Hương quế
Chủ nhật, xe buýt đông hơn thường ngày. Cậu thanh niên cạnh chỗ ngồi của Thanh cố đứng vững để không ngả nghiêng vào kệ hàng của anh. Thanh an tâm ngồi lọt thõm giữa đám người. Ai bóc vỏ quýt từ đâu đó trong không gian hình hộp đông nghẹt tỏa ra thơm lừng lẩn quất mùi biển tanh nồng của mấy chị bán cá.
Thanh là khách quen trên chuyến xe buýt này ngót 15 năm kể từ lần đầu tiên đeo kệ hàng đi bán dạo khắp chợ Hà Lam, Tam Kỳ. Mười lăm năm mọi thứ đổi dời trong bóng tối. Bác tài Tuấn đổi xe ba lần. Năm thằng Thanh kiểm lâm 25 tuổi kết thúc sự nghiệp của mình bằng cuộc đời Thanh mù bán dạo đủ các loại từ tăm bông cho đến miếng chà nồi, bác tài Tuấn còn chạy chiếc xe hàng màu xanh trời trên trần ngổn ngang lồng gà, xe đạp cà rịch cà tàng. Năm ấy, Thanh còn là cậu thanh niên xốc vác, lang thang cùng anh em khắp các bìa rừng Nam Trà My. Khi đó, Thanh còn thấy thời gian dịch chuyển trên vạn vật, trên những chiếc lá rừng ngả từ màu xanh sang vàng úa. Sau trận sốt, điều kỳ diệu ấy biến mất dần dần. Thanh dò dẫm bằng gậy. Dò dẫm là một điều kỳ diệu khác. Thanh nghe được cha nép ở vách nhà nén một hơi thở buồn héo hon, ngửi được mùi nước mắt mẹ đang trào ngược vào trong.
Và giờ Thanh ngót nghét bốn mươi, vẫn luôn ngồi gần cửa xuống của chiếc xe buýt màu vàng. Thanh gần như không còn nhớ màu vàng sẽ giống với màu của quả mận hay màu của khế chín. Đối với anh tất cả đọng lại chỉ còn hương vị và âm thanh. Chúng như muôn vàn sợi chỉ trong suốt trôi trong không khí đan cài, pha trộn vào nhau chỉ những người mù mới phân tách được màu và mùi của chúng. Màu của hơi thở ngập ngừng. Mùi của một ngày nắng đẹp.
Thanh tròng kệ hàng vào cổ. Bác tài Tuấn bao năm cứ mỗi khi đến chỗ cây bàng đánh dấu con hẻm vào cổng hội người mù sẽ hô to: “Cô bác đứng gọn lại cho anh Thanh xuống”. Riết thành quen, những người thường xuyên đi tuyến xe buýt này cứ nhác thấy cây bàng từ đằng xa sẽ tự động đứng nép lại chừa cho Thanh một lối đi nhỏ. Thanh xấp xãi bước khỏi xe buýt. Nắng cuối ngày chiếu vào gáy nóng hâm hấp.
Để kệ hàng vào một góc riêng, Thanh men ra chiếc võng sau hè nằm hóng gió nồm thổi mấy lá mận bay nhác nháo. Có tiếng chổi xương sột soạt bên kia tường rào. Ai đó đã về sống trong căn nhà hoang. Lòng Thanh tự dưng chộn rộn vì tiếng chổi. Anh nhớ hồi mẹ anh còn sống tiếng chổi gom lá tre của bà cũng hiền khô an ủi phần đời cuối của mấy cái lá như vậy. Người bên kia rào chắc là đàn bà. Một người đàn bà hiền.
Hồi còn trẻ, tóc Lương đen dày, dáng thanh mảnh, lắm người thương. Nhưng Lương bận “làm đôi chân cho má” nên mỗi lần chó sủa đầu ngõ chị đắng đót không thèm nhìn. Cho tới hồi má bỏ Lương lại giữa căn nhà heo hút. Chó không buồn sủa, Lương biết trông chừng ra ngõ thì đã tròm trèm ba lăm. Lương bán nhà bỏ vào Sài Gòn mấy năm vì ngán cảnh nhà kín bưng mà gió lùa đầu nào cũng lạnh. Đất Sài Gòn chật ních cũng không làm Lương bớt đơn độc. Chị thèm đứa trẻ của mình nên sau một cuộc điện thoại chị dúi đứa trẻ con chủ nhà vào tay mẹ nó, tất tả đón xe về quê nhận nuôi thằng nhỏ.
