Tài cũ "lên đời"
Có hơn ba năm, từ ngày nơi ở cũ của Chức bị giải tỏa, tôi chưa đến thăm nhà mới của anh. Trong thời gian này, tôi và các bạn đồng hương mỗi lần gọi điện thoại bảo anh đến chơi với anh em đều bị anh thoái thác vì rất bận.
Minh họa: VĂN TIN |
Có người trách:
- Sao ông cố tình tránh anh em thế?
Chức than, cũng qua điện thoại:
- Khổ quá! Đó là chuyện làm ăn và tôi phải đúng hẹn với mọi thân chủ. Bữa mô mấy ông tới nhà tôi chơi sẽ rõ.
Nhà Chức tuy cùng ở Sài Gòn nhưng cách nhà tôi đến hai quận, hơi xa nhưng dễ tìm. Tôi vừa vào cổng thì Chức đã chạy ra bắt tay tôi và cứ giữ chặt tay tôi dắt vào nhà, cùng ngồi lại nơi bàn viết của anh. Trên mặt bàn có chiếc laptop, cuốn sổ và xấp giấy trắng dường như để phác thảo.
Tôi nhìn quanh bốn bức tường nhà thấy treo la liệt những tờ giấy croquis khuôn khổ khác nhau trên đó là những hoành phi, câu đối, liễn, phú, văn tế, niệm văn, chúc văn…, có bản viết chữ chân phương, chữ thảo, có bản chữ triện, thư pháp. Tôi hỏi Chức:
- Ông viết những thứ kia cho những ai mà nhiều thế?
Chức cười, vừa rót nước trà vào hai tách vừa trả lời tôi:
- Nhờ có chút tài mọn từ hồi học đại học Văn khoa Sài Gòn, tưởng đâu xếp xó cho đến chết, không ngờ hơn ba năm qua tôi tái sử dụng còn được nhiều người xa gần đến nhờ thực hiện, khích lệ. Có lúc gặp thời vụ như trước mùa Vu lan báo hiếu, nhất là dịp gần tết, tôi làm không hở tay. Mà việc tôi làm thì không ai trong gia đình trợ lực được. Đó cũng là lý do tôi hạn chế đi lại và không mấy khi đến với anh em như hồi trước.
- À ra thế. Chẳng ai còn thắc mắc và trách ông đâu.
Chút “tài mọn” của Chức vừa nói là khả năng sáng tác các thể loại cổ văn của anh. Chức rất giỏi về phú, đối, liễn, văn tế, hoành phi, điếu văn, niệm văn, chúc văn. Anh sáng tác những thứ ấy và viết ra bằng quốc ngữ lẫn Hán tự. Tôi hỏi:
- Ông hay ai viết ra những bản nhiều kiểu chữ treo đầy trên bốn vách tường thế kia?
- Tôi.
Tôi thầm phục thêm một “tài mọn” của Chức.
Tôi cầm lên đọc đôi câu đối liễn còn viết trên giấy nháp đặt ở mặt bàn và hỏi Chức làm cho ai.
- Cho lễ khánh thành từ đường của một tộc lớn ở An Giang.
- Có được bồi dưỡng không?
Chức tròn xoe mắt nhìn tôi:
- Sao lại bồi dưỡng? Họ trả nhuận bút hẳn hoi mà trả theo giá tôi định kia đấy. Thể loại nào có giá riêng. Thời bây giờ mọi thứ đều nằm trong khung kinh tế thị trường, làm nghề gì cũng phải đổi lại sức lao động bằng tiền mới sống được để tái sản xuất chứ? Cứ thơ với thẩn lơ mơ như ông, họ trả bao nhiêu thì trả. Làm một bài thơ tuy ít số chữ hơn cái truyện ngắn chẳng hạn nhưng nhuận bút nhiều lắm chỉ bằng một phần ba và suy ra viết truyện ngắn cũng tốn nhiều tâm lực mà nhuận bút cũng chưa tương xứng.
Tôi ngồi im ngầm chấp nhận sự phê phán của Chức là đúng dẫu tính thẳng ruột ngựa của anh có chạm tự ái của tôi.
Tôi hỏi:
- Vậy như cặp đối liễn cho nhà thờ này ông lấy nhuận bút bao nhiêu?
- Hoành phi, câu đối, liễn phúng đám tang, liễn khánh thành nhà thờ, tân gia, liễn khắc tại phần mộ… thì tính theo số chữ.
