Mộc Kim Bồng: Không chỉ là hàng mỹ nghệ

THÀNH CÔNG 18/01/2013 07:16

“Xây dựng trong lòng du khách một hình ảnh Kim Bồng chính xác, toàn diện, thoát ra khỏi giới hạn hiện tại” - nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông đề nghị như vậy, khi bàn đến việc xây dựng thương hiệu Mộc Kim Bồng, mà theo ông, cách làm hiện nay rất dễ khiến du khách có cái nhìn lệch lạc về làng nghề.

  • Mộc Kim Bồng “giữ nghề”
Nghệ nhân Huỳnh Sướng: “Thương hiệu mộc Kim Bồng không chỉ đơn thuần với sản phẩm mỹ nghệ, hàng lưu niệm”.
Nghệ nhân Huỳnh Sướng: “Thương hiệu mộc Kim Bồng không chỉ đơn thuần với sản phẩm mỹ nghệ, hàng lưu niệm”.

Không chỉ là mỹ nghệ

Mô hình du lịch cộng đồng bắt đầu được nghiên cứu và triển khai chính thức tại làng mộc Kim Bồng vào năm 2005. Từ đó đến nay, làng mộc Kim Bồng đã đón cả triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Xưởng mộc của nghệ nhân Huỳnh Sướng là điểm ghé thăm thường xuyên của du khách, cũng là không gian trưng bày những sản phẩm mang đậm tài hoa của nghệ nhân làng mộc. Chỉ có điều, dù có du khách đã ghé thăm làng mộc lần thứ 2 và nhiều lần hơn nữa vẫn nghĩ “mộc Kim Bồng đơn thuần là chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm”, như đã được trưng bày tại xưởng mộc. Trăn trở của nghệ nhân Huỳnh Sướng cũng xuất phát từ thực tế đó. Tâm huyết của bao thế hệ nghệ nhân Kim Bồng với hàng trăm năm lịch sử đã hun đúc trong lòng nghệ nhân Huỳnh Sướng và những người thợ mộc Kim Bồng ngày nay lòng tự hào về truyền thống của làng nghề với nhiều mảng khối như mộc dân dụng, mộc xây dựng, đóng tàu... và mộc mỹ nghệ chỉ là một nhánh để phục vụ du lịch.

“Giá trị bản sắc của mộc Kim Bồng không tập trung tại làng nghề. Bởi, thành tựu của làng trong nghề không chỉ nằm ở những sản phẩm mỹ nghệ đang được trưng bày, kinh doanh bây giờ mà ở những kiến trúc nhà cổ vẫn đang tồn tại ở phố cổ Hội An, làng cổ Tiên Phước hoặc ngay cả ở kiến trúc cung đình Huế. Ngoài ra, còn thể hiện ở công nghệ đóng tàu, thuyền với những chiếc ghe bầu huyền thoại. Mộc mỹ nghệ chỉ là một “dòng” riêng được phát triển mạnh khi Kim Bồng bắt đầu làm du lịch” - nghệ nhân Huỳnh Sướng chia sẻ. Cũng theo nghệ nhân Huỳnh Sướng, ngày xưa, căn cơ ở làng là các sản phẩm tiêu dùng, và tinh hoa của nghề mộc đã được các thế hệ nghệ nhân đưa đi khắp nơi theo kiểu “phường thợ”. Người có nhiều năm theo nghề mộc truyền thống của làng còn sống hiện nay đều biết cách dựng kèo, lắp cửa, trổ cột..., trong đó đương nhiên đã có yếu tố mỹ nghệ để trang trí cho cột, kèo. Sau này, do gắn với du lịch mà mỹ nghệ mới tách ra làm một dòng riêng. Những yếu tố này, vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân của việc thiếu những công trình nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về làng nghề, vô hình trung khiến hình ảnh về nghề của làng mộc Kim Bồng trở nên mờ nhạt và có phần lệch lạc trong lòng du khách.