Sau đám tang buồn hiu hắt của vợ chồng người chị họ, Lương kẹp thằng nhỏ vào đời mình cho có đôi. Hôm bước khỏi cổng nhà nó ngoái cổ nhìn ngơ ngác: “Dì ơi, sáng đó ba chỉ mới giận ném cái chén bể đôi thôi sao lại chết được hả dì?”. Tim Lương héo lại. Làm sao cứu những đứa nhỏ khỏi ám ảnh của tiếng ly, chén vỡ? Làm sao tách chúng khỏi một cuộc giằng co? Lương không biết. Chị chỉ biết thương thằng nhỏ hết cả phần đứa trẻ chị tự mang nặng đẻ đau. Hy vọng nó sẽ quên chuyện cũ.
Lương thuê căn nhà hoang, lần giở lại nghề làm nhan bột quế. Hương quế thơm rưng rưng nước mắt. Lương nhớ mùi của mẹ. Và mỗi tối cái mùi cháy nắng của thằng nhỏ đang rúc vào lòng khiến Lương đỡ quay quắt. Từ thằng nhỏ Lương có ngày mai.
Chuỗi thời gian tăm tối của Thanh bị xáo động bởi hương quế thơm từ căn nhà có người đàn bà quét lá. Hương thơm đó gợi nhớ những cánh rừng quế xanh mát Nam Trà My và nhớ cậuThanh kiểm lâm viên tưởng đời mình sống chết ở rừng, đâu ngờ đi bán tăm quế khắp nẻo chợ. Vì mùi quế thơm quấn quýt theo Thanh làm anh phát nhớ nên dạo này hay về sớm hít hà một hơi sâu mùi thơm thời trai trẻ. Thanh hỏi bâng quơ đám bạn mù:
- Ai về ở căn nhà bên hả?
- À, chị đó tên Lương người cùng quê với em. Chuyện đời cũng buồn rơi rớt. Thiên thoăn thoắt tay bện chổi, nói như thể chuyện buồn trên đời là mấy trái trứng cá chín cây tụi con nít không thèm hái rụng đầy một khoảng sân.
Chữ “buồn” đó vướng vào lòng Thanh canh cánh. Hèn gì nghe tiếng chổi thấy đơn chiếc. Thanh đi vào phòng cùng với nỗi tò mò về người đàn bà tên Lương, không để ý anh em đang kháo nhau chuyện chủ tịch hội thuê người lo cơm nước cho cả đoàn, nghe đâu là phụ nữ. Hội trên dưới mươi người. Chỉ toàn mấy gã đàn ông ngoài cây gậy ra không còn ai để víu vào và mấy đứa trẻ chưa từng biết cầu vồng có màu gì. Không ai nói với ai nhưng những người đàn ông thầm trông chờ bữa cơm đậm đà tính nữ. Cơm chắc sẽ dẻo hơn. Ớt cay hơn. Còn mấy đứa trẻ nôn nao vì không biết có giống cơm mẹ nấu không? Dù sao vẫn có sự khác biệt tinh vi nào đó với những món nấu qua quít cho có bữa của lão Độc Nhãn.
Đang chơi đầu con đường rợp những tán trứng cá chín đỏ ươm, vừa nhác thấy Thanh bước khỏi xe buýt thằng nhỏ nhìn ván bi tiếc rẻ nhưng cũng bỏ đi theo anh. Nó đi cách Thanh một khoảng đủ rộng để anh không biết có người theo mình. Mấy ngày nay anh nghe thấy tiếng bước chân thằng nhỏ đi theo về đến hội, đứng ngập ngừng trước cổng rồi chạy vèo đi.
Bỗng dưng Thanh quay phắt lại:
- Sao lại đi theo chú?
