Hạnh phúc của má
Dì Sáu mới đi xăm lông mày về, mấy đứa con nít tả: “Trông như có hai con sâu róm nằm chình ình trên mặt dì vậy”. Tôi nhìn mà chợt tiếc hàng lông mày lá liễu thanh tú hồi xưa của dì, cũng bởi dì nghe lời hàng xóm đi tân trang lại nhan sắc để giữ chồng. Út Hiền - con gái dì Sáu kể, ba nó đang cặp bồ với cô nào trẻ lắm. Vì có bữa, nó nghe lén ông nói chuyện điện thoại với cô ta, ba biểu: “Vậy là em xém bằng tuổi con gái anh đó, hi hi”. Chính vì bồ ba trẻ đẹp nên khi phát hiện ra, má nó mới gần như điên loạn. Có hôm, dì Sáu ngồi ngoài hiên cười từ chiều tới nửa đêm. Bà ngoại Út Hiền ngồi bên cạnh, canh con gái với vẻ bất lực, biết nói sao dì cũng nhất định không chịu vô ngủ. Thỉnh thoảng, bà khều nhẹ dì, hỏi: “Sao con cười hoài vậy?”. Dì Sáu chỉ vào tấm ảnh chồng mình chụp chung với bồ: “Tại con thấy cổ đẹp quá trời”.
Minh họa: HIỂN TRÍ |
Nhưng tôi nhìn kiểu chi cũng không thấy cô ta đẹp bằng dì Sáu. Cô trông na ná những cô gái trẻ khác. Tóc nhuộm móc light, lông mày xăm kiểu Hàn Quốc, môi xí muội, mặc áo trễ cổ rồi giả bộ chụp hình không để ý. Còn dì Sáu vẫn “quê một cục”, quanh năm mặc áo bà ba, quần dài phủ kín gót chân, tóc cuộn vài vòng, kẹp bằng kẹp ba lá rồi giấu vô búi tóc vài chục ngàn tiện đi chợ. Vậy mà bao người vẫn ngó theo xuýt xoa khen đẹp. Dì đâu có tin mình đẹp, có ai đẹp mà chồng đi cặp bồ không?
Út Hiền đổi tính đổi nết từ ngày ba nó bỏ đi. Nó đùng đùng chia tay người yêu - cái người nó từng hết lời khen: “Trời ơi! Ảnh hiền lành y chóc ba em”. Rồi con bé thề ở giá nuôi má và bà ngoại. Dì Sáu lo lắm, hết khuyên nhẹ nhàng rồi đến la mắng con, nhưng nói kiểu chi, nó cũng cộc cằn biểu: “Mấy ông đàn ông có ra gì đâu mà má kêu con lấy chồng?”.
Nghe bà ngoại Út Hiền kể, bà và ông ngoại trước khi cưới không yêu nhau ngày nào. Họ chỉ biết nhau vì ở chung xóm. Nhưng thời đó là vậy, ba má ngắm đám nào được, biểu cưới là phải chịu. Ông ngoại đi bộ đội, tranh thủ 4 ngày phép về cưới bà rồi “tìm hiểu” sau. Hai người nhìn mặt nhau chưa quen, ông đã phải đi. Bà ở nhà chờ đợi ông ròng rã suốt 3 năm trời. Tới lúc ông về, bà mới có cơ hội được làm mẹ. Khi bà mang bầu tới tháng thứ 8, bà bắt gặp tận mắt chồng mình ăn nằm với người phụ nữ cùng làng. Bà ngoại giận ông lắm, một mình ôm bụng bầu vô Nam đi kinh tế mới. Bà đau buồn quá, khóc suốt nên sinh dì Sáu thiếu tháng. Thời đói kém, bà nuôi dì Sáu khó khăn, nhưng quyết không đi bước nữa mặc cho bao người ngỏ ý. Kể cả khi ông ngoại hối lỗi, lặn lội từ Bắc vô xin bà trở về, bà cũng đuổi ông đi.
Hồi dì Sáu mới lớn, dì cũng không chịu ưng ai. Giống bà ngoại, dì tỏ ra ghét đàn ông ra mặt, cho tới khi gặp ba Út Hiền bây giờ - anh thanh niên mồ côi nhưng chịu thương chịu khó, không biết nói lấy một câu ngọt ngào, ai nói chi cũng chỉ gãi đầu cười. Sự chất phác của ông khiến dì Sáu mủi lòng, chấp nhận gắn bó ngay cả khi ông vẫn còn đi làm thuê làm mướn, không có lấy mảnh đất cắm dùi. Ba Út Hiền giữ cái vẻ chất phác đó tới tận sau này. Mãi vài năm nay, ông mới biết nói mấy câu: “Em đẹp ghê”, “Anh nhớ em quá à”, “Cục cưng của anh đang làm gì đó?”… Những câu Út Hiền vô tình thấy trong điện thoại của ba nó, mà không phải dành cho má.
Người ta biểu, cô bồ của ba Út Hiền làm trong quán bia ôm, mấy cô đó có tiền thì ôm, hết tiền là kiếm người khác. Họ biểu dì Sáu ghen làm chi cho khổ. Thím Nga gần nhà còn khuyên dì đi “tút tát” lại nhan sắc, rồi đợi ổng hết tiền ổng sẽ tìm về má con dì, sớm thôi. Dì Sáu nghe lời, dì đi xăm chân mày, cũng thử xài kem trắng da, sắm vài cái áo mới. Nhưng dì vừa ướm thử chiếc áo trễ cổ vô người, Út Hiền đã đứng ngó trân trân, kêu: “Má mặc vầy giống y con nhỏ bồ ba”. Giây phút ấy, dì sượng sùng, rồi khuỵu chân xuống ôm mặt khóc nức nở.