- Mỗi chữ bao nhiêu?
- Hai trăm rưỡi ngàn đồng, tùy theo số chữ tiểu đối, thi đối hay phú đối, cứ thế mà tính.
Đến lượt tôi tròn mắt nhìn Chức:
- Vậy hai vế liễn nhà thờ này mười bốn chữ nhân cho hai trăm rưỡi ngàn, vị chi là ba triệu rưỡi?
- Chứ sao. Hoành phi thường chỉ ba hay bốn chữ, đối liễn cũng không nhiều chữ nhưng phải đặc tả được đúng nội dung từng sự kiện, mà nếu dùng văn xuôi phải đến cả chục trang.
Tôi vừa nói vừa hỏi:
- Tính giá nhuận bút theo kiểu ông như vậy, nếu sáng tác những bài nhiều chữ như văn tế, điếu văn, chúc văn… ông lấy khẳm tiền?
Chức lắc đầu:
- Với cái thể văn dài hơi ấy thì tính nhuận bút theo bài chứ cứ đếm chữ ăn tiền thì ai chịu thấu và chẳng còn ai thèm đến với mình.
- Vậy bài các loại ấy giá thế nào?
- Mặt bằng giá sinh hoạt của xã hội ta cứ tăng hoài nên tôi cũng có tăng theo cho “sản phẩm” tim óc của mình. Trước đây mỗi bài loại ấy tôi lấy tám triệu, hơn năm qua là mười triệu.
Tôi nói:
- Không phải với thơ mà với mọi thể văn khác, nhuận bút của ông cũng đều cao nhất đấy.
Ngẫm nghĩ giây lát, tôi phải hỏi về điều trên:
- Chỗ bạn bè, tôi hỏi thật: ông có “nổ” với tôi đấy không?
Chức đẩy tách trà ra xa và có vẻ bực bội về câu hỏi của tôi:
- Là bạn thân của nhau từ hồi nhỏ, ông có nghe tôi ngoa ngôn xảo ngữ bao giờ chưa? Lâu ngày mới gặp nhau, tôi bộc bạch hết về việc làm hiện nay của tôi và ngoài ông, tôi không cho ai biết trừ phi đó là những thân chủ của tôi vì họ cần phải biết.
Tôi cười làm lành:
- Thôi, xem như tôi không hỏi ông câu vừa rồi.
Chức vẫn chưa tha cho tôi:
- Ông không trả tôi đồng nào mà còn ngầm chê tôi lấy giá nhuận bút quá mắc, trong khi các vị đặt hàng tôi chưa bao giờ có ai tỏ ý ấy. Họ chỉ rất vui khi nhận được tác phẩm đúng hẹn. Và họ vui vẻ trả tiền, không hề nói mắc rẻ. Thật tình là ngày tôi càng làm không hết việc chứ tôi có khùng đâu mà đem tâm lực, tiền bạc, thì giờ để làm rồi treo đầy tường thế kia?
Vì sự vụng về của mình, tôi phải chịu thêm lời trách của người bạn thân đồng hương đồng tuế.
Chức khen tất cả thân chủ vắng mặt của mình:
- Họ đều là những người trọng văn hóa, muốn bảo tồn những giá trị văn hóa của tiền nhân như các thể cổ văn còn rất ít người thông thạo, rồi đặt tại các nơi tôn nghiêm như từ đường, phần mộ, tân gia… Họ đều khá giả về kinh tế, hễ “phú quý thì sinh lễ nghĩa” nên mình cũng có phần nhờ.
- Trong số các thân chủ ấy có ai đến “đặt hàng” ông nhiều lần không?
- Có chứ, khi thì họ nhờ tôi viết điếu văn, lần khác lại đến nhờ tôi làm phú, câu đối… Như một ông Việt kiều ở Mỹ lần đầu điện thoại nhờ tôi viết bài văn tế để ông và các em ông khóc mẹ. Vì đám tang của bà dài cả tuần lễ nên tôi gửi nhanh qua kịp. Ông ta lại gọi điện nhờ tôi làm cặp đối liễn khắc tại mộ phần mẹ và một cặp khác treo hai bên bàn thờ bà. Ông còn dặn lễ giáp năm mẹ ông, tôi viết cho ông bài niệm văn. Tôi đang nháp bài ấy vì sắp đến hẹn.
- Ông làm sao biết về mọi thông tin cuộc đời của vị quá cố ấy?
