Kỷ vật Hoàng Sa

NGUYỄN BÁ HÒA 06/07/2014 11:23

Ông Chung đã quá tuổi tám mươi nhưng vóc dáng trông còn khỏe lắm. Tóc hơi dài và chòm râu bạc trắng nom rất nghệ sĩ. Chất nghệ sĩ của ông có lẽ bắt đầu từ những năm tháng sống trên đảo Hoàng Sa với tư cách là một người lính. Những buổi sớm mai ngắm mặt trời lên trên biển, đảo rực nắng nhấp nhô con sóng pha lê biến ông thành thi sĩ tự lúc nào! Lòng cứ trào dâng những cảm xúc không diễn tả được. Có lẽ nhiều nhất là nỗi nhớ. Nhớ và nhớ! Nhớ mặt trời lên trên những nóc nhà cổ kính rêu phong hay những vỉa hè đầy ắp màu hồng của từng tia nắng mới? Nhớ quê và nhớ  mẹ. Ông hít đầy lồng ngực hương gió biển nhuộm hồng để thắp sáng ước mơ hoài vọng, ngửa mặt nhìn những đám mây đang xếp hình rồi tưởng tượng ra Thánh Gióng, Lê Lợi, Quang Trung, từng đoàn người tay súng tay gươm cùng nhau đi giữ nước. Những buổi chiều êm ả, đảo thân yêu đón ngàn tia nắng mềm rơi trên cỏ dại vắt lưng bãi đá, gió từ đâu thổi vi vu khúc tình quê lâng lâng lai láng. Nhìn ra khơi xa, cánh buồm thô đi dựng bờ mở cõi của cha ông còn lấp loáng trong ráng chiều tươi đỏ và dấu chân khai phá của mẹ như cột mốc quê hương còn in trên từng vệt nắng cuối ngày. Nhiều lúc ông tiếc nuối mình đến với đảo muộn màng quá dẫu khi ấy ông mới hơn hai mươi tuổi.

Nhanh thật, mới đó mà bao nhiêu thay đổi, đổi thay. Ngước nhìn lên chiếc tủ kính trong phòng khách, con ốc biển vẫn còn đó, một kỷ vật của thời trai trẻ. Ông không bao giờ quên được ánh mắt rạng ngời của mẹ khi cầm con ốc biển trên tay, món quà của đứa con trai thời chinh chiến nhân những ngày phép ngắn ngủi về thăm nhà. Trong ánh mắt của mẹ là sự đồng cảm, là tình yêu thương và nhất là niềm tự hào. Ông làm sao biết được mẹ đã kể cho bao nhiêu người nghe chuyện về ông, về biển đảo với sự hãnh diện sự kỳ vọng và cả những âu lo. Ông làm sao biết được khi còn ở đảo, mẹ ông xem con ốc biển chính là ông, bà đã trò chuyện với nó đêm đêm để khuây đi nỗi nhớ thương con. Khi mẹ mất, ông vẫn còn là lính đảo, con ốc biển trở thành hình ảnh của mẹ mỗi khi ông được về phép. Và rồi con ốc nhặt được trên đảo Hoàng Sa thời trai trẻ ấy vẫn sống cùng ông cho đến tận bây giờ. Ông lại lẩm bẩm: “Nhanh thật!”. Thằng Dân, con trai ông, đã là ông nội. Ông đã có chắt, năm sau nữa nó sẽ vào lớp một.

Ông mở tủ kính lấy vỏ ốc biển đặt xuống bàn rồi cẩn thận lau chùi.

- Ba ơi! Sáng nay ba có đọc báo không?

Dân đi phố về thấy cha rảnh rỗi nên gợi chuyện.

- Ba đã đọc nhiều báo lại còn xem ti vi nữa, tình hình biển Đông mỗi ngày mỗi căng thẳng.

Ông thừ người nghĩ ngợi. Đã bao năm ông sống trên đảo Hoàng Sa thân yêu, tại sao bọn “chui ống đồng” cứ nói quần đảo ấy của chúng! Một sự thật như máu thịt của ông, như sự tồn tại của ông trên cõi đời này, làm sao lại nói khác được! Ông lại nhìn ốc biển. Đã nhiều đêm ông nghe được từ ốc biển tiếng gió ngàn năm âm vọng lời thề: phải giữ lấy Hoàng Sa, Trường Sa một phần đất mẹ. Đã nhiều đêm trong giấc mơ của ông đàn hải âu kiêu hãnh đo đại dương mênh mông bằng đôi cánh, những chuyến thuyền câu tôm cá đầy khoang lộng gió đi về. Đã nhiều đêm ốc biển kể cho ông nghe những nhà giàn hiên ngang trụ vững trước bão dông sóng cuộn như thế nào, những giàn khoan sừng sững niềm tin sức sống tràn trề vươn trời cao bám sâu ruột đất làm giàu cho Tổ quốc ra sao. Bất chợt những giọt nước mắt trào ra. Gió bên kia cửa sổ thổi vào, quay mặt đi để Dân không nhìn thấy, ông không muốn con cháu nhận ra sự yếu mềm của mình. Thực ra Dân không chỉ nhìn thấy cha khóc mà còn hiểu được những sâu kín trong lòng ông.

- Ba vào phòng, con pha trà hai cha con mình vừa uống vừa trò chuyện!