Từ sau bữa đó, đêm nào dì cũng ngồi tựa đầu vô cửa tới gần sáng. Nhìn từ phía sau, thấy đôi vai má run lên bần bật, Út Hiền biết má đang khóc. Dì Sáu mếu máo: “Má chờ ba bây về ký đơn ly dị mà lâu quá chừng”. Út Hiền nghĩ ba sẽ lâu về lắm. Vì khi đi, ông mang theo rất nhiều tiền, tiền để dành bao năm tính xây lại nhà, tiền ổng bán cái xe ba gác thường dùng chở hàng đi bán rong, đến mấy triệu đồng thím Nga trả nợ ông cũng mang đi luôn. Út Hiền nhẩm tính, số tiền đó là cả gia tài. Nếu để mấy bà cháu đi chợ có khi cả đời ăn không hết, ba nó xài chừng nào mới hết?
Vậy mà chưa bao lâu, ba Út Hiền đã hết tiền và trở về, đúng như lời hàng xóm nói. Trông ông có vẻ tiều tụy, lại còn đi bộ từ ngoài đường lộ vô nhà, mặt cúi gằm. Lúc đó, dì Sáu đang cuốc đất ngoài vườn, thấy Út Hiền từ từ đi ra, nói giọng lạnh tanh: “Ba về rồi đó, má vô tiếp ổng đi, để đó con cuốc tiếp cho”. Dì Sáu giật mình, dì ngồi sụp xuống ngang cán cuốc, thở dài một chặp rồi mới bước vô nhà.
Nói vậy chứ Út Hiền vẫn vô nghe lỏm coi thử ba má nói chuyện gì. Nó thấy má hỏi, giọng ráo hoảnh: “Nhà hết tiền rồi, anh về chi?”. Ông im lặng hồi lâu rồi lẩm bẩm: “Tui đâu có về lấy tiền”. Út Hiền hồi hộp chờ coi má nó lôi ra lá đơn ly dị, hùng hồn biểu ba nó ký vô, nhưng chờ hoài mà không thấy má làm vậy. Nó chỉ nghe tiếng khóc nấc của má, rồi tiếng xụt xịt của ba, tiếng ông nói rít qua kẽ răng: “Trời ơi, ma xui quỷ khiến tui”.
Không hiểu sao, lúc đó, Út Hiền lại thấy trách má. Sao má không chửi rủa, không nhào vô cấu xé ông cho thỏa cơn giận chất chứa bao nhiêu ngày? Sao má không dứt điểm với người đàn ông mà với nó bây giờ, mỗi lần thốt ra tiếng “ba” cũng thành ngượng ngùng?
Sau bữa ba Út Hiền về, không khí trong nhà càng trở nên nặng nề. Dì Sáu tránh mặt chồng. Dì luôn dậy thật sớm rồi lẳng lặng xách cuốc ra vườn cuốc đất hùng hục. Nếu thấy ba Út Hiền cũng xách cuốc đi ra, dì sẽ bỏ đó, kiếm góc khác xa xa mà làm. Về sau cuốc tới cuốc lui dì cũng đụng mặt ông ở một thửa đất.
Út Hiền đã mong ba má có một cuộc đối thoại thực sự. Nhưng kết quả cuộc đối thoại đó không như tưởng tượng của nó. Dì tuyên bố: “Ba má đã làm lành”. Dì nói giọng nhẹ tênh, y như hai người chỉ vừa giận dỗi nhau một chuyện nhỏ xíu, y như ba nó chưa từng phản bội má, y như má chưa từng đợi ba về để ký đơn ly dị. Rõ ràng, Út Hiền cảm nhận những tổn thương trong lòng má chưa nguôi ngoai hẳn. Nó vẫn thấy má đêm đêm ngồi tựa đầu vô cửa thở dài. Thỉnh thoảng, má khóc. Chỉ khi trước mặt con, bà mới tỏ ra vui vẻ với ba, cố tình gắp thức ăn cho ông, xưng: “mình mình, tui tui” ngọt xớt.
Bữa nay, dì Sáu bỗng dưng hỏi Út Hiền chuyện tình yêu của con. Dì biết nó còn thương người ta, bằng tất cả sự dịu dàng, dì biểu: “Con đừng thấy con đường của bà và má chông chênh mà sợ hãi. Chẳng cớ chi phải đoạn tuyệt hạnh phúc!”. Những câu từ này, Út Hiền nhớ má đã nói mấy lần rồi. Mà giờ này nó mới hiểu. Cách của má Út Hiền vậy đó, trước giờ, mỗi khi con gái có chuyện chi khó khăn, bà sẵn sàng dạy con phải làm như vầy như vầy nè. Nếu Út Hiền chưa hiểu, bà sẽ làm mẫu để nó bắt chước theo. Út Hiền đâu có hay, má lại một lần nữa kỳ công, để chỉ cho nó hiểu ý nghĩa của từ hạnh phúc. Nhưng má có thực sự hạnh phúc?
KHƯƠNG QUỲNH