Chồng xa
Chỉ mình Trâm đưa bé Nu về nhà ngoại. Năm năm lấy chồng xa, đây là một ngoại lệ hiếm có. Những lần trước, lần nào về cũng phải có chồng hộ tống. Dường như điều đó đã ngấm ngầm trở thành một nguyên tắc bất di bất dịch, cứ như sợ sểnh ra là mỗi người một nơi, là kẽ hở cho điều tiếng xóm giềng vậy.
Riêng lần này Trâm dẫn con về mà không thiết, không nghĩ ngợi gì. Con bé Nu vừa về, nghe tiếng bà Ngà hàng xóm gọi bà ngoại ngoài cổng, chắc lại rủ đi chợ. Con bé ra dấu xin ngoại, chạy ù ra đón. Con bé tíu tít: “Con theo bà Ngà đi chùa lấy lá me non, bà ngoại nấu canh cá ngần”. “Thầy Dĩnh độ này thế nào mẹ?”, Trâm chen vào tiếng huyên thiên của con bé, không để ý câu trả lời của mẹ, cảm thấy như một đôi tay dịu dàng xô mình ngã vào một vùng ký ức êm đềm.
*
* *
Ngày mới về chùa, trông Dĩnh vừa gầy và đen lem nhem như vừa chui ra từ mỏ than. Mẹ Trâm bảo nghe kể rằng mẹ bỏ đi, cha con Dĩnh lang thang, đói rách. Người cha trước lúc lìa đời vì căn bệnh mắc do nghiện ngập, may gặp sư thầy Ngợi trên đường lần đi thăm chùa bạn đã cậy nhờ thầy cưu mang đứa con tội nghiệp.
Chùa làng, lúc đầu Trâm vào hùa với nhóm bạn, cứ rình vào chùa chơi để trêu chú tiểu trọc đầu hay hay. Về sau mẹ nhận cấy rau muống bên ao chùa, thỉnh thoảng quét đốt lá khô trong vườn chùa lấy cái đun. Mẹ phàn nàn ở trường học sinh nghịch ngợm, ở nhà cô con gái lại ươn người quá, thế là chiều chiều Trâm nghêu ngao cây chổi đi hái rau, nhặt cỏ; chú tiểu cun cút làm lụng việc mình, rồi lại lặng lẽ làm giúp cả phần cô bé ham chơi. Rồi không biết từ bao giờ hai đứa cùng làm, cùng chơi. Dĩnh không đến trường mà tự học, thỉnh thoảng sư thầy chỉ thêm hoặc bài nào khó quá hỏi mẹ Trâm, vậy mà cực sáng dạ. Cậu dịu dàng gấp mẹ nhiều lần nhưng cũng xa cách gấp chừng ấy lần. Với Trâm là người bạn hơn kém nhau một tuổi, hàng ngày chuyện trò mà cậu cũng khép nép, thấy người ta sai không bao giờ dám cả phân vân, to tiếng. Trâm thì đành hanh, ghê gớm là thế, có lần còn túm tóc đánh nhau với đứa bạn gái hàng xóm chỉ vì nó bắt chước ai đó dám bảo bố Trâm là kẻ đàng điếm, chơi bời, khiếp sợ tính đoan trang đến mức riết róng của mẹ mà phải rời nhà ra đi. Thua cuộc vì đứa gái kia cao lớn và khỏe hơn, tóc tai xõa xượi, Trâm lếch thếch về chùa làng, ngồi dưới chân Phật Bà Quan Âm, vò nát mấy bông mào gà, vạn thọ, mắt ráo hoảnh. Dĩnh nhặt đôi dép Trâm tuột ngoài cổng, mon men lại ngồi bên cạnh, bối rối xỏ vào chân cho bạn, cô bé lì lợm mới hạ cố rơm rớm chút nước mắt gọi là. Trâm vô tư đón nhận sự dịu dàng ấy của Dĩnh cho tới khi vào đại học. Rồi cứ thế giảng đường, bè bạn, yêu đương cuốn Trâm đi, xa tít ngôi chùa trong làng, nơi cậu bé đen nhẻm ngày nào đã trở thành một chàng trai rắn rỏi như một đấng trượng nghĩa trong dã sử nhưng nết nhịn nhường, siêng năng, chịu khó vẫn như ngày nào.
