Người đàn bà bước ra từ trang sách

DƯƠNG ĐỘNG VĂN HÀ 07/06/2014 13:54

Từ đầu xuân cho đến cuối năm, đêm cũng như ngày, ở làng Phương Hà và cả xã Kỳ Phương Tây này không có phút giây nào bình yên. Bắt bớ, tra tấn, lính càn, đạn bom… Ngày nào cũng có người chết. Ban đầu đưa tang có chiêng trống, khóc than nhưng rồi số người chết có ngày đến chín, mười người. Họ được chôn vội ngoài nổng cát, không có quan tài, chỉ quấn bằng chiếc chiếu. Có lúc đang đào huyệt, pháo từ đồn An Bình bắn xuống, lại thêm người chết. Cái nổng cát xưa có nhiều cây trâm, ổi và sim, nơi bọn trẻ trong làng chơi trò trốn tìm vào những đêm trăng. Mười năm qua nó đã thành bãi tha ma với hơn một ngàn cái mả đất lớn nhỏ. Chưa kể nhiều người bị giam, bị thủ tiêu bí mật. Họ bị bỏ vào bao tải thả xuống sông Cầm trôi về đâu không biết.

Đột nhiên, chín ngày qua làng Phương Hà và cả xã Kỳ Phương Tây không có tiếng đạn pháo, không có lính càn, người chết. Trăng tháng Bảy đẹp đến sững sờ. Gió biển giữa đêm thổi vào se lạnh. Ngày bình yên? Không. Dông bão nổi lên từ phía khác. Chiến tranh không chỉ có bom đạn, máu đổ. Chiến tranh còn có gương mặt khác.

Chín ngày qua, tim người nhói đau bởi lời thề của viên Đại úy Bảy - Đồn trưởng đồn An Bình: “Tôi thề nếu không lấy được cô Mây - con ông Tú, làm vợ thì cái làng Phương Hà và cả xã Kỳ Phương Tây này sẽ bị cày nát không còn một con nhông. Tôi cho các người mười ngày để lựa chọn!”. Đêm nay là đêm cuối. Ngày mai hoặc Mây lấy hắn làm chồng, hoặc biết bao điều khủng khiếp sẽ đến.    

Trong căn nhà tranh dựng tạm trên miệng hầm, trước di ảnh bà Tú và một bát hương đặt trên tấm ván treo dựa vào tấm phên tre, ông Tú vừa vái vừa khóc: “Tui có lỗi với bà, hắn là giọt máu duy nhất của tui với bà, ai bảo hắn giống bà. Bây giờ cái đẹp hại con! Bà sống khôn thác thiêng phò hộ cho con. Tui không còn lựa chọn nào khác”. Ngoài sân, trên chiếc chõng tre dưới gốc cây thị, Mây nức nở khóc. Bên cạnh, ông Kính - bí thư chi bộ lặng lẽ đốt thuốc. Minh -  con trai của ông, người yêu của Mây ngồi bên uất ức: “Thà chết hết chứ không thể chấp nhận nhục nhã thế này”. Rít thêm một hơi thuốc, bằng cái giọng khàn đục, ông Kính khẽ khàng: “Cha cũng đau, cũng nhục nhưng không còn cách nào khác, phải biết hy sinh! Đây còn là một nhiệm vụ mà cha không thể nói hết được. Cứ chấp nhận rồi cha và các chú sẽ tính”. Minh nói như hét: “Ngày mai con lên núi. Phải cầm súng chứ không thể sống chui nhủi như lũ nhông!”.

Hai ngày sau, một chiếc xe jeep lùn và hai chiếc GMC chở lính hộ tống đưa Mây về khu cư xá sĩ quan ở trung tâm quận, ngay sát nách tỉnh đường. Cũng ngày đó, Minh thoát ly tham gia bộ đội địa phương.  

