Con ruột
Nội ốm. Bà cuộn tròn trong chiếc mền mỏng dù tôi đã đổ thêm than vào chiếc nồi dưới giường. Tôi hốt hoảng lục trong chiếc tráp cũ để cố tìm một thứ gì đó quý giá. Chẳng có gì ngoài chiếc cối giã trầu bằng đồng mà bà cố để lại cho nội, đôi hài màu xanh lục lúc nhỏ của tôi và mười mấy đồng tiền lẻ.
- Cái này thì được bao nhiêu? Không đủ gửi xe ấy chứ.
Tôi gắt gỏng ôm tráp đồ ném vào tủ. Hai bàn tay cứ vò lấy mặt mày, tóc tai đến bức bối. Túng quẫn. Nhà chẳng còn gì cả.
Tiếng rên hừ hừ của nội làm tôi rối cả lên. Chạy nhanh về phía cửa sổ, tôi đưa tay ngoắc ngoắc thằng bé đang ngồi vá xe đạp.
- Tý!
Thằng Tý nhìn dáo dác rồi mỉm cười khi thấy tôi.
- Gì ạ?
- Ba mày đâu?
- Ổng đi nhậu bên nhà bà Chín.
- Qua ngó chừng nội giùm tao. Có gì mày chạy qua gọi cô Ba bánh đúc. Tao đi có việc tí.
- Dạ.
Thằng Tý nhanh nhẹn nhảy qua chiếc xe đang nằm dở dưới đất, kéo chiếc cổng sắt lại và leo qua khung cửa. Nhà tôi và nhà nó san sát nhau nhưng nếu đi đường ngõ thì chắc cũng năm phút mới đến nên mỗi khi có gì gấp gáp là tụi tôi cứ phóng qua phóng lại cửa sổ cho lẹ.
Tôi dắt chiếc xe ra khỏi cổng rồi ì ạch đạp. Chiếc mũ bèo cứ sụp xuống mặt khiến tôi chẳng thấy đường. Vứt luôn vào giỏ xe, tôi đội cái nắng hanh hanh đầu mùa khó chịu tiến đến ngôi biệt thự sang trọng đường Nguyễn Hoàng. Sau mấy vòng xe qua lại xem xét, tôi mới thả một chân xuống đất lò dò tìm chuông để bấm. Vừa mới giơ tay lên, tôi nghe tiếng xe rồ ga và chiếc cổng sắt mở ra.
- Ủa? Lê, vào nhà chơi đi con. Ba đưa em Sara đi học rồi ba về.
Người đàn ông mở cửa kính, đưa tay ra xoa đầu tôi rồi nhìn đồng hồ tặc lưỡi và rồ máy chạy ra đường. Tôi thoáng thấy tự ái vì cái bĩu môi của con bé trạc tám chín tuổi mang cái tên tây tây ấy dành cho tôi. Chưa kịp dắt xe vào, cánh cửa tự động khép lại làm tôi cảm giác như mình đang lạc vào một thế giới ma thuật. Quay xe đạp ra, nhớ đến cơn sốt run rẩy của nội, tôi đánh liều trở lại bấm chuông.
- Ai đấy?
Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Sau ót lạnh toát. Tôi dòm sát vào trong cổng tìm kiếm nơi phát ra âm thanh.
- Xin hỏi ai vậy ạ?
- Ơ? Sao cái chuông này có tiếng động vậy nhỉ? Tôi đưa tay sờ sau gáy lẩm bẩm.
Chợt nhớ đến những chiếc chuông có camera trong các bộ phim Hàn, tôi thấy ngượng ngượng. Người ta hiện đại đến mức này chứ đâu như nhà mình trồng nguyên hàng chè tàu làm cổng.
- Tôi tìm cô Thêu!
Tôi ghé miệng nói thật to vào trong cái ô hình chữ nhật đặt trên cổng. Bà ta dặn rồi, lúc đến nhà mà xin gặp cô Julina Trần là người ta không cho vào.
Cánh cổng sắt mở ra, tôi bước trên những tảng đá hình vuông khắp mặt đất. Xen lẫn giữa chúng là đám cỏ được cắt tỉa gọn gàng. Những đồ vật sang trọng trong ngôi biệt thự làm tôi hoa cả mắt. Tôi từ từ ngồi xuống chiếc ghế sô-pha màu trắng hít thở đều.
- Bao giờ con dọn qua đây?
Tôi giật thót người nhìn lên cầu thang. Người mẫu Julina Trần trong khuôn mặt mộc nhìn vẫn rất xinh đẹp. Giá đó không phải là mẹ thì tôi đã ào chạy đến mà xin chữ ký. Bỗng nhận thức được lý do mình đến đây là gì, gương mặt tôi xịu xuống.
- Nội tôi đang ốm. Ốm rất nặng. Có thể sẽ chết. Giọng của tôi càng lúc càng to và bạo dạn hơn.
- Vậy con đến đây làm gì? Sao không đưa nội đi bệnh viện. Gương mặt người phụ nữ chẳng biểu lộ cảm xúc gì giống như ma-nơ-canh.
- Tôi…
Tôi chỉ thốt lên được một tiếng rồi im bặt. Hai ngón tay cứ bấu nhau.
- Được rồi. Con đợi ta một lát. Người phụ nữ thượng lưu chỉ đi bằng nửa bàn chân trước, nhẹ nhàng bước lên cầu thang.
Còn lại một mình, tôi bạo dạn bước lên những bậc sang trọng ấy để xem trên cao nhìn xuống như thế nào? Choáng ngợp vì chiếc ti vi phẳng lì gắn trên bức tường ngoài sảnh tầng hai, tôi ghé mắt dòm sát, thổi nhẹ và lau lau bề mặt loáng bóng của nó.
