Những đôi mắt tháng Tư
Gió tháng tư khô rát dịu dần, hơi sương lành lạnh lan khắp khu vườn mận. Chỉ toàn là mận. Trong không gian tịch mịch của buổi chiều tà, Lan nghe như có tiếng ai chuyện trò, cười cợt, tiếng lào xào đi trên lá mận của những bước chân người. Đôi mắt. Phải rồi. Đôi mắt của ai đang đăm đăm nhìn về phía cô trong khoảng không gian nửa tối, nửa sáng.
- Cô làm nhà báo “bi nhiêu” năm rồi? Tiếng chú Thái bảo vệ hỏi khẽ.
- Dạ. Hè này nữa là được sáu năm. Khu di tích Vườn Mận này đẹp ghê. Mà sao người ta không trồng thứ khác kiếm được nhiều tiền hơn hả chú?
- Cô nói ngộ. Tiền ai hổng ham. Nhưng bà con ở đây sống với cây mận, khổ vì nó, sướng cũng nó. Đất đai ông bà để lại, dặn sao tụi tui làm vậy, với lại... Nói đến đó giọng chú chùng xuống thật buồn. Đôi mắt già nua đánh sượt cái nhìn vào khoảng tối của khu vườn kèm theo những tiếng thở dài.
- Với lại sao chú? Lan hỏi dồn.
- Với lại mỗi gốc mận ở đây có biết bao nhiêu xương máu của bà con, của du kích, bộ đội đàng mình, ai nỡ phá nó đi. Làm vậy có tội với người chết lắm cô. Khoan. Để tui đốt mấy cây nhang cho anh Bi cái đã. Ông này linh thiêng lắm. Sống thì hiền như cục đất, ai nói gì ổng cũng cười hề hề. Làm “bí thơ” ai cũng nể. Ca vọng cổ thì nhứt xứ, chả mà đề ba vô vọng cổ một lần cả trăm chữ hổng nghỉ xả hơi. Ngán nhứt cái chuyện gan lì của ổng. Hô đánh là mần liền.
Ký ức hơn bốn mươi năm trước mồn một ùa về. Một đêm mưa gió tơi bời, giặc bí mật đổ quân bố ráp khu căn cứ vườn mận, cố tiêu diệt những cán bộ cao cấp của trung ương, tỉnh ủy tập kết về đây chỉ đạo mặt trận phía Nam. Đang loay hoay trong vườn tìm cá đồng để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chị Hai Phỉ phát hiện những bóng đen Mỹ ngụy áp sát căn cứ. Làm sao để báo cho cán bộ ta biết và rút lui an toàn? Không còn kịp nữa rồi! Nhanh như cắt, chị chạy băng ra con đê phía ngoài vườn để thu hút sự chú ý của địch. Những tiếng súng nổ chát chúa vang trong đêm mưa. Chị té xuống vì trúng đạn rồi lại gượng đứng lên cố chạy. Súng lại nổ hàng loạt vào người phụ nữ nhỏ nhoi ấy, tạo nên những tia máu phun dọc bờ đê. Chị hy sinh. Và những tiếng súng ấy đã giúp quân ta rút lui an toàn.
Bọn giặc ngăn cản không cho ai mang xác chị Hai Phỉ về nhà. Chúng muốn người dân xứ này lấy đó mà làm gương. Đại úy Mừng – chỉ huy thám báo gằn giọng:
- Mấy người thấy đó mà tởn tới già. Theo Việt cộng thì làm mồi cho dơi quạ. Hừ. Nói xong nó cười khoái trá rồi rút súng ngắn bắn lên trời mấy phát thị uy.
Bà con vườn mận kéo nhau ra miệt Bình Thủy đấu tranh với địch mấy ngày mới đem được xác chị về nhà. Chúng đồng ý nhưng cắt cử lính nằm bố ráp xung quanh nhà chị đề phòng Việt cộng tìm về. Rất lạ. Tuy thân thể nát bươm bởi hàng chục viên đạn bắn vào người, nhưng đôi mắt chị vẫn mở trừng trừng như đang dồn nén nỗi căm hờn vào quân giặc.
Nửa đêm. Mưa gió đầy trời. Lạnh thấu xương. Một bóng đen ngoi lên từ con rạch sau nhà đầy sình đất, đầu đội mớ lục bình nước chảy ròng ròng nhẹ nhàng bước vào phía sau bếp rồi tiến đến bàn thờ. Đang ngồi bên chiếc hòm gòn đốt mấy tờ giấy vàng bạc. Thấy bóng đen, chị ba Mén hồn bay phách lạc, miệng ú ớ:
- Ai... ai... vậy? Làm cái gì mà... tui...
- Chị ba đừng la. Tụi lính gác nó hay thì chết cả đám. Tui là thằng Bi nè.
- Trời đất. Bộ mày khùng rồi hả Bi? Nguy hiểm như vầy mà mày bò dìa làm chi. Anh em trong đó khỏe hôn? Còn đủ hết hôn?
- Còn đủ. Tui thương chị Hai Phỉ quá nên bò dìa đốt cho chỉ mấy cây nhang. Hổng có chỉ, tụi tui toi mạng hết ráo rồi. Nói đến đó anh bật khóc.
