Gió thổi trên sông

NGUYỄN THỊ CẨM GIANG 08/09/2013 09:47

“Cha mày lại xuống phố gởi tiền cho mẹ Hai mày à?”. Mấy năm trời tôi cứ nghe đi nghe lại câu hỏi phát ra từ miệng bà ngoại đầy sự mỉa mai căm giận, có lẽ khi bà tôi chết đi rồi bà mới hết hỏi câu đó. Tôi cũng chẳng buồn trả lời bà, bởi chẳng ai ở làng tôi không biết câu trả lời hiển nhiên ấy, buồn cười nhất là mẹ tôi vẫn còn sờ sờ, ngày ngày chăm cơm nước cho cha đều đặn. “Ừ, thì cha”, nhưng có lúc tôi lại nghĩ cha là vậy thôi sao. Một chút căm hận lại trỗi dậy trong lòng tôi.

Chiều muộn lắm rồi, mẹ vẫn chưa về, ngồi trên mỏm đá nhìn ra bờ sông tôi miên man nghĩ, mẹ sẽ dần dần hiện ra ở bờ suối bên kia với thân hình ướt sũng, bàn tay ngấm nước nhăn nheo, mặt tái nhợt vì lạnh và gió núi vẫn vi vu dán chặt từng miếng vải mỏng vào thân hình xương xẩu ấy. Câu đầu tiên mẹ hỏi vẫn là “cha mày làm về chưa? Mày đã cơm nước gì chưa mà ngồi vẩn vơ?” Vẫn là cha… cha... Thương mẹ nhiều nhưng tôi vẫn bỏ lại mẹ đằng sau với mớ câu hỏi dồn như vậy.

Bé Cườm ở trong nhà nghe tiếng tôi và mẹ bỗng khóc ré lên. Nó thèm sữa, cả ngày nay chưa được bú tí chút nào. “Cha lại đi rồi” tôi làu bàu, mẹ không nói gì nhưng tôi thoáng nhìn thấy mắt mẹ buồn, mẹ giục tôi bồng con Cườm cho mẹ thay áo quần.

Trời đã bắt đầu chập choạng, làng tôi lọt thỏm trong bức màn tối, nhìn ra xa lúc nào cũng là dãy núi đen kịt ấy, có lúc tôi mơ mình có thể vượt qua đỉnh núi ấy, đưa mẹ và em cùng đi. Nơi đó sẽ chỉ có bà ngoại, có mẹ, có con Cườm và chúng tôi sẽ sống mà không bao giờ phải suy nghĩ về sự chia sẻ và giả dối. Đang lúc ấy cha lùi thụi vào nhà, bao nhiêu năm cái hành động ấy vẫn như vậy, nhưng đối với tôi cha đang phản bội.  Bữa cơm cũng chỉ có tiếng bát đũa va vào nhau, như thể ai đó cất lên tiếng nói nào thì không gian sẽ vỡ vụn, hoặc là mảnh vỡ hoặc là nước mắt. Nhưng bây giờ tôi không nhìn thấy gì cả, như thể nó là một khoảng lặng mà người ta nín một hơi thở dài để bắt đầu một sự chịu đựng. Và tôi không còn khóc vì thương mẹ, càng thương mẹ tôi càng ghét bà vì sự chịu đựng dai dẳng ấy.

Thời gian này ngoại sống một mình bên kia sông, tối tối tôi lại qua ngủ cùng ngoại, mái nhà lá nhỏ chỉ sáng một ngọn đèn, nhìn từ xa chẳng khác nào con đom đóm lập loè giữa cái thâm u huyền hoặc. Ngoại sống một mình, tách hẳn với ánh điện văn minh của làng tôi bởi một con suối rộng. Tôi hỏi ngoại sao không qua bờ bên này, ngoại nói ngoại ở quen rồi, già rồi ở đâu mà chẳng vậy. Ngoại nói thì nói vậy nhưng tôi biết tại sao ngoại không muốn sang. Và sự kiên định của ngoại cho tôi một nơi chạy về khi chới với.

