Cuộc chờ
Mưa xối xả từ đầu giờ chiều. Gió quất mạnh tới nỗi mấy cây xà cừ cổ thụ trên đường dẫn vào quảng trường Trăng Xanh bật gốc chỏng chơ.
Hiệp căng mắt nhìn khắp, hàng quán đa phần đóng cửa chỉ còn lèo tèo bóng người qua lại, ông già không có trong số đó, cũng không thấy chiếc xe đẩy quen thuộc.
Tại Trăng Xanh những ngày mưa gió khủng khiếp hơn thế này nhiều, Hiệp từng chứng kiến cảnh ông già ướt sũng đơn độc chờ đợi. Nắng hay mưa, bất chấp, ông vẫn ở đây. Vậy mà tình huống quan trọng này lại không thấy người đâu, điện thoại thì tắt máy.
Vài chủ cửa hàng lắc đầu báo đã ba ngày nay ông già vắng mặt, không ai rõ lý do. Bất an mỗi lúc một nhọn lên trong lòng Hiệp, ai chứ ông già mà anh biết từ năm năm qua đã giữ thói quen chẳng hề suy chuyển: đẩy xe tò he ra Trăng Xanh vào bốn giờ chiều mỗi ngày.
Cuộc gọi từ sở cảnh sát khiến Hiệp bối rối. Đội trọng án lên đường ngay, đại úy Trung báo không thể liên lạc với ông già, nhờ Hiệp chạy ra quảng trường một chuyến: “Vẫn chưa có gì chắc chắn, song phải cho ông già chút thời gian chuẩn bị tinh thần”.
Hiệp muốn theo chân đại úy. Ngay khi thấy số của vị đội trưởng hiện lên màn hình điện thoại, anh đã bật dậy lôi hết máy móc cho vào ba lô. Đại úy Trung không gọi một phóng viên chỉ để tán gẫu, Hiệp hiểu và luôn trong tư thế sẵn sàng.
“Vụ này chưa công bố được. Cậu sẽ có tin chính thức đầu tiên. Tới tìm ông già đi, Hiệp, nhờ cậu đấy”, giọng đại úy căng thẳng. Nếu hết thảy thông tin vừa nghe là thật, hoặc giả như chỉ một phần thôi cũng vậy, Hiệp hình dung cơn sóng phẫn nộ sẽ bùng lên trong vài ngày tới.
Áp lực đè nặng đội trọng án trước những chỉ trích chẳng thể tránh khỏi, và như cách đại úy chua chát kết luận - “Báo chí sẽ ngấu nghiến không chừa thứ gì dù chỉ là hạt bụi. Tụi tôi ăn chửi cũng đủ no”.
Hiệp phải đánh vật trong lốc xoáy hướng về phía quận Cầu Vồng. Ông già sống cuối con hẻm trên đường số 9 của quận này, lối vào chỉ đủ hai xe máy đối nhau sát rạt. Hiệp đã vô đây nhiều lần đợt viết ký chân dung ông già đăng trên nhật báo La Bàn nơi anh công tác.
Cũng nhờ bài viết mà Hiệp quen đại úy Trung. Một ngày sau khi báo đăng, Hiệp nhận cuộc gọi từ số lạ, đầu dây bên kia chỉ nói ngắn ngủn, “Làm vài ly” kèm theo tin nhắn chỉ thời gian, địa điểm hẹn.
Đó là một cảnh sát vừa qua tuổi bốn mươi nhưng có gương mặt non choẹt, quần áo bụi bặm và luôn khuyến mãi người đối diện nụ cười sáng bừng chẳng ăn nhập gì công việc điều tra án từng ngày đối mặt những tên tội phạm cộm cán nhất.
Ông già vẫn hay chép miệng biểu Hiệp đừng trông mặt người mà dò tính cách, coi vậy chớ chưa chắc vậy đâu. Đại úy biết ông già từ hồi còn là lính mới của đội trọng án, tức mười lăm năm cho tới hiện tại. Ngày nào ông già cũng ghé sở cảnh sát, tay cầm xấp giấy, hỏi những câu lặp đi lặp lại đã hàng ngàn lần với ánh mắt khắc khoải.
“Cho nên, tôi không thể quên ông già, dù muốn. Cậu chửi tôi cũng được. Chẳng có lấy một manh mối để lần theo thì tìm kiểu gì”, đại úy châm thuốc trong lúc nói. Mãi về sau thân thiết hơn chút, đại úy mới kể thêm, đã thấy nhiều cột báo đăng tin liên quan tới ông già, duy chỉ Hiệp viết một bài dài tới hai trang báo như vậy.