*
* *
Nắng lưa thưa, Trâm đội nón lủi thủi bước ra cổng, vẫn nghe tiếng mẹ vừa vỗ cho con Nu ngủ vừa than mẻ lá sen khô từ mùa trước, nước pha đắng quá. Sân chùa vắng tạnh, Trâm mủi lòng khi đứng sau lưng vãi Mai đang lom khom gom lá khô, người đàn bà đơn chiếc thường ngày vẫn lên chùa giúp việc lặt vặt mấy năm nay. Xấp xỉ lục tuần mà tóc vãi Mai vẫn xanh tràn, lưng thẳng, dáng người vẫn thắt đáy lưng ong, đi đứng nhanh nhẹn và giọng nói, cứ trong trẻo như rót ngọc: “Mấy hôm nay sư cụ có công việc phải đi xa, thầy Dĩnh thì đang sắp xếp sách vở trong thư phòng. Cô Trâm lên thắp hương bàn thờ Tổ đi, xong xuống đây giúp tôi gói chè”.
Trâm bái vọng đức Phật từ xa, rồi chân lần ra hông chùa, quỳ ngó lên tượng Quan Âm. Những chán chường, bạc bẽo chốc vụn vỡ dịu dàng thành những bụi sương rơi trở lại tưới tắm cho thôi cơn ngạt quánh đặc quanh châu thân mấy ngàn ngày qua.
Tiếng cười giòn kéo Trâm vào gian sửa lễ. Trèo lên cả thành ghế gỗ không thèm biết tới những chạm khắc công phu, một tay kẹp chặt cổ thầy Dĩnh, năm đầu ngón tay kia con bé xoa nhè nhẹ lên cái đầu nhẵn thín của thầy, miệng cười ré lên thích thú. Vãi Mai và thầy Dĩnh không chút phật lòng vì hành động vô tư của con trẻ, vẫn chậm rãi bao lá chè, sen khô vào những gói giấy biếu khách thăm chùa. Tâm đang tĩnh và thơ thới ánh quang minh, tim Trâm thắt lại khi mắt chạm hai gương mặt lớn bé trông nghiêng như hai giọt nước. “Nu hư quá, không phiền thầy nữa, lại đây với mẹ!”.
Con bé không biết sợ là gì, còn chun mũi lại: “Ứ, chơi với cậu Dĩnh thích hơn”. Thầy Dĩnh nở nụ cười hiền từ, gật đầu chào Trâm: “Con bé giống hệt cô Trâm ngày bé. Vãi không biết đâu nhỉ, vì hồi ấy vãi đã về ngụ ở đây đâu. Ngày ấy bà giáo nhà cô Trâm đây nhận cấy muống với thái lá sen cho chùa. Tôi với cô Trâm thường mang bài ra học dưới bóng tượng Quan Âm. Ngày nhỏ thiếu thốn mà êm đềm lắm. Mấy năm nay chắc bà giáo yếu nhiều, ít đến giúp việc chùa. Mà lâu lắm cô Trâm cũng ít thăm nhà, cảnh già đơn chiếc nghĩ cũng tội”. Vãi Mai với chiếc ấm rót cho Trâm cốc nước lá sen: “Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp bà giáo ra chợ, con người thanh cảnh, nhẹ nhàng lắm. Ngày rằm mùng một vẫn đều đặn gửi bà Ngà lễ dâng Tổ, sư cụ với thầy Dĩnh vẫn gửi lộc chùa về luôn luôn”. Nghe thế, Trâm chạnh lòng thương. Mẹ vẫn nhúc nhắc đi lại được, hà cớ gì mà sao nhãng lễ chùa, huống hồ mẹ đã tận tâm trí tưởng tới đức Phật ngay từ khi còn là cô giáo trường làng, cả quãng đời lận đận.