- Ngoan nào Sơ-ri!
Nghe đến đây tôi phì cười. Nhà gì tên toàn tiếng Tây tiếng Tàu. Giả dụ, tôi đến đây sống thì tên tôi có bị đổi sang Sa-lê hay Lê-ri gì không ta? Gật gật đầu mỉm cười rồi tôi lại ghé tai vào sát tường.
- Mẹ đưa tiền cho chị ta à?
- Ừ. Coi như mẹ trả ơn bà hộ lý ấy đã nhận nuôi nó lúc mẹ bỏ đi và giữ kín chuyện này cho đến hôm nay. Lúc đó, báo chí mà biết chuyện chắc ba mẹ chẳng còn sự nghiệp.
- Sao mẹ cứ phải bảo chị ta về đây làm gì? Con không thích.
- Dù gì thì nó cũng là chị ruột con.
- Không cần. Rồi chị ta giành mất mẹ.
- Ngốc ạ! Dù sao thì con cũng danh chính ngôn thuận mà gọi ta bằng mẹ ruột. Còn nó có về nữa thì cũng chỉ là với tư cách con nuôi. Như vậy mẹ mày lại được tiếng làm việc thiện nữa. Nhỡ lộ chuyện này ra thì rắc rối lắm. Mày trẻ con, biết gì việc người lớn mà xét nét.
Tôi lững thững xuống cầu thang cho đến khi không còn nghe tiếng con bé đó khóc nữa. Danh tiếng có sức mạnh đến thế kia à? Hừm! Ai chẳng có mẹ? Mẹ nào chẳng thương con? Thế nhưng sao mẹ tôi chỉ thương hai đứa em mà chẳng san sẻ tôi chút tình cảm nào? Tưởng bà đưa tôi về là vì ân hận, vì đau lòng khi thấy tôi sống bon chen với đời một cách khổ cực nên muốn bù đắp. Ai dè…
- Con cầm lấy số tiền này lo cho nội. Mai mốt ta qua đón con về.
- Chị có số hưởng đấy! Con bé trạc mười sáu mười bảy tuổi với mái tóc xoăn màu vàng nhìn tôi qua chiếc mắt kính đen không tròng.
- Sơ-ri! Con lên nhà đi. Người phụ nữ đẩy đứa con gái. Nó vừa vùng vằng bước lên cầu thang vừa liếc tôi như muốn nuốt sống.
- Bà cầm số tiền này mà đi chỗ khác làm từ thiện.
Tôi hất những ngón tay được sơn móng đỏ trơn tuột ấy sang một bên khiến tiền rơi xuống sàn nhà. Sẵn chân, tôi đá chiếc phong bì một cách khinh bỉ rồi chạy thật nhanh ra cổng. Sực nhớ, trên cổ còn một thứ khá giá trị, tôi nắm chặt sợi dây và miếng ngọc nhỏ giật mạnh xuống đi vào tiệm nữ trang.
Mở mắt ra, trời xế chiều. Nội tôi đã khỏe hẳn nhờ mấy gói thuốc bắc. Bà đã ngồi dậy quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Tôi rửa mặt và kéo cổ áo cao lên để nội không phát hiện ra sợi dây chuyền biến mất.
- Lê, tiền đâu mày mua thuốc?
- Dạ? Tôi giật mình.
- Mày bán sợi dây chuyền rồi còn gì?
Nội nhìn sang hướng khác nhưng tôi vẫn nhận ra màng nước rơm rớm trong đôi mắt đùng đục.
- Mày đừng tưởng đó là của mẹ mày cho. Tao dành dụm mãi mới mua được để mày khỏi đau khỏi ốm. Mới đó đã mười tám năm rồi.
Tôi chẳng nói gì mà lúi húi dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng. Trên đường đến tiệm bạc xin bà chủ khất vài hôm, tôi đảo mắt tìm chỗ tuyển nhân viên. Lúc phố sáng ngập trong ánh đèn điện, tôi trở về nhà người ướt sũng nước mưa.
Đêm nay, trời trở lạnh. Từng đợt gió lùa vào những tàu lá chuối nghe xào xạc trên mái tôn. Tiếng dế ri rỉ xung quanh bốn bức vách cũ kỹ càng làm cho không gian trở nên não nề hơn. Tôi giật mình tỉnh giấc đắp thêm chăn cho nội rồi cố nhắm chặt mắt để chìm vào giấc ngủ dở dang.
- Bao giờ mày về bên đó. Nội tôi thì thầm.
- Con không sống được với họ đâu!
- Tao cũng muốn mày ở đây nhưng lại mong mày được sung sướng.
- Trước sao giờ vậy, nội à! Con không muốn kiểu giàu sang đó.
- Tao thấy ba mẹ mày có vẻ thương mày lắm con ạ!
-…
- Lê à?
-…
- Con bé này mới đây đã ngủ ngon thế rồi. Nội tôi thở dài, tiếng thở nhỏ dần nhỏ dần và cứ đều đều như thế.
Tôi mở mắt nhìn khoảng tối trước mặt. Chẳng có gì ngoài một màu đen đúa đến rợn người. Cũng chẳng thấm gì so với màu ánh mắt của những con người trong ngôi biệt thự đó. Nước mắt giàn giụa, tôi khẽ rùng mình. Nội trở người ôm lấy tôi vỗ về. Tôi bật cười chà nhẹ giọt nước mắt trong hơi thở nóng ran. Phải ngủ thôi. Mai còn thức sớm đến tiệm mỳ rửa chén lấy tiền chuộc sợi dây bạc về cho nội. Đó mới là cuộc sống dành cho tôi.
NGUYỄN THỊ MINH NGỌC