Di sản trong lòng dân

LÊ NĂNG ĐÔNG 25/06/2013 09:07

Tại hội thảo khoa học “Hồ Nghinh - Nhà trí thức cách mạng giàu thực tiễn”, diễn ra cuối tháng 4.2013 tại Đà Nẵng, Báo cáo đề dẫn đã khẳng định, Hồ Nghinh được người đương thời cùng hậu thế nhớ đến như một nhà lãnh đạo có công đầu trong việc bảo tồn hai di sản văn hóa thế giới ngay trên đất quê hương đó là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Ông còn là người góp phần xây dựng đại công trình thủy nông Phú Ninh để hôm nay chúng ta có một “nơi hò hẹn” thú vị...

Nhờ có sự can thiệp kịp thời của đồng chí Hồ Nghinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, các di tích đình chùa, miếu mạo ở phố cổ Hội An thoát khỏi nguy cơ trở thành phế tích.Ảnh: MINH HẢI
Nhờ có sự can thiệp kịp thời của đồng chí Hồ Nghinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, các di tích đình chùa, miếu mạo ở phố cổ Hội An thoát khỏi nguy cơ trở thành phế tích.Ảnh: MINH HẢI

Cứu phố cổ

Từ thế kỷ XVI - XIX, Hội An là thương cảng sầm uất, nơi giao thương, kết nối với các nền văn minh Á - Âu. Từ những mối giao giưu văn hóa đó, Hội An có được những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa như Hội quán Phúc Kiến, Khổng Miếu, Chùa Cầu… Chính vì vậy, năm 1999 phố cổ Hội An đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ngay sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống Đảng bộ và chính quyền thị xã Hội An chủ trương xóa cái cũ xây dựng cái mới. Trong đó có việc xóa bỏ, loại trừ văn hóa đồi trụy, phản động, đẩy lùi các tệ nạn mê tín dị đoan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có những việc làm cực đoan. Trong đó có việc đập phá các đền, chùa, am thờ… Phường Minh An được chọn thực hiện trước vì nơi đây tập trung nhiều công trình kiến trúc đình, miếu. Một buổi chiều đầu năm 1976, tại địa điểm mà nay là trước trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An, hơn 500 trăm người trang bị đầy đủ búa tạ, xà beng, cuốc, thuổng... được phân công từng nhóm, có cán bộ an ninh phụ trách, chuẩn bị đến từng đình, miếu đã được lên danh sách để phá hủy cái gọi là “nơi gieo rắc, phát sinh mê tín, dị đoan”.

Trước đông đảo mọi người, một đồng chí lãnh đạo thị ủy dõng dạc nói: “Chúng ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ, đánh đổ ngụy quyền tay sai, bây giờ nhiệm vụ chính là hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân và quét sạch tàn dư của chế độ cũ, trong đó có mê tín dị đoan. Nhiệm vụ của chúng ta là phá bỏ các đình, miếu, am thờ, nơi phát sinh mê tín dị đoan… Cách mạng là phá cũ, đổi mới. Mọi người quyết tâm không?”. Tất cả đều hô to: “Quyết tâm!”. Đúng lúc đó, ông Hồ Nghinh xuất hiện.

Theo lời kể của ông Hà Phước Mai, nguyên cán bộ thị xã Hội An: Đúng lúc đó, ông Hồ Nghinh đến và liền hỏi “Làm chuyện chi mà đông người thế?”, “Mọi người giải tán đi”. Rồi ông mời đầy đủ các thành viên Ban Thường vụ Thị ủy Hội An đến cùng trao đổi. Tại phòng họp thị ủy, giọng ông nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: “Các anh định làm cách mạng văn hóa đó à?”. Tất cả đều im lặng. Phòng họp chỉ còn nghe giọng ông Hồ Nghinh đều đặn giảng giải: “Các anh nên nhớ rằng chỉ vài tháng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đã ra sắc lệnh bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam, yêu cầu phải gìn giữ nguyên vẹn đình, chùa, miếu mạo, bi ký, các sách vở văn tự của cha ông để lại không được phá hủy hay làm hư hại. Các anh huy động hàng trăm người với khí thế hừng hực thế kia họ chỉ đập phá vài ngày thôi thì còn gì di tích đình, chùa nữa? Làm như thế là trái lệnh của Bác Hồ, không đúng chủ trương của Đảng”. Rồi ông nói tiếp: “Các anh biết không, sau này đất nước phát triển, mở cửa giao thương với thế giới, khách du lịch nước ngoài đến đây, các đình chùa, miếu mạo và các cổ tích, nhà xưa kia sẽ lạ lẫm, hấp dẫn đối với du khách và là nguồn sinh lợi cho dân Hội An đấy”. Sau buổi làm việc này, mọi người như ngộ ra được nhiều điều mà từ trước tới nay chưa hề nghĩ tới. Kết quả phố cổ Hội An được cứu khỏi nguy cơ trở thành phế tích.

