Qua mùa lễ hội
Một mùa lễ hội nữa đã khép lại. Người ta sẽ còn nhắc đến những buổi chiều lộng gió ở Tam Thanh, đến Hội An nhộn nhịp, tô mỳ Quảng, đĩa bê thui được xác lập kỷ lục... Và không ít du khách trong và ngoài nước khẳng định, dấu ấn đẹp nhất khiến người ta sẽ nhớ mãi là những người Quảng hồn hậu, thân thiện...
Người Quảng dễ mến
Đến từ nước Úc xinh đẹp, vợ chồng trẻ David Patrick quyết định tham dự trọn vẹn chương trình Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V với cuộc hành trình xuyên suốt từ Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh bằng xe máy. Không ngại mưa nắng của miền Trung, vợ chồng anh đã có những trải nghiệm thú vị ở biển chiều Tam Thanh, rong ruổi suốt ngày trên lòng hồ Phú Ninh thơ mộng, và những đêm nhộn nhịp tưng bừng ở phố Hội. Tuy nhiên, khi được hỏi về ấn tượng khiến vợ chồng anh nhớ nhất, Patrick khẳng định ngay: “Con người Quảng Nam các bạn chính là điều tuyệt vời nhất! Nhiều người nông dân chúng tôi gặp trên đường, họ không biết tiếng Anh nhưng vẫn nhiệt tình chỉ đường bằng dấu hiệu. Chúng tôi thực sự thích và yêu mến Quảng Nam của các bạn”. Patrick còn kể thêm rằng vợ chồng anh đã được một thanh niên ở Phú Ninh nhiệt tình chạy xe máy dẫn đến tận khu du lịch. “Anh ấy nói, sẽ cố gắng học tiếng Anh tốt hơn để trong tương lai có thể làm hướng dẫn viên cho du khách. Vì anh ấy yêu quê hương mình nhiều. Tôi nghĩ, sẽ chẳng có hướng dẫn viên nào tốt hơn chính là người địa phương”. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà - du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Chúng tôi thật sự ấn tượng bởi sự hiền hòa và an toàn của một nơi lễ hội nhộn nhịp như thế này. Mọi người dân đều rất thân thiện và đón tiếp du khách bằng tấm chân tình của mình. Chúng tôi rất yêu thích nơi này”.
Bánh xèo - món ăn hấp dẫn và thú vị đối với du khách tại Festival Di sản Quảng Nam 2013. |
Những khách sạn ở Hội An trong thời điểm diễn ra lễ hội đều hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, hầu hết du khách tỏ ra rất hài lòng về thái độ phục vụ của nhân viên khách sạn. Chị Trần Thị Lan Anh - nhân viên khách sạn Little Hội An cho rằng, đây không chỉ là dịp để những doanh nghiệp khách sạn thể hiện chất lượng phục vụ của mình, mà ngay cả bản thân mỗi một nhân viên làm việc ở đây cũng cảm thấy rất tự hào khi được phục vụ du khách. “Chúng tôi muốn du khách có những ấn tượng thật là tuyệt vời khi đến với Quảng Nam. Bên cạnh việc được ăn ngon, xem nhiều chương trình nghệ thuật hay, du khách chắc hẳn sẽ không thể quên được những người phục vụ phòng dễ thương, thân thiện. Và dĩ nhiên, tiếng thơm sẽ được lan xa. Chỉ có thể làm được điều đó một cách tốt nhất khi bạn thực sự yêu quê hương của bạn” - chị Lan Anh chia sẻ.
Ẩm thực di sản
Về Hội An ăn cao lầu, bánh vạc. Về Mỹ Sơn ghé Tiếng Quý làm tô mỳ Quảng. Chạy về Tam Thanh ăn mực cơm cuốn rau muống biển. Hay ngồi giữa một doi đất nhỏ ở hồ Phú Ninh để nhẩn nha cùng bạn bè món gà nướng mọi. Ẩm thực miền di sản trong lễ hội lần này đã được du khách khám phá không chỉ là những món đặc sản đã được định hình. Những quán nhỏ ven sông Thu Bồn rợp bóng tre già bỗng chốc trở thành nơi ghé chân thường xuyên của khách thập phương. Anh Trần Thái Sơn - du khách đến từ Thanh Hóa cho biết: “ Tôi đến Hội An lần này là lần thứ 5, và không lần nào không ghé quán Vườn Hoàng - nơi tôi cho rằng có món gỏi sứa ngon tuyệt và các món hải sản khác không chê vào đâu được. Điều tuyệt vời hơn là bạn có thể ngồi đây để nhìn cuộc sống trôi qua thật chậm, nghe tiếng đò chạy trên sông và nghĩ được nhiều điều thi vị”. Anh Sơn cho biết, nhiều người bạn của anh cũng đã đến những quán nhỏ như Vườn Hoàng ở Hội An để được có những cảm giác như anh và họ thực sự ấn tượng bởi khung cảnh cũng như những món ăn đậm chất dân dã.
Du khách thích thú với quà vặt ở phố cổ.Ảnh: M.KIỆT |
Ẩm thực di sản, sẽ không khó để khẳng định rằng nó là một phần quan trọng làm nên sự thành công của lễ hội lần này. Bên cạnh những gian hàng đươc bày bán ở phố đêm Đồng Hiệp, sự phong phú, gần gũi của những món ăn đậm chất Quảng cũng đủ khiến cho du khách cảm thấy không bị “khó khăn” khi chọn lựa thực đơn. Và, điều tuyệt vời nhất chính là cách hành xử văn minh của những con người Quảng Nam đang sinh sống nhờ việc kinh doanh ẩm thực. Sau chuyến hành trình từ hồ Phú Ninh về Hội An, cả nhóm bạn của chị Lê Thanh Sen quyết định chọn cơm gà để giải quyết cơn đói. “Đến khi tính tiền, cả nhóm cứ phải hỏi đi hỏi lại cô chủ quán xem có tính nhầm tiền không? Cô chủ quán khẳng định là đúng rồi, cả nhóm vẫn còn ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì tại sao ở một lễ hội mà giá một đĩa cơm gà chỉ có 25 nghìn đồng. Chúng tôi còn được chủ quán mời thêm ly nước chè đậu ván thơm lừng. Nói thì có vẻ hơi thực dụng, nhưng chính từ những điều dễ thương nho nhỏ này mới để lại ấn tượng lâu dài trong lòng du khách”.
MINH KIỆT