Năm tôi học lớp 5, tôi sống cùng ngoại. Mẹ bỏ lại tôi để đi tìm cha, cả đàn heo mẹ bán sạch, suốt thời gian dài đó tôi sống một mình với ngoại. Ngày nào cũng tự bơi chiếc ghe nan nhỏ cũ kỹ qua sông đi học, trường ở xa nên phải lội bộ cả đoạn dài. Có hôm mưa tầm tã, chạy về đến bờ suối thì ghe của tôi đã chìm gần hết, đứa con nít lớp năm phải dùng hết sức mình để tát nước và lôi ghe lên. Vậy là cũng xong, tôi chèo nhanh về với ngoại, bờ bên kia ngoại vẫn chưa dứt tiếng gọi: “Xíu ơi… Xíu ơi...”. Người ta nói cứ chiều nào tôi đi học chưa về, ngoại lại gọi mãi như vậy. Có người bảo nó chưa về, nhưng chỉ khi nào tôi đáp lại từ bờ bên kia ngoại mới thôi không gọi nữa.

 Rồi cha mẹ trở về, tôi lại có thêm con Cườm, tôi theo em qua sông, chiều tối tôi xin mẹ bơi ghe về với ngoại. Hai thế giới, ngày và đêm trong tôi như hai cuộc sống, hai ước mơ và không biết đến khi nào sẽ chạm đến.

Thời gian cho những ngày sắp tết cũng đến, mẹ và cả cha đều bận rộn, tối mịt mới về, con Cườm chờ mẹ lâu quá nó cũng ngủ thiếp đi. Tôi thấy mẹ lụi cụi chuẩn bị một gói quà to tướng cho cha mang về Bắc, về với gia đình riêng của cha, nơi có thằng em sẽ nối dõi tông đường chứ không phải là hai mụn gái như chị em tôi. Cha đang gói vội mớ nếp ngâm từ sớm, coi như là chút trách nhiệm cho cái tết của mẹ con tôi, vẫn là những chiếc bánh chưng gói vội, những vòng lạt giang siết chặt vào kí ức tôi rát buốt.
Trước đêm cha đi, mẹ làm rất nhiều thức ăn ngon, gia đình tôi quay quần, tôi thấy cha tôi cười, chúng tôi đã ăn một bữa cơm như bao gia đình khác nhưng sao tôi vẫn cảm giác nó rất lạ, đến nỗi hốc mũi tôi cay xé.  Nhưng lẽ ra tôi không nên tin vào sự chần chừ của cha trong lần đi ấy, không tin vào nụ cười mãn nguyện của mẹ mới phải.

Cha đã không trở lại lần nào và không bao giờ có những bữa cơm như vậy. Bé Cườm của tôi còn quá nhỏ để có một chút kí ức về cha. Từ dạo đó mẹ tôi ít nói hẳn đi. Tôi nghĩ cha không còn nghỉ chân lại ngôi nhà của mẹ con tôi nữa, có lúc tôi nghĩ cha xem cuộc đời chúng tôi là quán trọ. Mà có sao đâu, chẳng phải tôi đã rất ghét cha. Cuối cùng cha cũng trả lại cho tôi cái ước mơ còn gì.  

Chiều nay trên sông gió lộng, mẹ đưa tôi và em về ngoại, dòng nước vẫn đục ngầu chảy xiết. Ánh mắt mẹ tôi buồn theo từng nhịp nước rẽ sang ngang, xa xa là tiếng gió, tiếng êm ru như trong đêm ngoại kể về cuộc đời mình. Ngoại đã từng rơi nước mắt khi mẹ tôi theo cha, cái xay vần của số phận đã buộc chặt ngoại và mẹ vào cái buồn miên viễn.  Tự dưng mẹ nhìn hai chị em tôi âu yếm, mẹ còn dặn chúng tôi phải học thật giỏi. Tôi chợt nhìn thấy như từ xa kia bóng dáng hai người phụ nữ vẫn cặm cụi từng ngày trên những khoảng đồi cao.

NGUYỄN THỊ CẨM GIANG

NGUYỄN THỊ CẨM GIANG