“Họ dùng mẩu tin ở mục quảng cáo, nghĩa là ông già phải chi tiền, đúng không?”. Hiệp im lặng trước câu hỏi cắc cớ của đại úy. Bỏ qua thái độ lặng thinh đó, đại úy tiếp, “Nhưng, dù ông già đăng tin miệt mài mười lăm năm, mọi thứ vẫn nguyên xi. Cũng đúng, mỗi ngày có bao nhiêu tin tức. Cướp, giết, hiếp. Nghệ sĩ tậu hàng hiệu, đi xe sang. Rồi thì cô này cặp ông kia, gã nọ hào hoa lừa huy động vốn, mấy ai ngó ngàng một vụ mất tích cũ mèm.
Tôi bất ngờ khi đọc bài cậu, nó như thể bày ra cả một đời người trúc trắc, nhiều chi tiết tôi không biết, đúng hơn là đã không thật sự quan tâm tìm hiểu. Thế rồi, hốt nhiên tôi tự hỏi cậu chú ý ông già vì lẽ gì, thói quen nghề nghiệp à? Ông già có xe tò he trẻ con rất thích. Vợ ông gói bánh tét, bánh ú bán hàng ngày. Thỉnh thoảng, báo chí khai thác chuyện giữ nghề truyền thống ở đô thị, cũng hay”.
Đó là một câu hỏi khó, Hiệp chỉ cười trừ. Chuyện không thật sự liên quan thói quen nghề nghiệp. Bởi Hiệp cũng đang trong cuộc chờ mòn mỏi tương tự ông già dù tính ra hoàn cảnh cả hai trái ngược nhau.
Tới đầu hẻm, Hiệp khựng lại gạt chân chống xe, đứng xớ rớ cho tay vô túi quần tìm gói thuốc mặc roi mưa cắt ngang xẻ dọc buốt mặt, tự rủa mình trời ơi, lúc này rồi còn thuốc với khói. Vẫn chưa có gì chắc chắn, tin vậy đi, Hiệp trấn an bản thân, anh cố hít một hơi sâu, rốt cuộc vẫn như có khối chì chặn ngay lồng ngực.
Thấy Hiệp chàng ràng, từ ngôi nhà phía bên kia đường một bà cụ hét qua cửa sổ, “Cậu phóng viên tìm già Nhựt hả. Ổng nằm viện rồi”. Gió gầm gừ, thình lình sấm đánh rền vang át mất lời bà, Hiệp phải dỏng tai lên, “Viện. Tôi nói ổng đi viện La Bàn đó. Bị té” - bà cụ thu nắm tay bấu chặt hai thanh sắt cửa sổ như đang cố gồng sức thét ra tiếng một lần nữa.
Hiệp gật đầu tỏ ý đã hiểu và cảm ơn. Không dưng anh nhẹ cả người dù biết cảm giác nhẹ nhõm giả tạo này sẽ chẳng kéo dài. Lo tìm ông già, anh chưa kịp nghĩ ra những lời nên nói khi gặp mặt. Đại úy dặn phải thận trọng hết mức, tránh cơn chấn động có thể gây hại cho ông.
Giữa cuộc chờ mịt mù với một tin xấu, ta thà tiếp tục chờ và hy vọng, Hiệp từng bám víu ý nghĩ đó cho tới hồi bị chính con trai ông già quật ngược bằng lý lẽ khác, “Chuyện gì rồi cũng cần kết thúc. Cậu phóng viên thấy ba tôi có đang sống bình thường không? Tôi bảo ông hãy buông thôi, sống cho ra con người, nhưng ông luôn gạt đi”.
Hồi Hiệp còn nhỏ mỗi lần được theo má vô thành phố là cả một sự kiện lớn. Mang tiếng người phố, nhưng nhà Hiệp nằm trên đảo cách trung tâm một dòng sông, muốn qua phải chờ phà rất lâu. Má Hiệp có nghề may, vừa nhận may đồ cho bà con trên đảo vừa lấy thêm hàng của xưởng ngoài chợ Lò Xo về gia công, từ áo gối, áo gió tới các kiểu đầm, nghe đâu để xuất khẩu.
Thỉnh thoảng má ra tận nơi coi ngó hàng mẫu và sẽ dắt Hiệp theo nếu cậu tha thiết quá. Lò Xo giờ không còn nữa, người ta đã trên nền đất cũ một trung tâm thương mại hoành tráng. Xưởng may cũng mất hút, như má Hiệp. Năm đó Hiệp mới mười một tuổi, không hiểu mấy tia nhìn giữa má và ông chủ xưởng, chỉ là cảm giác nhờn nhờn rất khó chịu.
