“Màu thời gian” hoài niệm
Nhóm họa sĩ trẻ đang sinh sống và làm việc tại Huế chọn “Màu thời gian” làm chủ đề cho cuộc triển lãm tranh mỹ thuật về Mỹ Sơn, vừa được trưng bày tại trụ sở Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thừa Thiên Huế với mong muốn đem đến cho công chúng những góc nhìn mới lạ, độc đáo về đền tháp Mỹ Sơn.
Hưng phấn từ Mỹ Sơn
Không như các hoạt động sáng tác trước đây đều do Liên hiệp Các hội VHNT hay Hội Mỹ thuật tỉnh phối hợp tổ chức, “Màu thời gian” là kết quả của đợt sáng tác tự do tại chỗ, kéo dài 10 ngày vào trung tuần tháng 6 vừa qua của một nhóm họa sĩ trẻ đang sinh sống và làm việc ở Huế.
Một góc phòng trưng bày triển lãm “Màu thời gian” tại Huế. |
Là nữ họa sĩ duy nhất có mặt cùng tham gia đợt sáng tác thực địa tại di tích Mỹ Sơn, Đặng Thị Thu An - giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế đem đến nhiều bất ngờ và ấn tượng với người xem thông qua tác phẩm “Chiều Mỹ Sơn” đầy huyền bí. Với chất liệu sơn dầu, “Chiều Mỹ Sơn” đã thực sự góp phần làm nên thành công chung cho cuộc triển lãm không chỉ ở góc độ nghệ thuật, mà còn thể hiện cả sự tinh tế về cảm quan, tư duy cũng như xúc cảm của tác giả trước một Mỹ Sơn rêu phong cổ kính.
Sinh năm 1990, họa sĩ trẻ Vũ Duy Vĩnh cũng góp mặt tại triển lãm 2 tác phẩm mỹ thuật được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao. Nổi bật là “Sắc màu cổ tháp 1” với chất liệu acrylic được tác giả khắc họa những đường nét hoang sơ về các pho tượng, dãy đền đài cùng khung cảnh di tích Mỹ Sơn vừa trầm lắng vừa lộng lẫy qua từng nét vẽ. Vũ Duy Vĩnh tâm sự: “Ngay từ khi đến Mỹ Sơn, ấn tượng về những khối văn hóa cổ tại các khu đền tháp đã khiến mình say mê đến lạ lùng. Đến Mỹ Sơn không chỉ để sáng tác nghệ thuật mà còn để quan chiêm một vùng đất địa linh đối với một họa sĩ trẻ như mình”. Anh cho biết sẽ trở lại sáng tác tại Mỹ Sơn trong thời gian đến.
“Nắng sớm” của Trần Xuân Minh. |
Đứng trước Mỹ Sơn, nhóm họa sĩ Huế dường như bị mê hoặc bởi những không gian trầm lắng giữa thời hiện đại, tạo nên sự hưng phấn cho sáng tác nghệ thuật một cách nhanh chóng. Bởi vậy, chỉ trong vòng 10 ngày sáng tác, nhóm họa sĩ đã có 36 tác phẩm đầy đủ các góc nhìn để trưng bày cho công chúng thưởng lãm.
Những góc nhìn mới lạ
Không gian trưng bày triển lãm “Màu thời gian” đã thực sự thu hút đông đảo người xem là những đồng nghiệp, sinh viên và cả những người yêu thích nghệ thuật hội họa xứ Huế. Căn phòng rộng hai ngăn của trụ sở Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế trở nên nhỏ hẹp trước đông đúc người xem. Hầu hết ai cũng sự ngạc nhiên và ấn tượng trước không gian một Mỹ Sơn đa sắc màu, đa góc nhìn được thể hiện bằng tranh. Bên một góc triển lãm, nhiều bạn sinh viên phải thốt lên rằng “như thật” khi xem các tác phẩm mỹ thuật được trưng bày.
“Tháp nghiêng”, tranh acrylic của Tôn Thất Minh Nhật. |
Giữa gam màu rêu phong và cổ kính, thánh địa Mỹ Sơn đến với công chúng Huế thông qua những bức họa bằng các chất liệu: tổng hợp, sơn dầu và acrylic. Đó là những “Chiều Mỹ Sơn” của Đặng Thị Thu An, “Dấu tích” (Nguyễn Đình Dàng), “Tháp nghiêng” (Tôn Thất Minh Nhật) hay “Miền xúc cảm” (Trần Ngọc Bảy)… với nét thời gian ghi dấu về trầm tích văn hóa Chăm một thời. Bên cạnh những dãy đền tháp cổ uy nghi, đa sắc màu, các họa sĩ còn khắc họa thêm những bức phù điêu, pho tượng, các vũ nữ Chăm với vũ điệu Apsara hay những nhân tố nhỏ không còn nguyên vẹn trong hệ thống tháp cổ một cách sinh động, tái hiện một Mỹ Sơn lưu dấu ngàn năm.
Họa sĩ Đặng Mậu Triết, Hội viên Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế - trưởng nhóm đi thực tế sáng tác tại Mỹ Sơn cho rằng, đợt sáng tác tuy chỉ mang tính chất “tự do” nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn cũng như tác phẩm hội họa độc đáo, mới lạ về di tích Mỹ Sơn, được đánh giá rất cao về nghệ thuật và phong cách hội họa theo lối hiện đại. Do vậy, triển lãm đã tạo ra hiệu ứng thời gian rõ nét giữa quá khứ với hiện tại, giữa “tĩnh” và “động”, mang đến cho người xem sự thưởng lãm thú vị về những dấu tích của một nền văn minh nhưng không phải là sự quên lãng. “Cuộc hội ngộ được thực hiện từ ý tưởng và cảm xúc của nhóm họa sĩ ở Huế, phối hợp sáng tác cùng các họa sĩ ở các tỉnh, thành như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và TP. Đà Nẵng. 36 tác phẩm hội họa của nhóm họa sĩ Huế cũng đã tham gia đợt triển lãm “Mỹ Sơn - cảm xúc mới” nhân dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5” - họa sĩ Triết cho hay.
Với “Màu thời gian”, nhóm họa sĩ Huế đã thực sự thành công và trở thành “cầu nối” cảm xúc cho công chúng ở Huế yêu thích thánh địa Mỹ Sơn. Hy vọng rồi đây Mỹ Sơn sẽ không chỉ là miền cảm xúc lạ trong giới nghệ sĩ, mà còn là những cung bậc giàu cảm xúc từ chính người dân xứ Huế, như một dịp quảng bá hình ảnh về Mỹ Sơn, thu hút du khách thập phương.
LĂNG A CÚI