Văn nghệ thiếu nhi: Cần nhân tố mới

SONG ANH 17/08/2013 09:19

Những sản phẩm văn hóa văn nghệ dành cho trẻ em dần thưa vắng. Ai cũng nhìn thấy điều đó. Nhưng tìm một lối ra cho mảng văn học, âm nhạc thiếu nhi quả là điều không dễ… Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Quảng Nam mà trên cả nước, “sân chơi” cho thiếu nhi ở mảng văn nghệ này ngày càng èo uột.

Vườn văn… nghèo nàn

Nhẩm lại, số lượng tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi của tác giả đất Quảng không đủ đếm trên mười đầu ngón tay. Lê Trâm với hai tập truyện dài Tí cô nương, Mơ về phía chân trời. Phan Chín với tập thơ Quê nhà cô Tấm. Tiêu Đình với Đội bóng nhí xóm mới. Nguyễn Tam Mỹ với Tuổi thơ trong chiến tranh… Chỉ có 4 - 5 tác giả chịu dấn thân vào khoảng trời thiếu nhi, để vui buồn cùng thế giới các em. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Nhiều năm qua, Lê Trâm đã ngưng hẳn chuyện sáng tác cho các em. Tiêu Đình thì đang ấp ủ tập 2  Đội bóng nhí xóm mới, không biết tới bao giờ mới trình làng tác phẩm. Vì sao vậy? Lý do rất đơn giản: viết cho thiếu nhi quá khó! Nó cần một tấm lòng trong sáng, một sự quan sát tinh tế và một giọng văn phù hợp với cách diễn đạt cảm xúc của tuổi thơ. Ông Nguyễn Đình Quý - Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, chia sẻ: “So với lượng sách đã phát hành của hội viên Hội VHNT thì mảng sách dành cho thiếu nhi quá ít ỏi. Biết thế, nhưng cũng đành bế tắc, bởi không dễ viết cho thiếu nhi”.

Một tiết mục biểu diễn trong Tiếng hát Hoa phượng đỏ 2013.
Một tiết mục biểu diễn trong Tiếng hát Hoa phượng đỏ 2013.

Với nhiều tác giả, mảnh đất văn học thiếu nhi chỉ là nơi họ ghé qua một tí cho vui, viết vài tác phẩm nho nhỏ dành cho các em theo dạng ngẫu hứng. Từ nhiều năm nay, các cây bút đất Quảng không viết thêm tập sách nào cho lứa tuổi các em. Một số nhà văn cho rằng, không phải dễ dàng sống lại cảm xúc ở thế giới tuổi thơ của các em. Nếu không có thứ cảm xúc ấy thì viết cho thiếu nhi rất dễ bị gượng ép hoặc sáo rỗng. Ngay cả những tác giả trẻ, chỉ vừa bước qua “tuổi mới lớn”, văn chương cũng đã không còn phù hợp với độ tuổi thanh thiếu niên. Những tài năng nhí của “vườn văn” đất Quảng cũng không thể giúp cho “người lớn” tìm được lối ra trong vòng bế tắc này. Các em chưa đủ lực để viết được những tác phẩm dài hơi. Và những người có trách nhiệm không thể tin tưởng giao hết cho các em tự tạo lập “sân chơi” cho mình. Chuyện bỏ ngỏ khu “vườn văn” dành cho tuổi thơ là điều chẳng đặng đừng. Trong khi đó, nguồn quỹ của Thủ tướng Chính phủ cấp về hỗ trợ cho Hội VHNT tỉnh luôn ưu tiên cho mảng văn học thiếu nhi!

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - một nhà văn người Quảng, với những câu chuyện lấy bối cảnh tại Quảng Nam… đã thực sự làm dậy sóng trong “vườn văn” dành cho tuổi học trò. Bởi ngoài tài năng, Nguyễn Nhật Ánh còn được tạo điều kiện tốt nhất để sáng tác văn học cho lứa tuổi này. Quay trở lại với mảnh đất văn chương Quảng Nam, liệu nhà văn Quảng Nam có nhận được đãi ngộ nào để chuyên tâm sáng tác cho các em? Trước đây, thời ông Nguyễn Bá Thâm còn làm Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, khuyến khích hội viên sáng tác cho thiếu nhi bằng cách hỗ trợ toàn bộ chi phí in ấn công bố tác phẩm nhưng khi hội viên có tác  phẩm lại không thực hiện được. Một sự bất tín vạn sự bất tin. Từ đấy, chẳng còn mấy ai “mặn mà” với việc sáng tác cho thiếu nhi. Vì vậy, Hội VHNT tỉnh cần có một chiến lược dài hơi với kế hoạch cụ thể mới mong “phục hưng” lại mảng văn học thiếu nhi ở đất Quảng.

Hoạt động trong Trại sáng tác văn học tỉnh 2013 – một sân chơi hứa hẹn sẽ tìm được những nhân tố mới cho văn chương xứ Quảng.
Hoạt động trong Trại sáng tác văn học tỉnh 2013 – một sân chơi hứa hẹn sẽ tìm được những nhân tố mới cho văn chương xứ Quảng.