- Ông ta kể rành mạch qua điện thoại.
- Ổng trả nhuận bút thế nào?
- Gửi USD.
- Bao nhiêu?
- Bí mật. Cho ông biết để ông chê tôi lấy mắc à?
Tôi cười. Chức tiếp:
- Chẳng rõ ông ấy lan truyền sao đó mà có thêm hai vị ở Mỹ, một vị ở Canada cũng gọi điện cho tôi nhờ làm mấy thứ ấy.
Chức kéo hộc bàn lấy ra hai xấp giấy chữ máy tính. Anh cầm lên một xấp ba tờ giấy đã đóng dính và nói:
- Đây là bài phú của ông Việt kiều ở Canada nhờ tôi làm lấy tên là “Hải ngoại hoài hương phú”.
- Còn bài kia, sao trông hình thức hơi giống nhau thế?
- Đây là bài văn tế của một tang gia ở Đồng Tháp. Hôm nay họ đến lấy để ngày mai đọc trước khi di quan người quá cố.
- Khách hàng của ông ngày càng đông, vậy trước đây ông có sử dụng hình thức quảng cáo nào không?
- Không. Số là thế này: lúc mới nghỉ hưu tôi đang không vui vì sự nhàn rỗi vô tích sự của mình thì có mấy người quen gần xa đến nhờ làm đối, liễn, văn tế, tất nhiên lúc ấy mình chỉ làm… chùa chứ đâu có nghĩ đến nhuận bút? Chẳng biết họ lan truyền thế nào mà sau đó lần lượt có nhiều người đến nhờ tôi công việc ấy.
Tôi vuốt vuốt hai bản phú và văn tế hỏi Chức:
- Phú và văn tế khác nhau thế nào, sao tôi thấy giống nhau vậy?
- À, về kỹ thuật của hai thể loại này rất giống nhau chỉ khác nhau về cách dùng ngôn từ cho mỗi đoạn mạch và nội dung. Văn tế phải mang nội dung buồn còn phú thì tùy theo từng sự kiện.
- Đoạn mạch là gì?
- Là sáu phần của bài phú hay văn tế xếp theo thứ tự: phá, lung, biện nguyên, tích thực, phu diễn và kết. Với văn tế, tên khởi cho mỗi đoạn mạch phải buồn, thương tiếc… như hỡi ôi, nhớ linh xưa, thương thay… Còn “khai thác” gì tôi nữa không?
Chỉ một tờ giấy khổ lớn đầy chữ chân phương nhưng viết thành hai cột dọc như cách in báo, tôi hỏi đó là gì, Chức trả lời:
- Đó là một bài bi văn tức văn bia của mộ phần người quá cố. Tôi trình bày như thế để thợ họ viết hay khắc trên mặt đá cho đúng cách.
- Ông viết theo thể gì?
- Biền ngẫu.
- Ông nói tôi mới nhớ. Năm kia tôi ra Huế, gặp dịp Ngày nhà giáo 20 tháng 11, tôi ghé thăm trường Khải Định nay là trường Quốc học nơi tôi học trung học ngày xưa, rồi tôi đến nghĩa trang thăm mộ mấy vị thầy kính yêu cũ. Tôi thấy văn bia của các thầy đều thể biền ngẫu, rất hay.
Tôi đứng lên bắt tay từ giã Chức.
- Đến đây mới rõ. Tôi rất mừng vì “tài mọn” của ông như ông nói nay đã và đang có cơ hội lên đời. Tôi cũng chúc xã hội ta ngày càng giàu hơn nữa để “phú quý sinh lễ nghĩa”, mà phải là lễ nghĩa thành tâm chứ không phải cậy giàu rồi bỏ tiền ra để khoa trương. Có vậy ông mới được nhờ chính đáng.
- Cảm ơn ông. Mà này, ông về làm ngay bài thơ Đường luật tặng tôi để tôi đặt tại một chỗ trang trọng cho các thân chủ của tôi xem.
- Tài năng của ông với thơ Đường luật thì nhằm nhò gì?
- Ậy, ông không hiểu ý tôi. Bài thơ ấy cần có chút chút khen tài mọn của tôi, chẳng lẽ tôi làm thơ khen tôi.
- Được rồi nhưng ông phải trả nhuận bút bằng cách đếm chữ ăn tiền đấy!
Hai lão hữu cùng cười vang.
TƯỜNG LINH