Giao lưu Văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ XI: Hành trình vạn dặm
Tối qua 25.8, chương trình “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” đã khép lại. Câu chuyện bang giao giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, Hội An - Nhật Bản nói riêng được kể lại hành trình hơn 400 năm qua và sẽ còn tiếp tục nhiều năm sau nữa, với sự tiếp nối nhiều thế hệ…
Trước đêm khai mạc chương trình “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ XI”, hàng loạt hoạt động của các tổ chức tình nguyện cũng như cá nhân những người bạn Nhật đã rộn ràng khắp phố Hội. Từ nhà hàng “Duck café” - một địa chỉ gắn kết những tấm lòng dành cho trẻ em, người khuyết tật Hội An của tổ chức JICA cũng như một số người Việt Nam, đến những cửa hàng chuyên về ẩm thực Nhật cũng chọn dịp này để khai trương. Hàng loạt hoạt động văn hóa được triển khai và kéo dài cho đến hết ngày chương trình giao lưu khép lại. Mỗi kỳ giao lưu thường niên như thế này càng thể hiện mối tình gắn kết được gầy dựng theo tiến trình lịch sử của hai quốc gia. Riêng với Hội An, nơi còn lưu giữ khá nhiều dấu tích của kiều dân xứ Phù Tang hơn 400 năm trước, mối tình ấy càng bền chặt hơn. Anh Lê Chí Huy, một hướng dẫn viên du lịch chuyên hướng dẫn khách Nhật đến Hội An, kể rằng mỗi khi đến Chùa Cầu và một số đoạn phố do người Nhật xây dựng, những bạn Nhật của thời hiện tại đều rất đỗi xúc động. “Họ dừng lại, ngả mũ và cúi rạp mình xuống thể hiện lòng tri ân với tiền nhân. Rất nhiều du khách đã rơi nước mắt trước quần thể di tích Chùa Cầu bởi các giá trị vẫn được gìn giữ nguyên vẹn qua những bể dâu” - anh Lê Chí Huy chia sẻ.
Chương trình khai mạc “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản”. Ảnh: S.A |
Ông Shinya Murabayashy - Trưởng hội Khuyết tật TP.Matsuzaka (thành phố kết nghĩa với Hội An), nhận định: “Mỗi năm ở Hội An lại tổ chức Ngày hội văn hóa Nhật Bản, với tinh thần của người dân Nhật Bản, chúng tôi rất trân trọng tấm lòng của các bạn. Mối tình Hội An - Nhật Bản không chỉ dừng lại ở mức độ hữu nghị, bang giao mà đã trở thành tình anh em thân thiết”. Ông Shinya Murabayashi niềm nở giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật do các nghệ sĩ khuyết tật tại địa phương ông làm nên với niềm tự hào khó tả. Và hơn hết, ông tìm thấy một địa chỉ để sẻ chia, đồng cảm về nghị lực vươn lên của những số phận kém may mắn. Với nhóm Tetsumo Shimaguchi dù nhiều lần đến Hội An trình diễn kiếm thuật Samurai kamui trong các kỳ lễ hội nhưng cảm xúc chưa bao giờ cũ. Bên không gian Chùa Cầu, một nữ nghệ sĩ múa và 4 kiếm khách cùng biểu diễn tạo nên khung cảnh lạ nhưng vẫn rất đỗi quen thuộc.
Chương trình Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ XI diễn ra từ ngày 23 đến 25.8 với những hoạt động đã được khẳng định qua các kỳ giao lưu như: Trình nghề và trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quảng Nam và Nhật Bản; gấp giấy Nhật Bản; trò chơi dân gian Hội An và Nhật Bản; thư pháp thơ Haiku; chụp hình lưu niệm với áo Yukata; trình diễn nghệ thuật dân gian; biểu diễn trống truyền thống Nhật Bản… Ngoài ra, lễ hội năm nay còn có các hoạt động mới lạ như: thuyết trình và giao lưu thư pháp Nhật Bản do nhà thư pháp Takeda Souun thực hiện; ẩm thực Nhật Bản; trình diễn hợp xướng đến từ Nhật Bản và Việt Nam... Hầu hết hoạt động diễn ra tại Chùa Cầu và đường Nguyễn Thị Minh Khai, nơi lưu giữ những dấu tích của người Nhật từ 400 năm nay. |
Ở một góc khác, Hội những người yêu văn hóa Nhật với các hoạt động văn hóa đậm nét truyền thống Nhật Bản của những bạn trẻ trở thành một không gian, thu hút đông đảo cộng đồng tham dự. Từ hình ảnh Cosplay, Manga, gấp giấy Origami đến mô hình các chú rô bốt… đều thể hiện tình yêu sâu sắc với xứ sở Phù Tang. Bà Yokoshikawa - thành viên Ban tổ chức chia sẻ: “Khi nhận được thông tin sẽ có một góc phố dành cho câu lạc bộ trong Hội những người yêu văn hóa Nhật tại Việt Nam, chúng tôi thực sự bất ngờ. Khi tận mắt nhìn thấy gian hàng của các bạn, từ tủ mô hình, Origami đến Manga Aime, chúng tôi như bắt gặp hình ảnh của những người trẻ Nhật”. Trong kỳ lễ hội này, ngoài thưởng thức Trà đạo, những người bạn Nhật còn mang đến các gian hàng ẩm thực như Takoyaki, mỳ Udon cùng những sản vật nổi tiếng khác.
Người Hội An chừng như đã quá quen với những lễ hội. Riêng với chương trình Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản, người dân nơi này xem đây như một lễ hội thuộc về truyền thống của phố cổ. Các bạn học sinh, sinh viên trở thành những người “hợp tác” tốt nhất trong mỗi hoạt động. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Điểm mới của lễ hội văn hóa Hội An - Nhật Bản năm nay là sự góp mặt của văn hóa Cơ Tu, với đại diện là làng dệt thổ cẩm Đhrôồng. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành văn hóa nhằm mở rộng quảng bá không gian văn hóa truyền thống xứ Quảng đến với các bạn Nhật”. Năm nay, những ngày hội văn hóa Hội An - Nhật Bản không quá ồn ào nhưng cũng đủ sức hút cũng như sự lắng đọng trong lòng du khách…
SONG ANH - MINH HẢI