Vườn nhạc... cũ kỹ

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: Nếu Hội VHNT tỉnh có kế hoạch và có kinh phí dành cho mảng văn học thiếu nhi ổn định, các nhà văn ở địa phương sẽ mạnh dạn sáng tác. Thêm nữa, hội cũng nên mở trại sáng tác văn học thiếu nhi thường xuyên hơn, mời các nhà văn, nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi tham gia để trao đổi về nghề văn cũng như kinh nghiệm viết văn của họ nhằm “nuôi dưỡng” niềm đam mê văn chương của các cây bút nhí. Bởi thực tế cho thấy, đất Quảng luôn có các thế hệ trẻ tiếp nối thế hệ đi trước dấn thân vào lĩnh vực văn chương, tiêu biểu như Alăng Văn Gáo, Võ Thị Như Trang, Nguyễn Thị Cẩm Giang v.v.

Đã từng có một thời, những bài hát của các nhạc sĩ Quảng Nam được phổ biến rộng rãi trong cả nước, thậm chí rất nổi tiếng. Điển hình như Cả nhà thương nhau (Phan Văn Minh) Niềm vui của em (Huy Hùng)… được thiếu nhi cả nước cất cao giọng hát. Khi cuộc thi “Tiếng hát Hoa phượng đỏ” do Đài PT-TH Quảng Nam còn duy trì đều đặn hằng năm, nhiều nhạc sĩ đã dành thời gian sáng tác nhạc cho thiếu nhi. Các nhạc sĩ Lê Xuân Bá, Lê Xuân Trúc, Huỳnh Ngọc Hải... đã có nhiều tác phẩm hay cho các em tập luyện, thử sức qua các cuộc thi “Tiếng hát Hoa phượng đỏ”. Nhưng rồi niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi cuộc thi “Tiếng hát Hoa phượng đỏ” bị giãn cách ra 2 năm tổ chức một lần, âm nhạc cho thiếu nhi đất Quảng ngày càng thiếu sức sống cả về số lượng lẫn chất lượng. Những ca khúc vẫn luẩn quẩn ở thể loại làm mới đồng dao, nặng tính địa phương ca. Âm nhạc vẫn chưa thực sự là bạn của các em. Những cuộc thi âm nhạc cấp tỉnh mở ra, ngoài tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí còn muốn thôi thúc nhạc sĩ có thêm những ca khúc dành cho các em. Nhưng ngoài đồng dao ra thì không có gì cả. Các em vẫn phải hát những bài cũ, đã có hàng mấy thập niên. Không chỉ với Quảng Nam, trên cả nước, thị trường âm nhạc thiếu nhi đang bị bỏ ngỏ.

Quan sát chương trình Giọng hát Việt nhí trên VTV3 đang thu hút đông đảo thiếu nhi, phần lớn là những ca khúc mà các em chọn hát là nhạc nước ngoài hoặc những ca khúc dành cho người lớn. Phải chăng, ca khúc cho trẻ em hôm nay vẫn không có gì khác so với ca khúc đã có từ mấy thập kỷ trước? Trong khi đó, trẻ em hôm nay có không gian hòa nhập rộng lớn hơn, giỏi giang hơn nên những chất liệu và chủ đề cũ kỹ không đủ sức thu hút các em. Vì vậy, không trách được thế hệ trẻ ngày nay cứ chạy theo trào lưu nhạc ngoại, từ Anh, Mỹ đến Hàn, Hoa... Nhạc sĩ Phan Văn Minh cho rằng, nền âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay đang bão hòa, còn với Quảng Nam thì đang chững lại. “Việc báo động không có nhạc cho thiếu nhi đã xuất hiện từ mấy năm nay, nhưng nhạc sĩ như chúng tôi cũng đành chịu. Các huyện thị không mặn mà với các chương trình thiếu nhi, nhạc sĩ không nhận được sự hỗ trợ nào, ai thích thì làm” - nhạc sĩ Phan Văn Minh tâm sự. Chính người nhạc sĩ này đã tự bỏ tiền túi để làm một đĩa nhạc với tính chất lưu trữ dành riêng cho mình. Tác giả ca khúc Cả nhà thương nhau cho rằng, những người chuyên viết cho thiếu nhi cần phải làm mới mình, thiếu nhi bây giờ năng động và “gu” âm nhạc cũng hiện đại hơn. Các phong trào ca hát cũng đã dần bão hòa vì thiếu vắng ca khúc thật sự lay động tâm hồn và phù hợp với lứa tuổi các em. Việc mở một trại sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi, như gợi ý của một vài nhạc sĩ là điều nên có trong thời buổi văn hóa phẩm dành cho trẻ em đang trở nên hiếm hoi.

Văn học và âm nhạc là hai “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với tuổi thơ. Các cấp các ngành, các nhà quản lý và các văn nghệ sĩ cần có sự “vào cuộc” đồng bộ để hình thành lối đi nhằm góp phần tạo “món ăn tinh thần” đa dạng, phong phú, có chất lượng phục vụ cho các em. Đây là một việc khó nhưng không vì khó mà bỏ qua hay ngoảnh mặt làm ngơ. Bởi trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai...

SONG ANH

SONG ANH