Ông lái già và cây cầu mới
Lễ hợp long khánh thành cầu mới bắc ngang sông được tổ chức vào buổi sáng. Cờ, biểu ngữ rực rỡ. Quan khách và người dân tập trung đông đúc một bên đầu cầu phía bờ nam là địa điểm hành lễ. Nhiều người cũng có mặt nơi phần đất phía bên kia chờ xong lễ là qua cầu. Mọi người đều tỏ vẻ rất vui mừng.
Giữa quang cảnh đông vui ấy, dưới sông phía bờ nam có ông già ngồi một mình trên chiếc đò gỗ cũ kỹ. Ông cắm sào neo chiếc đò hơi chếch xa đầu cầu để nhìn cho rõ phía bên trên.
Ông là chủ bến đò ngang này đã rất lâu năm. Có thể nói việc lái đò ngang là nghề “gia truyền” của ông từ thuở hai bên bờ sông này đã có cư dân, lập nên làng xã.
Chương trình lễ khánh thành cầu ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa. Các vị đại biểu và đại diện nhân dân địa phương phát biểu, ai cũng nói lên nỗi mừng lớn vì tại đây đã có cây cầu mới. Từ hôm nay điều ước mơ bao đời nay của địa phương đã thành hiện thực. Cây cầu nối đường nhánh mở rộng, một đầu giáp quốc lộ 1A sẽ giúp mấy xã nhiều lợi ích và chóng phát triển mọi mặt…
Ông chủ tịch tỉnh trịnh trọng đánh ba hồi trống chầu rồi cắt băng đỏ khai thông cầu. Mấy chùm bong bóng màu bay lên cao. Hàng trăm người từ hai bên đầu cầu hớn hở đi ngược nhau. Họ đặt những bước chân đầu tiên trên cây cầu mới.
Ông lái già vẫn ngồi trên chiếc đò neo sát bờ sông. Ông ngồi thinh lặng, chỉ đưa mắt nhìn mãi cây cầu mới, rồi nhìn về hai bến đò ngang quen thuộc với cả đời ông.
Mấy nam thanh niên địa phương đi bộ qua cầu. Họ dừng lại vịn lan can cầu nhìn xuống sông. Thấy ông lái già, một người hỏi lớn:
- Hết đưa đò rồi, ông có buồn không?
Ông lái đưa cao một tay chứng tỏ đã nghe nhưng không trả lời. Thật lòng ông không buồn. Đã đến tuổi gần đất xa trời, ông đâu cạn nghĩ để đi ngược dòng chảy tâm thức chính đáng của cả một cộng đồng đang hết sức mừng vui, toại ý. Một lẽ thực tế nữa là ông đã già yếu rồi, không thể tiếp tục cái nghề vất vả, dầm mưa dãi nắng nữa. Nếu ai đó cho việc lái đò là một cái nghiệp của số phận thì lúc này đây cây cầu mới đã giải thoát ông khỏi cái nghiệp ấy.
Nhìn cầu rồi nhìn sông, trong lòng ông chợt trào lên nỗi nhớ. Quãng sông ngắn nhưng nhiều quãng đời ông tại đây ghép lại thì khá dài. Từng thước phim ký ức của đời ông quay ngược thời gian trên tấm màn hình bao la là cả vùng sông nước bãi bờ trước mặt ông.
Từ xưa, chỗ ông đang neo đò là một xóm của những người ở ghe, không có nhà. Gia đình ông mấy đời ở tại đây gắn với chiếc đò. Trong vùng gọi nơi này là xóm Vạn. Ông nhớ xóm có trên mười hộ, mỗi hộ có một chiếc ghe mui, mọi người sống trong chiếc ghe ấy, hết sức chật chội. Người xóm Vạn mưu sinh bằng các thứ nghề trên cái nền lênh đênh nổi chìm của sông nước. Người thì nhận chở thuê, kẻ chài lưới, vài gia đình ngày ngày chèo ghe đi mua các thứ nông sản ở mấy chợ làng trên đem về bán lại tại chợ làng.
Gia đình ông lái vẫn không rời chiếc đò ngang. Tiền công khách trả cho một chuyến đò ngang chẳng đáng bao nhiêu, đã thế mà còn lắm khách quen năn nỉ, cười trừ. Thu nhập của cha rồi đến đời ông vẫn thế.
Nghề nào của người xóm Vạn cũng đầu tắt mặt tối, ăn bữa sáng lo bữa chiều, chẳng ai khá hơn ai. Vì chung cảnh sống, cảnh nghèo nên mọi người ở đây rất thương nhau, tận tình với nhau những khi ốm đau, hoạn nạn, tối lửa tắt đèn.
Tuy nghèo khổ nhưng người xóm Vạn lại giàu kỷ niệm và khó quên những việc đáng làm, đáng nhớ.
Thời chín năm kháng Pháp, ông lái chưa phải chủ đò vì cha ông còn đang làm việc này. Lúc lên mười lăm tuổi thỉnh thoảng ông mới phụ với cha giữ phần chèo mũi những khi đò phải chở nặng hoặc sang sông mùa nước lớn chảy mạnh.
