Bảo tồn văn hóa thời hội nhập
Hôm qua 3.4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát triển văn hóa Quảng Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa”. Vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển văn hóa; bảo tồn lâu dài, bền vững hệ thống di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, gắn điểm di tích với các hoạt động văn hóa được đại biểu tập trung thảo luận.
Khôi phục lễ hội văn hóa đồng bào Co (Bắc Trà My) - động thái tích cực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. |
Nguy cơ mất bản sắc
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên khá nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến nền văn hóa truyền thống. Mỗi vùng đất có những tác động khác nhau lên vốn văn hóa, khiến việc bảo tồn và phát huy gặp nhiều khó khăn. Ông Tống Quốc Hưng - Phó phòng VH-TT TP.Hội An chia sẻ, nguy cơ lớn nhất mà văn hóa Hội An gặp phải là việc biến dạng kiến trúc của các di tích do sự thay đổi chủ sở hữu, nhu cầu hiện đại hóa cuộc sống của người dân. Mật độ dân số ngày càng tăng, nhiều người dân đến từ vùng khác với lối sống, phong cách sinh hoạt khác nhau gây ảnh hưởng không ít đến các di tích. Đối với văn hóa phi vật thể, các nghệ nhân lớn tuổi qua đời dần, dẫn đến tri thức ngành nghề, tri thức dân gian mai một. “Nhận thấy những nguy cơ đó, lãnh đạo thành phố đã chủ động có chính sách giãn dân về khối 8 Thanh Hà; vận động, tuyên truyền cho công dân mới những hiểu biết về văn hóa truyền thống của Hội An. Riêng đối với văn hóa phi vật thể, thành phố đang tiến hành các hoạt động kiểm kê văn hóa phi vật thể, từ đó có những phương cách hợp lý nhằm gìn giữ những loại hình văn hóa dân gian truyền thống” - ông Hưng cho biết.
Cần phát huy giá trị di tích Trên địa bàn tỉnh hiện có 337 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và quốc gia. Việc quản lý, trùng tu, tôn tạo như thế nào để giữ tính truyền thống của các di tích này, đồng thời gắn ý nghĩa, giá trị với sự phát triển của địa phương là công việc mà những người làm văn hóa luôn quan tâm. Điển hình như Hội An, 15 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh và một số tổ chức quốc tế, TP.Hội An đã đầu tư nhiều tỷ đồng tu bổ, cứu nguy hàng trăm di tích xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, thành phố đã lập và trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể về phát triển văn hóa Hội An với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu tập trung đầu tư vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích. Hội An hiện có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh và hơn 1.300 di tích được đưa vào danh mục bảo vệ của thành phố. Ông Tống Quốc Hưng - Phó phòng VH-TT Hội An cho rằng, cần phải xác định quản lý, tu bổ di tích là công tác trọng tâm trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. (S.ANH) |
Đối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tác động lớn nhất tới nền văn hóa này chính là ý thức của người dân và sự du nhập của nhiều loại hình văn hóa mới. Sự biến dạng từ các nhà làng truyền thống đến những lễ hội văn hóa dân gian đã làm cho văn hóa ít nhiều mất đi bản sắc. Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng, bản sắc văn hóa người Cơ Tu đang có xu hướng đi vào quên lãng bởi sự phát triển cơ học về dân số, giáo dục, kinh tế, sự du nhập văn hóa ngoại lai. Một số nét văn hóa được phục dựng chỉ mang dáng dấp hình ảnh, sân khấu hóa, chưa có sự thống nhất căn bản về hình thức lẫn giá trị cuộc sống của văn hóa, nhất là trong nghệ thuật diễn xướng. Trong khi đó, công tác điều tra, sưu tầm, đánh giá không tận gốc, chưa có cuộc khảo sát nào phản ánh đầy đủ về sự tồn tại của văn hóa người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam. “Văn hóa là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đối với văn hóa người Cơ Tu, theo tôi cần đưa công tác bảo tồn, phát huy giá trị thành chương trình mục tiêu quốc gia và được giảng dạy chính khóa ở các trường phổ thông trên địa bàn các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang. Nên chăng, tỉnh cần thành lập các Hội đồng tư vấn về văn hóa Cơ Tu” - ông Nguyễn Bằng đề nghị.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, trong giai đoạn tiếp theo, cần xây dựng sự nghiệp văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người phát triển toàn diện. Ngoài việc Nhà nước tăng cường đầu tư, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và ngược lại. “Ngành văn hóa nên gắn kết giữa phát triển, xây dựng môi trường văn hóa với việc hình thành nhân cách, tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với mở rộng và chủ động trong giao lưu, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa khác. Như vậy, chúng ta có thể góp phần làm phong phú thêm văn hóa của tỉnh, thu hẹp khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân giữa thành thị với nông thôn, miền núi với đồng bằng” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ nhấn mạnh.
SONG ANH