Trả lại giá trị thương hiệu

Lần giở lại lịch sử, có thể thấy rằng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, cùng với sự phát triển của một đô thị - thương cảng Hội An, sự phân công và phân vùng lao động đã giúp các nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh mẽ, trong đó có nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế… Nghề mộc Kim Bồng chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc của đô thị, làm đồ mộc dân dụng và đóng thuyền, các loại thuyền buôn đường xa, trọng tải lớn như ghe bầu. Địa danh Kim Bồng và nghề mộc tại địa phương đã được Lê Quý Đôn đề cập đến trong Phủ biên tạp lục: “Ông tổ nghề mộc nghề Kim Bồng từ ngoài đồng bằng Bắc Bộ vào lập nghiệp từ thế kỷ XVI, nhưng không rõ tên tuổi”. Đến thế kỷ XVIII, ở làng mộc đã hình thành 3 nhóm nghề rõ rệt. Nghề mộc xây dựng đã để lại đến ngày nay nhiều công trình kiến trúc ở đô thị cổ Hội An, Đà Nẵng, cố đô Huế và nhiều nơi khác. Nghề đóng sửa tàu thuyền phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại bằng đường thủy. Nghề mộc dân dụng phát triển với những sản phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân với trình độ kỹ thuật và ý thức thẩm mỹ cao. Có thể nhận thấy được những giá trị đó thông qua các di vật trưng bày tại Trung tâm Bảo tồn di tích Hội An như chiếc lô lái ghe bầu (trục vớt được tại Cẩm Thanh), bộ cửa gỗ chạm trổ tinh xảo…

Một góc trưng bày sản phẩm mỹ nghệ ở làng mộc Kim Bồng. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Một góc trưng bày sản phẩm mỹ nghệ ở làng mộc Kim Bồng. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

“Tôi khẳng định nghề mộc Kim Bồng chưa bao giờ “chết”. Sự tồn tại bền bỉ và sức sống tiềm tàng của làng nghề qua hàng trăm năm đã cho thấy, dù có lúc lắng dịu, trầm ẩn nhưng bằng sự phong phú về sản phẩm của làng nghề như mộc tiêu dùng, mộc xây dựng, đóng tàu và mỹ nghệ, làng mộc Kim Bồng vẫn âm thầm phát triển. Mộc mỹ nghệ gắn chặt với du lịch và chịu sự chi phối của du lịch, có thể thăng hoa hoặc ảm đạm theo thị trường du lịch. Nhưng bên cạnh đó, những mảng màu khác của mộc Kim Bồng, dù chỉ còn là truyền thống, nhưng vẫn là nguồn sống mãnh liệt cho làng nghề trong mọi thời điểm” - nghệ nhân Huỳnh Sướng nói.

Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông (Hội An) cho rằng: “Kết hợp mô hình du lịch cộng đồng ở làng mộc Kim Bồng là chủ trương đúng. Nhưng nếu chỉ làm du lịch bằng sản phẩm mỹ nghệ, hàng lưu niệm như hiện tại rất dễ làm lệch lạc cái nhìn về hình ảnh Kim Bồng mà mình muốn quảng bá đến với du khách”. Cũng theo ông Đông, chúng ta cần phải trả lại chân giá trị thực sự cho thương hiệu Kim Bồng, “xây dựng trong lòng du khách một hình ảnh Kim Bồng chính xác, toàn diện, thoát ra khỏi giới hạn mỹ nghệ hiện tại”. Một sai lầm đang hiện hữu ở mộc Kim Bồng là sử dụng những sản phẩm lưu niệm không phải do làng nghề làm ra và lạm dụng thương hiệu Kim Bồng tràn lan nhưng lại nhỏ lẻ, thiếu gắn kết. “Cơ quan chức năng cần có định hướng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu làng nghề. Trăn trở của nghệ nhân là chính đáng, nhưng chỉ mình nghệ nhân thì không đủ sức biến điều đó thành hiện thực. Ở đây cần sự chung tay của nhiều khâu, từ quảng bá, giới thiệu hình ảnh đến việc cần thiết phải có những sự đầu tư dài hơi để tinh hoa từ thời cha ông của làng mộc Kim Bồng không bị đứt gãy” - ông Đông nói.

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG