Bài chòi ở làng Thu Bồn

ĐẶNG NAM ĐÔNG 14/04/2013 08:49

Từ nhiều năm nay, lễ hội Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) không thể thiếu vắng trò chơi hô hát bài chòi và một người gắn bó đặc biệt ở làng Thu Bồn: ông Trần Văn Lộc.

Năm nào cũng vậy, khi làng Thu Bồn vào hội, từ sáng sớm các nghệ nhân trong đội hô hát bài chòi đã khá bận rộn. Ông Trần Văn Lộc - nghệ nhân lâu năm của đội - tâm sự rằng, các thành viên tập luyện tích cực từ nhiều ngày trước với mong muốn đem vốn quý văn nghệ dân gian gửi tới du khách gần xa chút ân tình của cư dân vùng sông nước Thu Bồn thuần hậu. Gắn bó với các làn điệu dân ca xứ Quảng hơn nửa đời người, ông Lộc xem hô hát bài chòi và những điệu lý, câu hò như là hơi thở. Ông kể, ngay từ bé đã bắt đầu tập tành lên sân khấu với những bài đồng dao trong các chương trình văn nghệ quần chúng của trường, của xã. Lớn lên, cứ mỗi lần nghe ai đó hát hò khoan, bài chòi… là tâm hồn ông lại dạt dào tình yêu xứ sở. Bao năm qua rồi, những câu hát quen thuộc “Gió xuân phảng phất bụi tre/ Xin mời cô bác lắng nghe bài chòi”, “Mùa xuân vui khắp nơi nơi/ Xin mời cô bác cùng tôi chơi bài”, “Hãy nghe tôi kể sự đời/  Kể tên kể tuổi mấy đôi quân bài”… cứ mãi thôi thúc ông đến với hội làng.

“Anh hiệu” Lộc chúc mừng người thắng.                                                                                                                       Ảnh: Đ.N.Đ
“Anh hiệu” Lộc chúc mừng người thắng. Ảnh: Đ.N.Đ
 Mỗi lần vào cuộc chơi, “anh hiệu” Lộc áo quần tề chỉnh, tay xóc ống bài, chân ra điệu, gương mặt tươi vui và miệng cất lên câu hô hát khiến người chơi có lúc quên cả lá bài trên tay mình mà chỉ đăm đăm nhìn người hô hát: Trượt ngã xuống hầm, là anh “Tứ Cẳng”/  Nước da trăng trắng, là chị “Bạch Huê”…

Một thời gian dài, ông Lộc làm việc trong đội thông tin lưu động của Trung tâm Văn hóa huyện Duy Xuyên, tham gia biểu diễn dân ca khu 5 phục vụ nhân dân trong huyện. Mỗi lần được đứng trên sân khấu là một lần tâm hồn ông được thăng hoa. “Tôi hát như dốc cạn lòng, hát như để trả nợ mối ân tình của sông, của đồng bãi đã nuôi tôi thành người” - ông trải lòng. Khi đã ngoài 50 tuổi,  ông thôi không tham gia đội thông tin lưu động nữa, và được xã Duy Tân mời về cùng với anh em diễn viên không chuyên thành lập đội hô hát bài chòi, lô tô phục vụ nhân dân những dịp lễ tết, trong đó có lễ hội Bà Thu Bồn. Bảy thành viên trong đội hạ quyết tâm xây dựng và duy trì đội hô hát bài chòi, không để vốn quý văn nghệ dân gian bị mai một. Nhiều thành viên lớn tuổi, giọng hô hát không còn khỏe như xưa nhưng ai nấy cũng đều háo hức. Ông Lộc tâm sự, ở đất Duy Tân hễ có dịp là bà con lại kéo nhau đến sinh hoạt, hô hát bài chòi không kể ngày đêm. Chính điều này đã tạo nguồn động viên hết sức lớn, giúp các thành viên trong đội vơi đi những nhọc mệt.

Ai đến với gian trò chơi bài chòi ở lễ hội Bà Thu Bồn cũng tấm tắc khen giọng hô hát rất ngọt và duyên bày trò của ông Lộc. Mỗi lần vào cuộc chơi, “anh hiệu” Lộc áo quần tề chỉnh, tay xóc ống bài, chân ra điệu, gương mặt tươi vui và miệng cất lên câu hô hát khiến người chơi có lúc quên cả lá bài trên tay mình mà chỉ đăm đăm nhìn người hô hát: Trượt ngã xuống hầm, là anh “Tứ Cẳng”/  Nước da trăng trắng, là chị “Bạch Huê”…

Trò chơi bài chòi không phải để “ăn thua”, mà cái chính là người dân làng Thu Bồn - chủ thể của lễ hội - trình diễn một món ăn tinh thần không thể thiếu và nếp sinh hoạt văn hóa của lễ hội Bà Thu Bồn. Lâu nay, lễ hội là dịp để du khách gần xa có cơ hội gặp gỡ nhau. Nhất là các cụ già, lặn lội tìm đến vừa để thành tâm dâng hương tưởng vọng trong ngày lệ Bà, sau nữa là được cầm trên tay lá bài thân thuộc với những Nhứt nọc, Nhì nghèo, Ba gà, Tứ sách, Bảy liễu, Bảy thưa… Nhiều cụ ông, cụ bà ham mê đến độ ngồi suốt từ sáng đến khuya trong gian bài chòi, dù không một lần được “tới”. Hiểu được những nỗi niềm ấy, ông Trần Văn Lộc và anh em trong đội bài chòi làng Thu Bồn đem hết sở trường của mình ra phục vụ bà con.

Trong vô vàn âm thanh của lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn, chúng tôi vẫn kịp lắng lòng để đón nhận tiếng hát lời ca của các nghệ nhân trong đội hô hát bài chòi. Dường như cũng hiểu được tấm lòng của người đi hội, các anh, các chị càng cố gắng thể hiện hay hơn phần hô hát của mình. Riêng ông Lộc cứ như con thoi chạy đi, chạy về nơi những lá bài và người chơi. Tay múa bài, miệng hô hát không ngơi nghỉ cho đến khi có người “tới”. Người chơi vừa được cầm trên tay lá bài, tập trung chú ý hết mực đến từng lời hô hát và kịp phất lên đầy sung sướng khi lá bài trên tay được gọi tên. Ông bảo, có lẽ đó là hạnh phúc của nghệ nhân hô hát bài chòi...

ĐẶNG NAM ĐÔNG

ĐẶNG NAM ĐÔNG