Sau Tổng khởi nghĩa Bốn lăm thành công, làng của ông nhập với mấy làng cũ thành xã lớn. Xã nào cũng có ủy ban hồi ấy có tên là Ủy ban Kháng chiến Hành chánh.
Xã có xóm Vạn chỉ cách tiền đồn giặc Pháp độ năm cây số đường chim bay. Từ đây trở lên là vùng tự do rộng lớn của ta. Tuy cách nhau không xa mấy nhưng nhờ phía cuối làng có một đường truông lượn theo ven sông, hai bên sông đều là dãy núi dựng đứng, địa thế rất hiểm trở. Nhiều lần địch tấn công lên làng đều bị du kích của ta chận đánh ngay từ đầu truông, chúng phải rút lui. Giặc sợ nhất là bị du kích ta xeo đá từ trên núi cao lăn xuống ầm ầm. Giặc sợ “chiến thuật thủ công” này còn hơn sợ súng, lựu đạn.
Không tiến lên được cửa địa đầu vùng tự do của ta, giặc Pháp thường dùng máy bay ném bom, bắn phá các làng bên sông. Chúng nhắm nhiều vào các chợ và những xóm vạn ghe. Chính quyền các xã của ta chủ trương họp chợ ban đêm, cắt đất cho gia đình các xóm vạn dựng nhà, những ghe còn lại tản ra xa nhau và đều có cành lá ngụy trang. Đò ngang chỉ được đưa khách vào sáng sớm và chiều tối để tránh máy bay giặc.
Ông lái nhớ mấy lần được phụ với cha cùng tất cả chủ ghe xóm Vạn chở bộ đội ta xuôi sông tấn công đồn giặc. Đoàn ghe đi trong đêm tối. Ông còn nhớ như in cái đêm sau Tết năm Canh Dần 1950, đoàn ghe xóm Vạn cùng nhiều ghe miệt trên chở bộ đội tập kích diệt gọn một tiền đồn giặc. Ông chạy theo bộ đội vào đồn thu chiến lợi phẩm. Chiếc đò của cha con ông chở nhiều súng đạn thu được về vùng ta. Suốt đời, mỗi lần nhớ trận đánh ấy, ông thấy như mình trẻ lại, hâm nóng niềm tự hào của người dân kháng chiến. Rồi cha ông từ trần. Chàng trai mười sáu tuổi phải thay cha lái đò ngang. Cái nghề còn bỏ được chứ cái nghiệp thì khó dứt.
Có đất dựng nhà, người xóm Vạn lần lượt tạo công ăn việc làm trên đất liền như trồng rau, nuôi heo gà, buôn bán nhỏ, trẻ con được đi học. Họ bán một số ghe và bỏ luôn số ghe đã quá cũ.
Xóm Vạn chỉ còn lại mỗi chiếc đò ngang.
Ông lài già vẫn ngồi trên chiếc đò cũ để ngắm mãi cây cầu mới vững chãi, đầy sức sống.
Lại có mấy ông quen đi bộ vịn lan can cầu lớn tiếng hỏi ông:
-Hết đưa đò, có buồn không?
Lần này ông trả lời:
-Vui chứ sao lại buồn?
-Nói thật chứ?
-Tôi chưa bao giờ nói dối.
Chưa lúc nào ký ức ông tràn về nhiều như lúc này. Nó như sóng trên sông, lớp sau đùn lớp trước, khiến ông tiếp tục nhớ. Chuyện buồn, chuyện vui lẫn lộn. Chẳng hạn ông nhớ tên từng người thân thương ở xóm Vạn đã quá cố, nhớ từng đứa trẻ đã sinh ra. Có hai thầy giáo ở cùng xã với ông dạy trường bên kia sông ngày ngày qua lại trên đò ông. Hồi mới nhận việc, hai thầy còn rất trẻ, độc thân, nay họ đã nghỉ hưu. Ông nhớ bao lần đò ông vui vẻ chở đoàn người đưa dâu, rước dâu từ xã bên này sang bên kia hoặc ngược lại. Rồi mười tám, hai mươi năm sau, ông lại làm y chang công việc ấy cho con của những cặp vợ chồng son ngày trước. Ông không thể nào quên một thời nghèo khó chung khiến những nồi cơm ở quê ông không có cơm. Thời ấy, người ở đây cười ra nước mắt gọi nồi cơm là “nồi tam cốc” vì chỉ có ba thứ: bo bo, bắp, sắn. Mừng thay, hoàn cảnh tệ hại ấy đã vĩnh viễn không còn lý do nào để tái diễn…
Quá trưa rồi, bầu trời xóm Vạn cũ mênh mông nắng sáng. Đã có những chiếc ô tô qua lại trên cây cầu vừa khánh thành.
Ông lái già đứng lên nhổ cây sào và đẩy chiếc đò khỏi chỗ đậu. Bóng cây cầu mới trải một dải mát ngang mặt sông. Ông chèo đò qua bến cũ bên kia. Ông và chiếc đò “đi” trên dải bóng mát của cây cầu mới.
Lần duy nhất qua mấy chục năm và cũng là lần cuối cùng chiếc đò sang sông không chở khách.
TƯỜNG LINH