Di sản trong lòng dân

Khu đền tháp Mỹ Sơn là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của các vương triều Chămpa với quần thể kiến trúc đền tháp cổ của người Chăm, nhưng phần lớn đã bị bom đạn của giặc Mỹ tàn phá. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, đời sống nhân dân rất khổ cực, việc sản xuất của nhân dân phụ thuộc vào “ý trời”. Nhiệm vụ tối ưu lúc này là phải xây hồ, đắp đập lấy nước phục vụ sản xuất với khẩu hiệu “tất cả cho lương thực”. Tại Quảng Nam, hàng loạt công trình thủy lợi ra đời. Ở huyện Duy Xuyên, Huyện ủy cũng đã tổ chức họp triển khai dự án chặn dòng và xây dựng hồ chứa nước Khe Thẻ. Dòng suối Khe Thẻ, trước khi ra sông Thu Bồn, chảy quanh co trong thung lũng Mỹ Sơn và bị bao vây bởi những dãy núi. Chỉ cần đắp một con đập ngăn suối là có một hồ chứa nước đủ để tưới tiêu một vùng đất rộng lớn cho các xã phía tây huyện Duy Xuyên. Dự án này được các nhà chuyên môn ngành thủy lợi đề xuất. Lúc này, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo huyện Duy Xuyên có một số người phản đối, không phải vì họ nghĩ sau này Mỹ Sơn là một di sản văn hóa thế giới, mà vì không muốn xóa đi một chứng tích tội ác chiến tranh mà bom đạn của Mỹ đã ném xuống đây. Những vị này đưa ra lý lẽ, người Pháp đã xây dựng hai con đập Vĩnh Trinh và Bàn Thạch, nay chỉ cần nâng cấp sẽ dư sức tưới cho đồng ruộng các xã phía tây của huyện. Tuy nhiên, cũng có một số cán bộ lãnh đạo của huyện tán đồng việc xây dựng hồ chứa nước Khe Thẻ. Sự việc được báo cáo lên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và quyết định cuối cùng được đưa ra là chỉ nâng cấp đập Vĩnh Trinh và Bàn Thạch. Theo ông Đoàn Văn Lộc, nguyên Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên: “Khi trình bày với Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, các đồng chí lãnh đạo, trong đó có anh Hồ Nghinh, đã nghiên cứu lại và gạt bỏ chuyện xây dựng công trình thủy lợi Khe Thẻ, nếu không thì chắc chắn di tích Mỹ Sơn đã nằm trong biển nước”.

Trở lại câu chuyện xây hồ, đắp đập. Nhiều người cho rằng “Vùng cát nghèo là định mệnh!”, Hồ Nghinh lại không cho như vậy, ông nói phải xóa cái nghèo đói ở vùng cát bằng chính sách khuyến khích trồng rừng, làm thủy lợi đưa nước về, cải tạo đất, chuyển hướng sản xuất. Công trình thủy lợi Phú Ninh là một minh chứng. Ông cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan “phải vừa thiết kế, vừa thi công” công trình thủy lợi Phú Ninh, đây là một quyết định mang tính tạo bạo lúc bấy giờ. Cho đến nay, thực tế đã chứng minh chủ trương đúng đắn đó.

Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ông Hoàng Minh Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thời điểm đó, kể lại: “Quan điểm của anh (tức Hồ Nghinh - NV) là người dân đi theo cách mạng vì tin ở cách mạng. Nay đất nước độc lập, thống nhất, dứt khoát mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm lo cho dân, lo cái ăn, cái mặc, học hành, đi lại. Để người dân thiếu ăn, thiếu mặc là mình có tội. Không biết có phải vì trăn trở thường trực ấy không, mà 2 năm sau ngày giải phóng, mặc dù trực diện với bao khó khăn chồng chất, sáng 25.3.1977, khi nghe Bộ Thủy lợi thông báo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký quyết định cho Quảng Nam làm hồ Phú Ninh, tôi  báo cáo với anh, thế là  tối 25.3, anh triệu tập họp Thường vụ Tỉnh ủy bất thường, đề nghị khởi công xây dựng hồ Phú Ninh vào ngày 29.3, nhân ngày giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng. Anh toàn tâm toàn lực lãnh đạo xây dựng hồ chứa nước Phú Ninh, để kịp thời cung cấp nước tưới cho hàng vạn héc ta ruộng. Đó là công trình tầm vóc, có ý nghĩa lớn lao nhất của Quảng Nam - Đà Nẵng mãi khắc ghi tên anh, bản lĩnh anh, trách nhiệm thiêng liêng của anh mà theo thời gian ngẫm lại càng thấy giá trị nhân bản quyết tâm cao của anh”.

Không ít người dân ở Tam Kỳ, Thăng Bình đã nói: “Cần tạc tượng ông Hồ Nghinh đặt ở Phú Ninh”. Thiết nghĩ, chỉ riêng ý kiến ấy đã là một bức tượng tạc trong lòng người dân xứ Quảng.

Hiện nay, Hội An, Mỹ Sơn, hai di sản văn hóa của nhân loại đang trở thành niềm tự hào của người dân xứ Quảng. Và đúng như lời tiên đoán của Hồ Nghinh, Hội An và Mỹ Sơn giờ đây trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, công trình hồ Phú Ninh, ngoài việc phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp cũng trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

LÊ NĂNG ĐÔNG

LÊ NĂNG ĐÔNG