Sử thi của một dòng sông
Dòng sông Hàn cũng như bất cứ dòng sông nào khác, ngày ngày nước xuôi về biển theo cái nhịp điệu thiên nhiên bốn mùa. Nhưng dòng sông chảy qua con người và lịch sử của một xứ sở lại tiềm ẩn trong lòng nó một đời sống khác, nó thuộc về ý nghĩa của thời gian…
Đà Nẵng cũng như bao phố phường, làng quê khác, đã cưu mang trong lòng mình một dòng sông. Chỉ có điều, dường như lịch sử của mọi dòng sông, hiếm có dòng sông nào như sông Hàn. Ngay tên gọi của nó cũng đã từng thay tên gọi cho xứ sở, cho thành phố của mình. Thời xưa, những người từ phương xa hay ở các miền quê khác đến Đà Nẵng thường gọi là “đi Hàn”, “xuôi Hàn”, “xuống Hàn”. Nơi con sông gặp biển, cửa ngõ đến Đà Nẵng bằng đường biển thì gọi là cửa Hàn. Mỗi tên gọi như thế, dòng sông đã xứng đáng là niềm kiêu hãnh một biểu tượng độc đáo của Đà Nẵng rồi.
Nơi sông Hàn gặp biển. Ảnh: H.X.H |
Nếu cho rằng dòng sông là nhân chứng già nua nhất của trái đất, thì đó là cách biểu đạt về ý niệm biến dịch, nơi ghi nhận khảm khắc tất thảy vào lòng mình bao nhiêu lở bồi dâu bể đổi thay. Nhưng nó cũng thuộc về sự chuyển động, đồng hành với thời gian để gạn đục khơi trong, nhận vào ký ức của mình từng viên ngọc khoáng đã được lịch sử mài giũa để mỗi ngày càng lung linh hơn, làm giàu có hơn cho tâm hồn của đất: Sông nhận hết vào lòng nhân chứng. Hồn lau lách xưa và hoa nở bây giờ.
Dưới ánh trăng khuya của một thời xa xăm thuộc thế kỷ XV, hẳn con sông Hàn khuất trong lau lách đôi bờ ngày ấy đã nằm trong tầm mắt, trong bàn tay chỉ đường của vị vua thi sĩ Lê Thánh Tông trên đường mở cõi phương Nam. Cái “Đồng Long” mà nhà vua gọi tên trong thơ “ am canh dạ tỉnh Đồng Long nguyệt” ấy, từ bấy, đã có dòng sông Hàn lặng lẽ chảy giữa hoang vu đôi bờ. Nhưng đó không phải là thời gian tính tuổi tác của một dòng sông, mà là khúc dạo đầu hùng tráng của người xưa tiên khu mở đất: Tiếng như tiếng gươm khua mở cõi !
Trong chúng ta bây giờ, có ai ngồi tĩnh lặng bên sông để phút giây nghe ra tiếng oai linh của nghìn xưa ấy? Áp tai vào dòng sông, vào dòng chảy thời gian, cái thông điệp tưởng chừng muôn thuở “nước chảy đá mòn” một lần bất ngờ nào đó đánh thức ta, không phải bằng lý trí mà bằng cảm thức tự nhiên của một con người yêu quê hương đất nước của mình. Điều ấy hiện thực mười mươi cứ như con yêu mẹ: Một tình yêu vá trời dâu bể.
Dưới ánh trăng khuya của một thời xa xăm thuộc thế kỷ XV, hẳn con sông Hàn khuất trong lau lách đôi bờ ngày ấy đã nằm trong tầm mắt, trong bàn tay chỉ đường của vị vua thi sĩ Lê Thánh Tông trên đường mở cõi phương Nam. Cái “Đồng Long” mà nhà vua gọi tên trong thơ “ am canh dạ tỉnh Đồng Long nguyệt” ấy, từ bấy, đã có dòng sông Hàn lặng lẽ chảy giữa hoang vu đôi bờ. |
Lịch sử dân tộc lần đầu tiên trao cho mảnh đất Đà Nẵng cái sứ mệnh đối đầu với các siêu cường phương Tây, cũng là lần đầu tiên trao cho sông Hàn, cụ thể là nơi cửa biển (cửa Hàn) vị thế tiền tiêu trước phong ba dông gió. Bao con mắt đục ngầu tham vọng nhìn vào cửa Hàn, vào Đà Nẵng ngày mỗi lớn dần những mưu toan. Sóng sông Hàn nổi lên cuồng nộ. Hàng ngàn trái tim người Đà Nẵng, không, còn là hàng triệu trái tim Việt Nam hướng về cửa Hàn canh cánh lo toan vận mệnh hiểm nghèo của đất nước: Một cửa Hàn thôi mà triệu con mắt ngắm/ Triệu trái tim lên tiếng canh trời.
Máu của người Đà Nẵng, của những người lính biền binh, của những đội quân nghĩa dũng đã hòa vào dòng sông Hàn lịch sử lập nên bao chiến tích thần kỳ. Đi dọc theo hai bên triền sông về phía thượng nguồn, giữa vô vàn thanh âm sông nước, nơi nào nghe vọng lại tiếng xích khua sắc lạnh như đường gươm ngăn tàu giặc trên sông, nơi nào vang vọng tiếng hò reo của đoàn quân nghĩa dũng trên những chiếc thuyền lá mong manh đốt cháy tàu giặc. Lịch sử không ghi lại tuổi tên từng anh hùng, nhưng khí thiêng sông nước này, đất đai xứ sở này nhận vào lòng tất cả. Trong quang ba lời gió dào dạt thổi qua sông ngày ngày tiếng người xưa lẩn khuất đâu đây: Tiếng như tiếng chào nhau thuyền lá/ Người chia tay đêm ấy sẽ không về/ Nơi cửa biển một quầng lửa cháy/ Là lời người ký thác cho quê.
Bao cuộc chiến tranh đi qua, bao cuộc lên đường vệ quốc như sức sống của dòng sông kỳ vĩ. Rồi một ngày hòa bình tươi xanh trên cơ thể đất đai xứ sở, Đà Nẵng cũng như bao miền đất thân yêu mở ra một thời kỳ mới, thời hòa bình và dựng xây. Cửa Hàn mở rộng vòng tay đón tàu muôn phương ầm vang trên bến cảng. Đã qua rồi cái thời Đêm thở dài trên cảng tối lao đao. Trong cái nhịp điệu đi lên hối hả từng giờ từng ngày ấy, tầng vỉa ký ức của dòng sông chính là tấm gương nhiệm mầu soi thấu bao cuộc đời. Có thể bằng sự biết ơn, dòng sông giúp con người biết hồi tưởng nhớ về quá khứ: Bây giờ em có qua sông rộng. Tưởng người lặng lẽ đóa hoa tươi. Cũng có thể giúp cho những ai tự phản tỉnh hằng ngày, bằng cách soi lại chính gương mặt mình vào sông như một thường trú cảnh báo sự tỉnh thức của lương tâm thời đại: Ngày bây giờ ầm vang tàu cập bến/ Sông như gương soi rõ những cuộc đời/ Bờ hữu hạn mà dòng trôi vô tận/ Sóng bao la kể mãi chuyện truyền kỳ!
NGUYỄN NHÃ TIÊN