gắn liền với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cuộc triển lãm còn được trưng bày rất nhiều tác phẩm mỹ thuật về chân dung của một số văn nghệ sĩ nổi tiếng xứ Huế và Quảng Nam. Từ dịch giả Bửu Ý trầm tư với điếu thuốc trên tay, cho đến một Bửu Chỉ “lạ” dấn thân vào nghệ thuật; hay hình ảnh về một “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng giữa phong ba bụi trần bên những cánh bướm, vườn hoa... Tất cả đều được họa sĩ Đinh Cường khắc họa với sắc thái tự nhiên một cách tài tình. Triển lãm cũng dành riêng một không gian cho “giai nhân Dao Ánh” của một thời tuổi trẻ, đẹp mê hồn. “Một chuyện tình đẹp và lãng mạn” - Trần Hạnh, sinh viên của trường Đại học Khoa học Huế thốt lên với sự ngưỡng mộ đặc biệt khi nghe một thành viên của Gác Trịnh kể về mối tình đẹp của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn với thiếu nữ Ngô Vũ Dao Ánh. Chuyện tình đó nay lại được kể cho thế hệ trẻ thông qua những tác phẩm nghệ thuật được chính những người bạn của cố nhạc sĩ thực hiện, như một sự ngợi ca về một mối tình đầy lãng mạn và đẹp đẽ.
“Bảo tàng” riêng về Trịnh
Hơn 30 tác phẩm sơn dầu và acrylic, cuộc triển lãm “Sắc màu hoài niệm” đã thực sự níu du khách với không gian hoài niệm, dĩ vãng. Tất cả đều gợi lại một miền cảm xúc mới lạ, đầy sống động của sáng tạo nghệ thuật. Nói như họa sĩ Phan Ngọc Minh thì “Sắc màu hoài niệm” là tập hợp những miền ký ức đẹp về tình đất, tình người với những sắc màu tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất mà đôi khi chỉ vụt qua đời người một lần duy nhất”. |
Có một điều thú vị, ngay trong buổi khai mạc triển lãm “Sắc màu hoài niệm”, Gác Trịnh đã được đón nhận những món quà từ phương xa gửi về, góp thêm vào không gian “bảo tàng” Trịnh Công Sơn tại Huế. Cùng với những bức ảnh chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những năm 1970 do họa sĩ Ðinh Cường gửi tặng, Gác Trịnh được dịp “hội ngộ” thêm bức ảnh quý chụp chung nữ ca sĩ Khánh Ly với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do bà ký gửi.
Họa sĩ Đinh Cường đã đưa công chúng Huế đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Giữa bao ánh mắt chờ đợi và hồi hộp, lần đầu tiên bức thư của Trịnh Công Sơn gửi người đẹp Dao Ánh cũng được ra mắt công chúng. Một bức thư khá dài, được viết vào ngày 23.9.1965. Theo thời gian, bức thư đã ngả màu vàng úa, nhưng những dòng mực vẫn còn tươi mới như viết từ hôm qua. Cả căn phòng im ắng. Nhiều người đứng lặng mà thủ thỉ trong niềm xúc động: “Thế cũng đủ biết công giữ gìn của bà Dao Ánh như thế nào rồi”. Bất ngờ hơn, dịp này nhà thơ Ðinh Thu (ở TP.Huế) cũng gửi lại chiếc áo veston mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tặng ông cách đây 20 năm. Đó là vào năm 1993, trong một lần về Huế biểu diễn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ghé chơi nhà ông Bửu Ý và gặp Đinh Thu. Trời lạnh, thấy nhà thơ Đinh Thu mặc chiếc áo phong phanh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cởi chiếc áo vét của mình thường mặc khi lên sân khấu biểu diễn tặng người bạn mới quen. Nhà thơ Đinh Thu cất giữ chiếc áo cẩn trọng, nay tặng lại cho Gác Trịnh.
Với công chúng Huế, Gác Trịnh luôn được xem như một không gian mở, hội tụ ký ức về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi vậy, tất cả kỷ vật quý giá nhất, gần gũi nhất liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ cũng đều được trưng bày trang trọng. Hằng tháng, tại Gác Trịnh cũng thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật với nhiều màu sắc mới. Kể từ khi được mở cửa vào tháng 4.2013, Gác Trịnh trở thành không gian văn hóa dành cho những người yêu mến Trịnh Công Sơn. Cái tên Gác Trịnh cũng được lấy ý tưởng từ câu hát “một đêm bước chân về gác nhỏ” trong bài “Đêm thấy ta là thác đổ” của nhạc sĩ, do một nhóm văn nghệ sĩ ở Huế chung tay góp sức thực hiện - một địa chỉ văn hóa độc đáo mang phong cách riêng xứ Huế.
LĂNG A CÚI