Chén trà đắng ngắt so với mọi ngày, có lẽ ông đã già quá rồi, vị giác không còn nhận biết được những nồng thơm dễ chịu. Nghĩ rằng chẳng sống được bao lâu nữa nên ông Chung đã dành tất cả tình yêu thương cho con  cháu, làm tất cả những gì có thể làm được cho chúng. Dân nhìn cha trầm ngâm mà lo lắng. Đối với con cháu, ông là người cha người ông mẫu mực đáng kính, là trụ cột, là niềm kiêu hãnh của gia đình bốn thế hệ sống rất mực yêu thương nhau. Làng xóm gọi gia đình ông là một đại gia đình hạnh phúc nhất. Những ngày biển Đông dậy sóng, bà con lối xóm thường đến nghe ông kể chuyện trên đảo Hoàng Sa ngày xưa, nào là cảnh đẹp thơ mộng, nào là sự hùng vĩ đầy kiêu hãnh. Họ biết ông là nhân chứng sống của Hoàng Sa đất Việt. Đề tài hai cha con tâm sự hôm nay cũng không ngoài chuyện bọn “chui ống đồng” chiếm đảo lấn biển. Ông rất thích gọi bọn xâm lược là bọn “chui ống đồng”, có lẽ ông tìm được trong cụm từ ấy ý nghĩa của lịch sử kiêu hùng, tính tất thắng của chân lý, niềm tự hào của dân tộc, cả lòng vị tha của người chiến thắng...

Có tiếng động ở phòng khách, hai bố con ngừng nói chuyện im lặng lắng nghe. Tiếng bước chân rất khẽ, ông Chung đặt tách trà xuống, đứng dậy. Dân theo cha ra ngoài. Chẳng có ai cả. Ông Chung nhìn quanh, giật mình phát hiện ra con ốc biển đặt trên bàn biến đâu mất. Ai đó đã lấy trộm nó rồi? Mặt ông tái nhợt. Dân biết ông yêu quý con ốc đó đến chừng nào nên cũng hoảng hốt chạy ra sân nhìn quanh tìm kiếm. Chỉ có bé Quỳnh - đứa cháu nội gái, đang chơi với bạn ở góc sân nhà bên cạnh. Dân chạy vào nhà. Ông Chung đang ngồi trên ghế bành gỗ, mặt đau đáu dõi về nơi xa xăm nào đó. Ốc biển đã theo ông những trên sáu mươi năm nay rồi, đâu dễ dàng mất đi như vậy được! Nhưng nó đi đâu? Ai lấy nó? Để làm gì chứ? Bao nhiêu câu hỏi cứ lởn vởn chập chờn quanh ông như một tấm màn sương mơ hồ đến bực bội. Rồi chợt nhớ ra điều gì ông bình tĩnh trở lại:

- Chẳng sợ mất đâu con. Con ốc này to lạ thường dễ gì ai có được, ba còn ghi ngày tháng trên vỏ ốc nên dễ nhận ra thôi, cứ từ từ rồi tính.

Dân nghe cha nói vậy cũng tạm yên lòng nhưng cũng thầm tự trách mình vô tâm quên không nhắc cha lau chùi xong thì cất vào tủ kính như mọi ngày mà vẫn đặt con ốc ở bàn.

- Ba đi dạo với con một vòng cho thư giãn, ngày mai con nhờ người hỏi tìm.

-Ừ! Thì đi!

Bé Quỳnh chạy vào nhà nét mặt rạng rỡ pha chút hóm hỉnh:

- Cố và nội đi đâu đó, cho cháu đi theo với!

- Nội đi tìm con ốc cho cố.

Bé Quỳnh gặng hỏi:

- Cố yêu con ốc lắm phải không?

Ông Chung nhìn đứa chắt kháu khỉnh dễ thương, cười nói:

- Ừ! Cố yêu nó như yêu bé Quỳnh vậy

- Mất con ốc, cố có tiếc không?

Ông Chung vô cùng ngạc nhiên trước câu hỏi của con bé.

- Nếu cháu tìm được con ốc cho cố, bé Quỳnh lại liến thoắng, cố phải hứa với cháu một chuyện...

Dân yên lặng nhìn hai cố chắt nói chuyện với nhau trong lòng dậy lên những niềm vui khó tả.  

- Chuyện gì cố cũng hứa!

- Cố dẫn cháu đến đảo Hoàng Sa chơi cố nhé!

Thì ra mỗi lần kể chuyện về Hoàng Sa với bà con lối xóm, bé Quỳnh nghe lóm được và tuổi thơ của nó phần nào hiểu ra rằng Hoàng Sa nơi cố nó đã sống rất gần gũi, rất thân thương, nơi ấy có thể vui chơi thỏa thích, có thể nhặt những con ốc biển để tặng bạn bè. Ông Chung chưa kịp trả lời cháu, bé Quỳnh đã kéo tay ông vào nhà, nó dẫn ông đi vào phòng ngủ của nó, trên chiếc bàn nhỏ con ốc biển chiếm gần một nửa. Ông Chung, ông Dân đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bé Quỳnh lại liến thoắng:

- Cháu tìm được con ốc biển này rồi, cố phải giữ lời hứa đấy nhé!

- Cố tặng cháu con ốc biển này nhưng không được làm nó đau. Cố già quá rồi, nếu không dẫn cháu ra Hoàng Sa chơi, thì còn nội của cháu, ba của cháu, lo gì!

Giọng ông Chung run run nhưng âm vang, từng chữ từng lời xoắn vào lòng ốc biển. Những ngày nổi gió, âm thanh từ lòng ốc biển sẽ ngân vang ngân vang đến tận mai sau...

NGUYỄN BÁ HÒA

NGUYỄN BÁ HÒA