- Trời. Tao lạy mày Bi ơi. Tụi nó nghe được là nguy. Thôi nhang nè. Đốt lẹ rồi đi liền đi. Ờ, để tao gửi vô trỏng mấy đòn bánh tét với mấy bánh thuốc giồng.
Mấy cây nhang đốt lên vội vã. Đôi mắt chị Hai Phỉ trong khung ảnh cũ mèm vẫn mở trừng trừng, đau đáu nhìn anh. Gạt nước mắt, anh biến đi trong đêm sấm chớp sáng lòa kèm những tiếng nổ đì đùng, trong tiếng lá mận rơi ào ào bởi gió, bởi mưa.
Trong căn hầm đất đầy bao cát, tiếng anh Bi – bí thư chi bộ sang sảng:
- Lần này gay go lắm đây. Địch nhiều, ta ít. Nhưng chúng ta quyết giữ cho bằng được khu căn cứ này để chuẩn bị giải phóng miền Nam. Thời cơ đã đến gần. Dù có hy sinh nhất định không bỏ căn cứ. Các đồng chí rõ chưa?
- Rõ. Hàng chục tiếng hô dõng dạc đồng loạt cất lên.
Súng nổ vang. Máy bay trực thăng của địch bắt đầu quần thảo kèm hàng loạt đạn đại liên xối xả bắn xuống. Hỏa châu sáng lòe trên khu vườn rộng thênh thang. Từng toán lính bắt đầu tràn vào. Những quả mìn gài sẵn nổ tung. Tiếng súng đáp trả ngày càng tăng lên rồi thưa dần.
- Tụi bây rút đi theo hướng cầu Cái Sơn. Mình tao ở lại nhử địch. Cùng lắm tao đi theo chị Hai Phỉ cho có chị có em. Đạn sắp hết rồi. Đi lẹ lên. Tiếng anh Bi quát lớn.
- Nhưng... nhưng...
- Tao là chỉ huy. Tụi bây phải nghe không được cãi.
Khi đồng đội đã rút đi. Anh xông lên ném những trái lựu đạn cuối cùng rồi phóng nhanh xuống con rạch. Thấy vậy, bọn chúng liên tục ném lựu đạn theo, tạo những tiếng nổ long trời. Những cột nước vụt lên trắng xóa. Anh ngất đi vì sức ép và bị chúng bắt.
Sáng hôm ấy, người dân vườn mận thấy mấy sĩ quan Mỹ cùng hàng chục lính ngụy hí hửng áp giải anh Bi về làng. Hàng xóm kéo nhau ra đầy hai bên con đê.
Đi qua dòng người chật cứng, anh Bi nói lớn:
- Bà con đừng sợ chúng, sắp giải phóng rồi!
Tiếng đại úy Mừng quát lớn. Hai tên lính lực lưỡng xốc anh kéo xềnh xệch tiến sâu vào vườn mận. Năm phút... Mười phút trôi qua nặng nề, căng thẳng. Một tiếng nổ chói tai vang lên. Và trong nỗi đau tột cùng, người dân vườn mận thấy thi thể anh Bi đầy vết đạn, nằm vắt mình trên con đê, đôi mắt vẫn mở trừng trừng.
- Vậy đó. Vườn mận này linh thiêng lắm. Người ta đồn có ma vì đêm đêm nghe loáng thoáng tiếng cười nói thì thầm của du kích Việt cộng, tiếng la hét của hồn ma những tên lính Mỹ ngụy. Nhứt là dòm vô đó thấy đôi mắt cười cười của chị Hai Phỉ, của anh Bi.
- Chú kể nghe nổi da gà quá. Mà chú có sợ ma hôn? Lan hỏi.
- Tui mà sợ cái nỗi gì. Tui còn vái vong hồn chị Phỉ, anh Bi hiện dìa kể chuyện cho vui nữa là đằng khác. Chú cười khà khà.
- Chú kể tiếp đi.
- Gần bốn mươi năm rồi chớ ít ỏi gì đâu. Cứ tới ngày giỗ chị Phỉ, anh Bi là cả xóm này đều nấu mâm cơm cúng như chính người thân của mình. Mấy năm nay Nhà nước đầu tư xây dựng khu căn cứ này hàng chục tỷ đồng, bà con hả dạ lắm. Mình phải kể lại cho xấp nhỏ biết chớ. Nếu không chúng nó quên chuyện xưa tuốt luốt là người sống có tội với người chết. Vậy nên tui xung phong làm bảo vệ khu này kiêm luôn cái chức “kể chuyện đời xưa” cho khách tới tham quan.
Trăng bỗng sáng rực lạ. Gió ào ào len qua vườn mận. Những khoảng sáng cứ thấp thoáng ẩn hiện trong khu vườn. Mùa này mận chín đỏ rực. Đôi mắt người bảo vệ già ánh lên những đốm sáng lạ lùng. Có lẽ ông đang tìm thước phim của quá khứ, dõi theo đôi mắt những anh hùng đã ngã xuống chốn này, những đôi mắt bất tử với thời gian.
TRIỆU MỸ NGỌC