Thơ trên bàn biên tập
Bài vở cộng tác viên gửi về cộng tác với trang thơ trên Báo Quảng Nam cuối tuần vô cùng phong phú và đa dạng. Mỗi tuần tòa soạn nhận được cả trăm bài thơ của cộng tác viên từ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh gửi về. Có tác giả gửi vài ba bài. Có tác giả gửi vài ba chục bài. Có tác giả gửi hẳn cả tập bản thảo thơ dày được viết tay trên giấy kẻ ngang…
Là người phụ trách trang thơ nên dù muốn dù không tôi vẫn phải đọc hết các tác phẩm thơ gửi về tòa soạn. Và tôi tạm chia làm ba loại thơ nhận được. Loại thứ nhất, chiếm tỷ lệ trên 70% là thơ của các cụ hưu trí, có niềm đam mê thơ mãnh liệt. Các cụ viết khỏe, viết nhiều. Xem ngày tháng ghi dưới mỗi bài thơ, có không ít cụ viết cả chục bài sau một đêm mất ngủ. Loại thứ hai, chiếm khoảng 20%, là thơ của những người làm thơ nghiệp dư. Họ sáng tác không chuyên, thích thì viết, không thích thì thôi. Chất lượng thơ của họ cũng “năm nóng, năm lạnh”, nghĩa là có nhiều bài được bên cạnh nhiều bài chưa được. Loại thứ ba, chiếm tỷ lệ cỡ 10%, là thơ của những người làm thơ chuyên nghiệp. Hẳn nhiên, thơ họ có chất lượng trung bình khá trở lên nên họ gửi cùng một lúc cho… nhiều tòa soạn báo, tạp chí khác nhau. Nếu không có google.com.vn trợ giúp đắc lực trong việc kiểm tra, rất dễ xài hàng second-hand!
Quen biết nhiều cộng tác viên thơ, tôi mạnh dạn nêu những nhận xét của cá nhân mình về thơ trên bàn biên tập. Số lượng thơ không tương xứng với chất lượng thơ, vì thế để duy trì đều đặn trang thơ với 3 - 4 bài thơ trên tờ báo cuối tuần không phải là chuyện dễ. Phần lớn thơ thuộc loại thứ nhất, nếu không rơi vào thể loại diễn ca cũng rớt vào diện… vè, việc chọn đăng trên trang thơ rất khó. Thơ thuộc lại thứ hai, hầu hết được cái này thì hỏng cái kia. Có những bài thơ có tứ thơ lạ nhưng ngôn ngữ thơ lại tù mù, vô nghĩa. Tiếc của đời, tôi trao đổi với tác giả, không ngờ tác giả đọc xong bài thơ do mình sáng tác cũng không hiểu nội dung nói gì! Thơ kiểu đó cũng khó chọn đăng vì “đánh đố” công chúng yêu thơ là điều không nên! Còn thơ thuộc loại thứ ba, tác giả là những người làm thơ chuyên nghiệp, khổ nỗi, nhiều người (chứ không phải là tất cả!) trong số họ “thâm canh” giỏi hơn những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp trung ương…
Thường thì thiên hạ cứ nghĩ làm biên tập viên văn nghệ, cụ thể là biên tập viên thơ, nhàn hạ, chả bị áp lực vì phải “theo dòng thời sự”. Nghĩ như thế, theo tôi, hơi võ đoán! Nhiều người bỏ bao công sức mới làm được một bài thơ nhưng không được chọn đăng, họ gọi điện thoại, nhắn tin… cho biên tập viên hoài, bất kể sớm - trưa - chiều - tối. Lúc đầu còn ngọt nhạt, sau trao đổi bằng những lời lẽ hết sức khó nghe! Nghề biên tập là cái nghề… làm dâu trăm họ, khổ thế!
NGUYỄN ĐÔNG AN