Khu cư xá sĩ quan là một dãy nhà lợp tôn ngăn thành nhiều phòng, một số dành cho cố vấn Mỹ, còn lại dùng cho sĩ quan và vợ con. Đám lính lái xe và gác cổng ở chung một phòng phía sau thấp lè tè. Xung quanh có lính gác cẩn mật. Cư xá có căng tin, ai cũng ăn ở đó, chỉ một số ít có vợ con nấu riêng. Sự xuất hiện của cô gái mười bảy tuổi với làn da bánh mật, cằm chẻ, má lúm đồng tiền và đôi mắt đen tròn ngân ngấn nước mắt khiến đám sĩ quan đang ăn bỏ đũa nhìn hau háu. Đại úy Bảy tháo xanh-tơ-rông có cây colt 45 đập mạnh xuống bàn: “Đây là vợ tau, phu nhân Đại úy Đồn trưởng đồn An Bình. Tụi bay nghe cho rõ, thằng nào léng phéng tau bắn vỡ sọ”. Hắn gọi năm két bia con cọp chiêu đãi cả bọn gọi là tiệc cưới nhà binh. Đêm đó là đêm tủi nhục, hãi hùng, ê chề nhất của Mây. Mặc cô khóc van xin, hắn xé toạc quần áo rồi bế thốc cô lên giường. Hôm sau, hắn đánh xe xuống phố mua áo quần và những vật dụng cần thiết cho Mây. Trước khi xuống đồn, hắn nói cộc lốc: “Ở nhà, chỉ ở trong phòng không được đi đâu hết!”.

Mấy ngày liền Mây không ăn uống gì cả, người rũ ra như tàu lá chuối héo. Hắn cho tài xế đón ông Tú lên. Hai cha con ôm nhau khóc. “Chắc con phải chết cha ơi!”. Ông Tú ôm con vào lòng vừa khóc vừa nói thầm: “Cố chịu, ngày giải phóng không còn xa đâu”. Theo yêu cầu của ông Tú, hắn đồng ý cho cô tìm một người giúp việc. Ông Kính giới thiệu cho Mây một cô gái cùng làng tên là Sen, khoảng mười lăm tuổi, người lanh lợi.

Rồi Mây có bầu. Vào một đêm tháng Mười mưa tầm tã, Đại úy Bảy ngủ lại đồn. Đêm đó phòng của tụi cố vấn Mỹ bị ném bốn quả lựu đạn, hai tên Mỹ thịt da thành một mớ bầy nhầy. Không khí hoảng loạn khắp cư xá. An ninh quân đội thẩm vấn tất cả mọi người. Mây và Sen bị đưa về an ninh quận. Đại úy Bảy từ đồn chạy về: “Đm. tụi bay. Vợ của Đại úy Đồn trưởng tụi bay cũng bắt à? Không có thằng Bảy, cái quận ni có được yên với cộng sản không?”. Không thèm gặp Quận trưởng, hắn đánh xe vào tỉnh đường gặp Trung tá Tỉnh trưởng. Rút cây colt 45 đặt trên bàn, hắn lớn tiếng: “Ông bắn tui đi, tui mà nuôi cộng sản à?”. Thế là Mây và Sen được thả. Theo lời Sen, Mây đòi hắn thuê nhà ở riêng. Nhìn cái bụng của Mây hắn xiêu lòng. Sen thường cùng Mây đi chùa, đi chợ. Những lúc Mây thắp hương lạy Phật, Sen thường tranh thủ ghé lại các tiệm thuốc tây mua thuốc cho mẹ. Sen hay cà rà khiến Mây và tài xế phải đợi rất lâu.

Thời gian qua mau. Mây lại mang bầu đứa thứ hai.  Đưa Mây đi khám thai, Sen nhờ tài xế chở lòng vòng rồi mới trở lại đón. Trên đường về, bọn quân cảnh đón xe lục soát. Tài xế đã xuất trình giấy tờ nhưng tên thượng sĩ chỉ huy vẫn cương quyết khám. Thấy Sen thoáng bối rối, Mây chợt hiểu. Khi tên thượng sĩ vừa mở cửa xe, hắn đã bị một cái tát nảy lửa: “Xe chở phu nhân Đại úy Bảy đi khám thai mà mày cũng xét à?”. Nhìn vẻ mặt la sát của bà bầu, hắn lúng túng rồi miễn cưỡng khoát tay cho xe qua. Đó là lần đầu tiên Mây đánh người. Sau này nghĩ lại, Mây cũng không hiểu sao lúc đó mình lại bạo gan đến vậy.

