Di sản văn hóa phi vật thể: Vốn quý của vùng miền

SONG ANH 22/06/2013 05:25

Năm 2003, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua. Mười năm qua, Việt Nam đã có nhiều động thái để vực dậy, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa này. Sở hữu khá nhiều các di sản văn hóa phi vật thể, các tỉnh miền Trung đang cố gắng “làm sống lại” vốn quý này, bằng nhiều cách…

  • Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V năm 2013
Tái hiện lễ hội người Chăm trong đêm Mỹ Sơn huyền ảo. Ảnh: Huỳnh Hà
Tái hiện lễ hội người Chăm trong đêm Mỹ Sơn huyền ảo. Ảnh: Huỳnh Hà

Tiếp nối hành trình

Di sản văn hóa phi vật thể là linh hồn, sự sống làm nên giá trị các di tích văn hóa vật thể. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến 2 di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An không chỉ vì kiến trúc nghệ thuật mà còn vì những giá trị lịch sử và các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Ban đầu, các loại hình văn hóa phi vật thể được dựng lên chỉ để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, những màu sắc lạ ấy đã được để ý. Mỹ Sơn giờ đây được biết đến không có chỉ đền tháp rêu phong mà còn cả những điệu múa Chàm, kèn saranai, trống paranưng, dân ca, trò chơi đội nước… Cũng như vậy, nếu không có sự thăng hoa của những loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, không giữ được phong tục, nếp sống xưa… thì Hội An sẽ không bao giờ được tôn vinh là một “bảo tàng sống” như hiện nay. Các sản phẩm dân gian và đặc sắc nhưng không kém phần phong phú, đa dạng đã tạo nên diện mạo đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng. Ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An được thể hiện cụ thể ở từng sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể cụ thể và không gian văn hóa liên quan. Đó là điều giúp bất kỳ ai đến Hội An đều nhận ra nét riêng có ở nơi này.

Tái hiện lễ đâm trâu của người Co, một phương cách bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào.                                                                 Ảnh: S.ANH
Tái hiện lễ đâm trâu của người Co, một phương cách bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào. Ảnh: S.ANH

Các loại hình văn hóa truyền thống được lưu giữ nhiều trên dải đất miền Trung. Từ nếp sống, phong tục tập quán, lễ hội… cả thảy đều là dấu ấn đời sống được tích lũy và thể hiện trong các diễn xướng nghệ thuật của cộng đồng. Văn nghệ dân gian vẫn luôn được tôn vinh là một trong những “sản vật” quý có từ đời cha ông. Từ tuồng cổ, ca kịch bài chòi, dân ca khu V, dân ca ví dặm xứ Nghệ, nhã nhạc Cung đình Huế… tất cả được thức dậy để nhen nhóm niềm tin về sự sống bất diệt của những giá trị nghệ thuật thật sự. Mới đây, Cuộc thi Sân khấu tuồng và dân ca kịch truyền thống chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Quảng Nam, như một động thái để những người làm văn hóa cùng nhau xem xét lại đời sống của di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. May thay, người yêu nghệ thuật truyền thống vẫn còn rất nhiều! NSND Hoài Huệ (Đoàn dân ca kịch bài chòi Bình Định) chia sẻ, đời sống văn hóa văn nghệ của người dân miền Trung rất phong phú, để giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống tồn tại lâu đời sẽ không khó nếu như có cách làm hợp lý.

Liên kết để tồn tại

Để nhận chân giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, Quảng Nam cũng như các tỉnh miền Trung, phải mất thời gian khá dài và đòi hỏi nhiều công phu. Tại Hội nghị Bảo vệ di sản phi vật thể vùng Huế (hồi tháng 4.2012 - hội nghị nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2012 - PV), ông Dominique Bouchart, GS. trường Đại học Syddansk (Đan Mạch) cho rằng, muốn bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể cần hướng tới phục vụ phát triển du lịch, cụ thể nên nghiên cứu triển khai các phòng trưng bày, các bảo tàng chuyên đề mang tính độc đáo của vùng miền, trong đó cần tái hiện các động tác nghề nghiệp, diễn xướng truyền thống. “Đã đến lúc phải cuốn hút những nghệ nhân tài giỏi về các mặt, thuyết phục họ, chứng minh họ làm được những gì, cùng làm với nhau trong môi trường đã có những kiểu mẫu về nghệ thuật trước đây. Sự liên hệ giữa bảo tàng với công chúng sẽ giúp cho nghệ nhân sống lại, đồng thời cũng giúp cho các kiến trúc lịch sử sống lại, kích thích đời sống kinh tế - văn hóa” - ông Dominique Bouchart nói.

Bảo tồn tuồng cổ - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể của 1 số tỉnh miền Trung đang đứng trước nhiều thách thức.
Bảo tồn tuồng cổ - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể của 1 số tỉnh miền Trung đang đứng trước nhiều thách thức.

Một cuộc trưng bày “Di sản chung của chúng ta – Khám phá di sản thế giới” do UNESCO sáng lập, đặt tại 6 bảo tàng, địa chỉ văn hóa tại Việt Nam cũng là một phương cách kết nối văn hóa giữa các vùng. Tháng 5.2012, dự án “Quảng bá du lịch bền vững tại các khu di sản thế giới miền Trung Việt Nam” khởi động. Đây là một trong những hoạt động bề thế nhất đánh dấu mối liên kết giữa các tỉnh thành miền Trung trong công cuộc khôi phục và bảo tồn vốn văn hóa. Thành tố quan trọng nhất để phát triển du lịch bền vững chính là phần hồn ẩn trong mỗi di tích văn hóa. Thứ khiến người ham đi du lịch phải trở đi trở lại một vùng đất, không phải chỉ ở kiến trúc, hiện vật mà còn là ở những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo và luôn kích thích trí tò mò, lôi cuốn. Ông Nguyễn Mậu Nam - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình chia sẻ, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, đầu tiên là từ những con người trực tiếp hoạt động, va đụng hằng ngày với nó. “Tại Quảng Bình, chúng tôi phát triển Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình theo hướng đề cao những giá trị cũ, xem trọng các loại hình nghệ thuật dân gian và lấy đó làm nền để phát triển” - ông Nam nói. Bàn về mối liên kết bảo tồn văn hóa phi vật thể giữa các tỉnh thành miền Trung, ông Nguyễn Mậu Nam cho biết, thực sự các tỉnh thành miền Trung rất ít có các chương trình hành động về văn hóa theo kiểu kết nối, nếu không có các chương trình du lịch. “Quảng Bình chỉ mới thực hiện một chương trình hành động quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể người Cơ Tu, còn lại thì chủ yếu làm từ chương trình của tỉnh hoặc gần đây là dự án Bảo tồn văn hóa của tiểu vùng sông Mê Kông” - ông Nam cho biết.

Ngày 23.6 tới, một hội thảo khoa học quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể sẽ diễn ra trong khuôn khổ các chương trình hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013. Hy vọng giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các tỉnh miền Trung sẽ được nhận chân và có cách phát huy tốt nhất.

 SONG ANH

SONG ANH