Hình tượng thơ độc đáo
Viết về sự hy sinh của người lính, thơ ca kháng chiến chống Mỹ có những tác phẩm rất xuất sắc như Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Khoảng trời - hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ, v.v. Nguyễn Đức Mậu thì có tác phẩm Nấm mộ và cây trầm. Nhà thơ kể, mùa đông năm 1969, trên vùng chiến địa gần biên giới Việt - Lào, giữa ánh đèn dù nhập nhoạng, ông đã chôn người bạn thân của mình. Bom đạn của kẻ thù đã thiêu cháy những cánh rừng biên giới, chỉ còn những thân cây cháy đen chĩa lên trời. Khung cảnh bi tráng ấy đã tạo cảm xúc để ông đã viết nên Nấm mộ và cây trầm.
Bài thơ bắt đầu bằng một khổ thơ mang tính tự sự
Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn
Cây trầm cháy dở thay nén nhang
Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm
Trong mạch cảm xúc thương tiếc ấy, nhà thơ nhắc lại những kỷ niệm của tình đồng đội keo sơn trong những ngày chiến đấu gian khổ trên đất bạn Lào:
Hùng ơi mai gió mùa đông bắc
Võng bạt canh khuya lại nhớ Hùng
Nhớ đêm hai đứa xong phiên gác
Bao gạo gối đầu chăn đắp chung
Nhớ khi mình ốm giữa rừng
Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi
Quả khế rừng nấu con cá suối
Thương Hùng mình hóa trẻ đi câu…
Mất mát, hy sinh là điều không thể tránh khỏi trong chiến tranh, nhất là trong cuộc chiến lâu dài và khốc liệt chống đế quốc Mỹ - một siêu cường của thế giới. Trong cuộc chiến ấy, văn học nghệ thuật cách mạng nói chung, thơ ca nói riêng, đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, động viên cả dân tộc vượt qua những hy sinh vô bờ. Người lính - cái chết - sự bất tử là mô típ thẩm mỹ được thể hiện khá thành công trong thơ. Từ cái chết lẫm liệt của người lính giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất, Lê Anh Xuân khái quát hóa thành “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Lâm Thị Mỹ Dạ hình tượng hóa: “Cái chết em xanh khoảng trời con gái”, còn Nguyễn Đức Mậu cũng xây dựng một hình tượng thơ độc đáo của riêng ông: cây trầm - người chiến sĩ.
Từ những cây thông cháy đen trên vùng chiến trường biên giới Viêt - Lào, nhà thơ đã tạo ra trường liên tưởng cây trầm - cuộc đời người chiến sĩ. Cây trầm (cây dó) một đời cần mẫn hút tinh chất của đất trời, cho đến khi chết, thân tan vào hư vô nhưng dòng nhựa tụ lại trong lòng đất thành thứ kỳ nam quý giá, càng dài năm tháng càng thêm ngát thơm. Người lính cũng chính là cây trầm. Đấy là những “cây trầm thơm từ gốc thơm ra”.
Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm
Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ
Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị
Thân hy sinh thơm đất, thơm trời
Trong tác phẩm Ông già và biển cả, Hemingway viết: con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị khuất phục. Người lính có thể bị bom đạn quân thù tiêu diệt nhưng sự hy sinh vì nghĩa lớn của họ vẫn bất tử cùng Tổ quốc. Họ là những “cây trầm cháy rồi hương vẫn thơm”. Và giống như một cuộc chạy tiếp sức, cái chết của người lính thúc giục đồng đội tiếp tục tiến lên cho đến thắng lợi cuối cùng
Chết - hy sinh cho Tổ quốc Hùng ơi
Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
… Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ
Thành bàn tay chỉ hướng quân thù
Nguyễn Đức Mậu viết Nấm mộ và cây trầm khi 22 tuổi, mới bắt đầu sự nghiệp viết lách. Bài thơ chưa phải là viên ngọc lóng lánh trong nền thơ ca cách mạng nhưng nó đã tạo được hình tượng thơ độc đáo, có sức sống lâu bền. Từ một trường hợp cụ thể, Nấm mộ và cây trầm đã khái quát hóa được sự hy sinh lớn lao của người lính cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dấu yêu.
DUY HIỂN