Năm 1970, Đại úy Bảy được thăng hàm Thiếu tá và điều vào Cao nguyên. Mây xa Sen và xa cả quê hương. Từ đó, đời cô trôi dạt về miền Tây, miền Đông Nam Bộ, rồi di tản sang Mỹ.

Bốn mươi năm sau.

Vào một buổi chiều, lãnh đạo xã Kỳ Phương Tây tiếp một người đàn bà khoảng bảy mươi tuổi và hai cô gái.  Bà nói nhỏ nhẹ nhưng rành rọt: “Tôi chính là cô Mây bước ra từ trang 96 trong cuốn sách các ông vừa xuất bản. Đời tôi tủi nhục ê chề, nhiều lúc tôi định kết thúc bằng cái chết. Nhưng còn hai đứa con. Chúng không phải là kết tinh của tình yêu, mà là hậu quả của sự cưỡng bức. Nhưng chúng là giọt máu do tôi mang nặng đẻ đau. Chúng đâu có tội tình gì! Vì thế, tôi phải sống để nuôi dạy chúng nên người. Bây giờ hai cháu đã trưởng thành. Đứa chị về Việt Nam theo chương trình hợp tác của chính phủ Hoa Kỳ làm sạch chất độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Con em là giảng viên trường đại học Massachusetts về Việt Nam trong chương trình hợp tác nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Tôi đã chôn vùi quá khứ đời mình để nhìn tương lai qua cuộc đời hai con. Tình cờ, một người bạn trao cho cuốn Lịch sử địa phương vừa xuất bản, trong đó có nêu đích danh tôi và chuyện ngày xưa. Tôi không oán trách ai. Tôi hiểu rằng những người sắp đặt chuyện ngày xưa đều là người tốt. Nhưng xin hãy bỏ chi tiết ấy. Bởi nó dễ gợi cho thế hệ sau cảm nhận không tốt đẹp về quá khứ”.

Lãnh đạo địa phương cùng ba mẹ con bà Mây đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho những người trong làng đã ngã xuống, cho ông Tú, ông Kính, Minh và  Sen. Họ nằm lặng thinh dưới những ngôi mộ xếp thành hàng. Trên đường về, qua chiếc cầu mới bắc qua sông Cầm, ba mẹ con bà Mây dừng lại ngắm dòng sông quê. Trăng rằm tháng Bảy đã vời vợi trên đầu. Ánh trăng loang loáng bờ sông. Bà Mây lặng lẽ khóc. Phía bên kia, đồn An Bình ngày xưa bây giờ sừng sững tháp phát sóng truyền hình. Cạnh chân núi là một ngôi chùa mới xây. Người ta đang thả hoa đăng ở bờ sông. Đêm nay là lễ Vu lan, mùa báo hiếu mẹ và cũng là rằm xá tội vong nhân. Bà bảo với hai con: “Mẹ chết, các con hãy đem chút tro tàn về chôn ở làng Phương Hà. Và đem cả cốt tro của cha con. Ông ấy không có cha mẹ, ổng lớn lên từ trại mồ côi rồi đăng lính. Dù ổng không bao giờ là chồng của mẹ, nhưng vẫn là cha của hai con. Con người có thể lựa chọn được nhiều điều nhưng chẳng ai lựa chọn được cha mẹ”.

Ba người đi dọc bờ sông. Xa xa vọng về tiếng trẻ con học bài.  Gió biển thổi vào mát rượi.

DƯƠNG ĐỘNG VĂN HÀ

DƯƠNG ĐỘNG VĂN HÀ