Gặp lại Dĩnh, Trâm thấy mừng rồi, câu chuyện cần thỉnh ý cho nguôi lòng đành gác lại. Chiều hôm ấy Trâm vạch rào sang nhà bà Ngà. Vốn hay chuyện, chưa để Trâm kịp hỏi han, người bạn đồng nghiệp một thời của mẹ Trâm đã nhanh mồm nhanh miệng: “Không biết có phải lý do này mà mấy năm nay mẹ cháu ít lai vãng chùa làng. Người ta đồn thầy Dĩnh là con trai ruột của bà Mai đấy. Sư cụ đã yếu lắm, chuyến này nghe đâu được mấy ông to đưa đi tìm thầy tìm thuốc chữa bệnh nan y. Trước sau thì thầy Dĩnh cũng lên trụ trì. Thế ra cái con mẹ đổ đốn ruồng rẫy chồng con khi xưa giờ lại sướng. Tiếng là vãi mà mai đây một tay cai quản chùa. Cháu nghĩ xem nếu như người ta đồn thì có phải chùa sẽ mất thiêng không?”. “Thế còn người đàn ông ấy bây giờ thế nào hả dì?”, Trâm hỏi. Bà Ngà chỉ lắc đầu: “Nào ai biết. Gửi con cho sư cụ, có lẽ bắn tin cho vợ, rồi đi đâu mất tăm tích”.
Tàn giấc trưa, nắng nhạt thếch mà không buồn mở mắt, Trâm quờ tay tìm con. “Chẳng cần ai đón ai đưa, nó lại sang chùa chơi rồi”, mẹ đang tước ngọn bí ngoài hiên nói vọng vào. Trâm ra ôm vai mẹ, “Mẹ ơi, bà Mai là mẹ đẻ ra thầy Dĩnh à, chuyện người ta đồn có thật không?”. Mẹ khẽ lắc đầu: “Con lại nghe bà Ngà nói linh tinh phải không? Gần chùa phải biết giữ mồm, nói điều gì báng bổ không phải thì có tội con ạ... nhưng mà kể ra cũng có phúc đức, thầy Dĩnh càng trưởng thành càng thông tuệ. Đúng là đời không cho không, không lấy tất của ai một thứ gì”. Nói rồi mẹ cắp nón lững thững bảo đi mua mớ cá chài đã dặn trước người ta.
*
* *
Không rõ đã bao lâu mẹ không còn khóa chiếc rương ấy. Có lẽ là từ ngày mòn mỏi đợi chờ rồi biết Trâm sẽ thưa về. Trong bức ảnh chụp chung với bố, soi ra ánh nắng chiều có dòng chữ kỷ niệm ngày cưới, mẹ không khác xưa là mấy, chỉ nụ cười là đã tắt mãi, tắt hẳn.
Bước chân không bén đất, bà Mai bế bé Nu đã ngủ say bước vào nhà tự lúc nào, Trâm giật mình đánh rơi bức ảnh như một kẻ trộm bị bắt quả tang, rồi vô thức lật đật đón con bé vào lòng, quên cả cảm ơn bà vãi tốt bụng. Lúc quay ra, thấy người đàn bà một thời hương sắc ngồi ghé trên bậc cửa, mắt ngó trân trân bức ảnh mình vừa đánh rơi, mặt tái dại đi: “Có thật người trong ảnh này là chồng bà giáo không?”.
*
* *
Mẹ lại đùm đề những thức bắt Trâm mang đi. Mẹ ho nhiều, Trâm khăng khăng không cho bà quá bộ tiễn ra bến phà. Qua chùa, con Nu đòi dữ quá, Trâm buộc phải đưa con vào chào thầy Dĩnh. Thầy cho mẹ con Trâm một bọc lá sen khô, hai chuỗi vòng tràng “Vãi Mai gửi cho mẹ con cô Trâm đó, nhắn chúc mẹ con thượng lộ bình an. Vừa sáng nay, vãi cũng lên chuyến tàu vào Nam rồi. Biết đâu một ngày, duyên kỳ ngộ lại gặp được nhau. Cô Trâm gắng giữ gìn, còn Nu nữa, năng về thăm cậu, thăm chùa”.
Trâm ôm con kéo vali như chạy. Ra giữa dòng, ngoái lại vẫn thấy thầy Dĩnh đứng trông theo…
MỘC ANH