Thằng nhỏ giật bắn mình:
- Bộ chú thấy con hả? Chỉ là con muốn hỏi… chú có thể thổi sáo bài khác vui vui không? Con thấy mắt dì Lương ướt.
Thanh lặng người. Tiếng sáo buồn vậy thực ra là để làm vui cho người khắp chợ, để an ủi Thanh khỏi sự vô dụng, không ai kể cả Thanh còn đủ rung cảm để buồn nhưng lại khiến một người đàn bà rơm rớm nước mắt. Mặc thằng nhỏ trông chờ, Thanh không nói gì, tiếp tục dò dẫm đi. Thằng nhỏ đứng ngơ ngác hồi lâu rồi chạy ra đầu đường với ván bi bỏ dở.
Tiếng gậy của Thanh khua lộc cộc khắp con đường. Về đến đầu ngõ, nó bị chựng lại bởi tiếng chổi quét lá hiền hòa. Âm thanh đó không phải vang lại từ phía bên kia tường rào như mọi hôm. Nó đang ở bên này, rất gần Thanh. Tiếng chổi thưa dần, chỉ còn nghe tiếng phập phồng của hơi thở. Nó khiến anh không biết cách chi mở lời. Giọng Lương chậm rãi:
- Thằng nhỏ nói anh thổi sáo! Trong đó tui nghe như có chuyện mình. Tui tên Lương. Sau này, sẽ nấu ăn cho mấy anh ở đây. Anh vào đi, cơm đã dọn sẵn rồi.
Kể cả khi những cánh rừng xanh ngút khép lại trước mắt mình, Thanh cũng không cảm thấy mất phương hướng như đứng trước một người đàn bà. Nhưng bây giờ thứ cảm xúc kỳ lạ đó đang lan đến từng đầu ngón tay dù người ta đã trở vào bếp.
Buổi tối, mấy gã đàn ông và lũ trẻ ngồi xoay quanh một chiếc bàn gỗ dài. Cơm canh được lão Độc Nhãn sắp xếp theo thứ tự xen kẽ. Lương kinh ngạc nhìn thấy những người mù bới cơm và lấy đồ ăn như họ thấy mọi thứ. Một anh cao giọng khi vừa nếm muỗng canh đầu tiên:
- Canh chuối nấu ốc. Hồi còn ở Trà Lý tui hay đi bắt ốc đá về cho cổ nấu chuối cây. Đậm vị và cay xè.
Cổ là ai không ai biết. Nhưng thời đó chắc hẳn là một thời đẹp đẽ. Sau vụ nổ mìn khai thác đá, người đàn ông nọ cự tuyệt vợ sắp cưới rồi không biết sao nữa đời đưa anh đến và ở đây.
Lão Độc Nhãn nhanh nhảu gợi ý:
- Canh ngon vậy có rượu gạo làm vài ly thì phải biết.
Lương sai thằng nhỏ cầm chai chạy ra đầu ngõ đong một chai rượu gạo vừa độ. Cảnh tượng uống rượu của mấy gã đàn ông mù rất nhịp nhàng. Thằng nhỏ chạy một vòng quanh bàn rót rượu vào tất cả các ly. Những chiếc ly được nâng lên hạ xuống lần lượt. Lương cũng uống một ngụm nhỏ. Má chị bắt đầu hây hây. Lão Độc Nhãn cục mịch lúc ngà ngà say cũng biết văn hoa:
- Má cô Lương đỏ rượu hồng đào chưa uống đã say.
Thanh buột miệng như sợ lão Độc Nhãn sẽ được lòng Lương:
- Tui nghe thôi cũng say lữ huống gì là thấy.
Đám bạn mù há hốc miệng. Thanh kiệm lời cả tiếng gậy cũng từ tốn nhặt thưa lại biết chòng ghẹo. Lương lén nhìn Thanh giấu một nụ cười ẩn nhẫn. Lâu rồi, trong lòng chị mới nao nao vì một lời khen.
Tối đó, Lương thao thức vì tiếng sáo “Thương anh chín đợi mười chờ” từ căn nhà bên vang lại. Cạnh chị là thằng nhỏ nằm dụi vào ngực ngủ say sưa.
VÕ LÊ TÚ ANH