Ra ngõ ngó mông
-Anh là đồ ích kỷ, tình yêu thực sự bao giờ cũng vị tha, bao dung. Anh chỉ muốn được cho mình!
- Ích kỷ cũng là một dạng của tình yêu.
Anh quay ngoắc, giận dữ bỏ đi, ném lại câu nói khô khốc như hai mảnh vỡ thủy tinh chạm nhau. Tưởng chỉ là chuyện nắng mưa thường tình của trò đùa trẻ con mà bao giờ tôi cũng là người thắng cuộc, ai ngờ từ lần đó anh đã thật sự biến khỏi cuộc đời tôi.
Nằm gác tay lên trán nghĩ lại, tôi thấy mình hơi quá đáng. Phần người thẳm sâu thực nhất của con Phấn đã không kìm giữ nổi trong giây phút bốc đồng? Chung quy chỉ tại tôi không chiều theo ý anh mà thay đổi cách sống. Có gì tồi tệ lắm đâu mà phải thay đổi? Tôi chỉ muốn sống như chính mình, cái con Phấn sôi động mà thực lòng. Anh bảo, con gái nên sống thùy mỵ một chút. Nhiều đứa bạn cũng nói tôi giống tính con trai. Thì đã sao? Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, cố gò ép mình theo khuôn mẫu của anh thì rồi một ngày, một lúc nào đó cũng sẽ lộ diện chân tướng. Tốt hơn là mình thế nào sống thế đó, nghĩ sao nói vậy, tự nhiên và tự do như chim trời cá nước.
Mẹ nói, không được đâu con ơi, phải nén giữ mình, không thì con trai đứa nào dám ưng. Ở góa suốt đời đấy. Tạo hóa sinh ra đàn ông đàn bà đều có ý riêng, cái mạnh mẽ hiếu động phải có cái nhu mỳ đằm thắm để trung hòa. Riêng chuyện đi đứng ào ào, nói năng bổng chảng của con, thanh niên đã thấy ớn rồi, huống chi tính khí thất thường, ưa đâu làm đó.
Mẹ nói mặc mẹ, tôi vẫn không cố giữ anh theo kiểu phải rập khuôn mình vào khuôn khổ anh mà sống. Ngược lại càng cố váo vênh dữ dội hơn cho bõ ghét cái loại người ích kỷ. Đó là bộ dạng bên ngoài, thú thực, bên trong tôi vẫn thấy đau mỗi lần đi tìm mình giữa cô đơn không anh. Với tôi cuộc sống vốn nhẹ nhàng mọi thứ, vậy mà anh đã khiến tôi biết đau - nỗi đau của một nửa hẫng hụt một nửa tự ái cộng lại.
Tuấn, chồng tôi, thuộc loại đàn ông giỏi chiều vợ. Tuấn có thể không nổi nóng như anh mỗi lần tôi chướng lên bỏ cơm, xách xe chạy lòng vòng khắp phố hay ngồi chơi bài suốt ngày. Nhiều lắm chỉ nghe Tuấn nói, em tính khí thất thường quá, nói chi cũng chẳng chịu nghe! Một lần, tôi nói dối anh để hẹn hò với một tay bạn trai thân nhau từ hồi còn học trung học, anh có vẻ hơi nghiêm sắc mặt: “Đây là điều tối kỵ trong đời sống vợ chồng, em biết không? Chuyện không lớn nhưng vì dối nhau thành lớn”.
Những lần còn lại, hầu như anh đều nương theo chiều xoay của tôi để sống. Góp gió mạnh nhẹ, ngược xuôi nhiều hướng thành lốc. Lốc xoáy dữ dội vào cái ngày tôi sinh bé Như được sáu tuổi rưỡi. Nhà cửa vững tường móng, nhưng hạnh phúc bay thông thốc tứ phương. Không thấy anh nhỏ nhẻ hiền lành như xưa. Anh không còn yêu thương hay tình yêu không còn đất sống? Tôi tung chiêu quen thuộc: hờn dỗi ôm con bỏ về sống với mẹ. Mẹ nói, mẹ lạy con, con gái xuất giá tòng phu, thời nào cũng vậy, không nói phong kiến hay hiện đại chi cả, già néo thì đứt dây đấy! Không thể cứ vợ chồng giận nhau là ôm con bỏ về nhà mẹ.