“Người lớn cũng lạc đường, chắc đang loay hoay tìm về”, niềm tin mơ hồ kiềm giữ Hiệp giữa những cơn xao xác lòng. Mỗi cuối tuần, Hiệp lại bươn bả đón xe buýt, ngồi phà, rồi lại leo lên xe buýt tới Lò Xo, cậu tin chỉ cần ngồi đó thật kiên nhẫn rồi sẽ có lúc bàn tay rất mềm và ấm của má chìa ra đón lấy mình.
Ban đầu, ba Hiệp rất giận, ông sừng sộ lao tới kéo cậu con trai xềnh xệch trên mặt đường, không ngừng quát nạt cái tội bỏ đi chơi mất dạng báo hại ông chạy kiếm muốn khùng. Lâu dần, ba mặc kệ Hiệp, có lẽ ông đã mệt, như người đàn bà mất chồng kia vậy.
Sau vài bận hồng hộc xô ba Hiệp nhác nháo xuống ruộng muối, xéo xắt chẳng chừa từ ngữ nào về cái tội không biết dạy vợ, bà ngưng xuất hiện. Chỉ còn Hiệp, tới tận bây giờ, mỗi chiều Chủ nhật lòng vẫn bời bời trên lối cũ, nơi anh nhớ đã từng là cổng vào xưởng may trong Lò Xo. Cho nên, Hiệp nghĩ mình hiểu ông già phần nào.
“Ổng đòi ra quảng trường, nói lỡ đâu thằng nhỏ về. Thiệt, ông nhà tôi sống khổ sở quá cậu phóng viên à. Ổng cứ nghĩ thằng bé mất tích là lỗi của mình. Tôi vừa quát vừa khóc, tại sao là lỗi của ổng. Giả dụ thằng bé bị bắt cóc đi, thì đó là lỗi của bọn chúng chứ - những tên bắt cóc ác ôn ấy.
Tôi làm rùm beng mãi một lúc ổng mới chịu ngả lưng ngủ, chân cẳng này thì đi đâu được nữa, bác sĩ nói phải ngồi xe lăn, cậu à”, vợ ông già thở dài. Hiệp ngước mắt lên trần phòng bệnh, nghe chính hơi thở nặng nhọc không buồn che giấu của mình. Đại úy vừa gọi cho anh, lẫn trong âm thanh cào xới rền rĩ và gió rít từng hồi là tiếng chửi thề, “Tụi tôi tìm được bảy bộ xương, có trẻ em”.
Thay vì ào tới hiện trường quáng quàng chụp vài kiểu hình cho lên trang nhất, hoặc chí ít chầu chực trong sở cảnh sát hóng tin, Hiệp bất động trên hàng ghế chờ nơi hành lang bệnh viện. Sớm thôi phía kỹ thuật hình sự sẽ lấy mẫu từng gia đình nạn nhân nghi vấn để làm xét nghiệm ADN. Liệu có bớt thống khổ hơn nếu ông già được chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận, Hiệp không biết.
Anh mò mẫm ký ức lần tìm từng vệt thời gian, những viện mồ côi, những con đường, những tuyến phà, những bức tường rêu mốc ông già đã đi qua, và chính Hiệp cũng đã đi qua để gặp những cảnh, những người cần phỏng vấn, lần tìm gót chân người qua kẻ lại đạp lên tấm hình chụp đứa trẻ bảy tuổi nhe răng cười khì. Và, lần tìm lại cả cảm giác chết lặng khi bày ra trước mắt anh là những xấp tiền lẻ được vuốt phẳng phiu cất trong hòm tôn dưới gầm giường ông già nằm.
Ông tằn tiện tới mức chiếc áo ấm mới cũng nghĩ mình không xứng được mua, nói phải dành dụm, biết đâu bọn kia nghĩ lại mà đòi tiền chuộc rồi trả cháu cho ông. Thằng bé theo nội ra quảng trường Trăng Xanh mỗi chiều, ở đó nó sẽ hòa vào đám trẻ chùm hum quanh xe tò he chăm chú ngó ông già tỉ mẩn véo bột nặn mấy chú trâu, bạn thỏ ngộ nghĩnh.
Vào một buổi chiều cách nay mười lăm năm, ngỡ sẽ bình yên như mọi buổi chiều trước, thằng bé biến mất. Tìm kiếm trong tuyệt vọng mài mòn ba má nó, họ xé nhau ra, mỗi người đi một lối, đã có những đứa con khác, những mối lo toan khác, duy chỉ ông già vẫn kiên định chờ.