Mẹ có vẻ quyết liệt nhưng trong ruột lại thương con. Nhà chỉ có tôi là con gái, thèm tô canh chua nấu cá tràu, thèm mít non kho cá chuồn… mẹ đều gọi tôi về, một hai cũng con Phấn chứ không nhờ mấy chị dâu. Có thể, cũng như tôi, mẹ nghĩ rồi cái thằng Tuấn hiền lành nớ cũng chạy sang đưa mẹ con nó về. Không ngờ, một tuần, hai tuần, rồi cả tháng chẳng thấy Tuấn sang. Tuấn chỉ nhắn bảo tôi phải về theo kiểu ra lệnh chứ không phải dỗ dành nài nỉ như xưa nữa. Tôi thì tự ái đã bị chọc giận đến đáy, cái con Phấn bướng bỉnh đã bị lo toan gia đình phần nào dìm xuống giờ bỗng dưng trỗi dậy mãnh liệt, mọi sự nhún nhường thỏa hiệp đều vô ích. Không ai dứt khoát nhưng mọi thứ cứ như vỡ dần, xa dần từ đó…
“Tức nước thì vỡ bờ” con ơi, mẹ chép miệng như con thằn lằn lắt chắt tiếc nuối một cái gì vu vơ mà rất thực, gần gũi mà rất xa. Tôi nghĩ đến anh và những người con trai đã loáng thoáng đến đi với đời mình. Vũ tuy lớn tuổi nhưng đẹp mã, có địa vị xã hội, thường xem tôi như một minh họa cho bộ sưu tập đào hoa của anh. Sửu là đàn ông mà y hệt một cục đất thụ động và nhu nhược đến chán ngấy từ cái lần gặp đầu tiên. Tư góa vợ, thương tôi thật lòng nhưng với cái nghề thợ hồ “làm mùa nắng trắng tay mùa mưa” thì làm sao nuôi nổi một gia đình đã quen cuộc sống no đủ? Vả lại, tôi còn sĩ diện đi ra với xã hội, nhất là với anh và Tuấn nữa. Một cách tương đối, thật sự tôi muốn chọn Hảo, nhưng con người giá băng lạnh tanh này có bao giờ nói thương tôi!
Hay là tôi trở lại với anh? Bạn tôi kể, anh bây giờ cũng đơn độc như tôi. Vợ anh chịu không nổi cái cảnh một bước nửa bước cũng phải thưa trình, đúng giờ giấc nên đã bỏ con lại, khăn gói ra đi cùng một anh chàng thầu khoán nào đó. Chị nói với mọi người rằng chị là con chim trong lồng thừa thãi mọi tiện nghi nhưng thiếu tiếng hót trong trẻo giữa trời trong mây xanh. Chị đi là để tìm tiếng hót ấy. Tiếng hót rơi ở một vùng trời nào đó không rõ, và chị không trở về từ ngày ấy.
Mẹ vẫn thường nói, cao với không tới thấp bước không qua đấy con ơi! Không, tôi không thể trở lại với anh, mặc dầu tôi cũng chẳng còn ham muốn làm chim trời cá nước. Bát nước đã đổ, làm sao hốt lại được. Vả lại, chắc gì bây giờ anh còn thương tôi như ngày đầu mới quen. Dường như ở mỗi chặng đời người là những nhận thức, tình cảm khác nhau, cuộc đời có thể lớn hơn hay nhỏ lại theo nhận thức độ tuổi.
Ngày lại ngày cứ vèo qua như thế, như dòng sông Ly Ly trước nhà thản nhiên hòa vào biển mà không cần biết đến số phận buồn vui riêng của từng con người đang dữ dội tranh sống dọc theo hai bên bờ. Có cái gì như thôi thúc cấu cào tôi từ trong sâu thực nhất khi soi gương thấy mình già đi nhanh quá. Cho đến một ngày, tôi lặng người buồn chết được lúc nghe mẹ hát ru đứa cháu ngoại không cha: “Chiều chiều ra ngõ ngó mông/ Ngó thời thấy ngõ người không thấy người”. Câu ca thăm thẳm trống vắng này mẹ cũng đã từng ru tôi cái ngày chờ cha tập kết không về. Với ánh mắt đờ đẫn, mỏi mệt trông ra ngoài ngõ nắng, với tay võng chểnh mảng niềm vui mẹ như nửa tiếc thương, nửa giận hờn một cái gì đó nghe mơ hồ và xa xăm quá.
TIÊU ĐÌNH