Ngày xưa ơi !
Liên Liên tới trường đúng vào ngày chủ nhật, trời lại mưa tầm tã nên quang cảnh thôn xóm ở đây vốn buồn nay lại thêm buồn...
Anh bạn mới quen từ hồi trưa ở bến xe huyện có tên gọi như con gái, Hồng, nhưng không mang chút dáng vẻ gì “con gái” cả. Hồng nói giọng Quảng gốc, khi nói lại nói to tiếng như sợ người cùng chuyện trò không nghe vậy. Được cái Hồng cười rất có duyên, để lộ hai hàm răng trắng bốc đều hay háy. Liên Liên không nói ra chứ “cảm tình” ngay lúc mới gặp.
Hồng bảo:
- Tôi biết mà, chủ nhật với lại mưa gió to thế này thì làm chi có thầy cô mô ở trường. Thôi đừng ngại chi hết, trời tạnh rồi, cô về nghỉ trưa với bà nội tui đi!
Miệng nói, Hồng lanh lẹ xách chiếc giỏ trái cây và xách thêm một xách to tướng hình như đựng mùng, mền, gối ở trong đó rồi vội vàng bước đi khiến Liên Liên không kịp phản ứng, chỉ biết đi theo.
Nhà Hồng làm bằng tre lợp tranh. Cột, kèo, rường tre đều được riếng sạch mắt, tiện thêm vân, còn tranh là loại tranh săng đánh dày lợp một mè gợp đều đặn. Các vật dụng bên trong nhà bày biện gọn gàng, ngăn nắp. Nhất là tủ sách được sửa soạn đàng hoàng...
Đón Liên Liên bằng nụ cười hiền khô đầy thiện ý, cụ bà trên bảy mươi tuổi có mái tóc bạc phơ phơ kẹp lên bồng bềnh như mây trắng trông rất đẹp lão. Hồng giới thiệu Liên Liên với bà nội một cách tự nhiên, y như hai người đã là bạn thân quen lâu rồi, nay mới có dịp đưa nhau về thăm nhà.
Liên Liên rụt rè cúi đầu chào bà.
Bà Sáu (tên của bà nội Hồng) vui hẳn lên vì tưởng cô bạn mà Hồng có lần đã nói với bà:
- Ời! nghe thằng cháu tôi nói mấy lượt, nay cô mới về!
Xong, bà Sáu nhanh nhẹn nắm lấy tay cô giáo vào bên trong nhà không khí thật ấm áp...
Bà Sáu không vui sao được, khi cháu bà có cô bạn thật đẹp người. Cô gái có mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt hiền dịu và đôi mắt long lanh sáng trưng... Giống hệt đứa cháu gái ở xa về, bà Sáu dành cho Liên Liên mọi điều tốt nhất. Liên Liên cũng nhanh chóng làm quen với bà. Mãi đến nửa chiều, thầy hiệu trưởng cùng một cô giáo đến đón cô về ở nhà tập thể của trường.
Về sau, hơn ba năm dạy học ở vùng quê bốn bề sông nước này, Liên Liên hay lui tới nhà thăm viếng bà Sáu. Còn Hồng đi dạy học ở tuốt dưới phố Hội An một tuần đến chủ nhật mới về một lần.
Bà nội biết giữa Liên Liên và Hồng có tình ý. Bà từng nói:
- Được con ạ! Quê cô ở Đà Nẵng với mình không xa xôi, với lại tính tình của cô qua tiếp xúc bà thấy hiền hậu và nết na, như rứa còn chi bằng!
Đùng một ngày, Liên Liên ra đi biền biệt.
Liên Liên ngồi nhớ lại buổi đầu tiên đi nhận nhiệm sở cách đây bốn mươi mấy năm mà y như mới rợi hôm qua...
Thực lòng mà nói, khi ấy không gặp Hồng và sau đó là bà Sáu thì chắc Liên Liên dễ quay trở ra bến xe huyện, trở về nhà. Những mơ mộng của một giáo sinh ở trường trung cấp sư phạm tỉnh như những con sóng mà Liên Liên từng nhìn thấy ở biển. Nó hùng hùng hổ hổ phát xuất từ biển khơi băng băng đuổi nhau, khi tới bờ bỗng khựng lại... tan loãng. Sự lặp đi lặp lại như vậy hằng ngày, không có gì mới. Nghề dạy học của Liên Liên cũng vậy. Tận tụy dạy dỗ bao thế hệ học sinh nên người, rồi thầy cô ngày một cao tuổi, học sinh ngày lớn khôn. Mỗi em ra trường cất cánh tìm một đường bay riêng lẻ. Công việc cứ thế... cứ thế...
Liên Liên ngồi soạn lại các bức thư của các em học sinh giờ thành người lớn cả rồi viết thăm cô nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập trường, ngày tết, ngày hiến chương nhà giáo 20.11... Qua thư, Liên Liên hình dung rõ mồn một từng em. Mắt hoe đỏ chực khóc.
Liên Liên đọc bức thư mới nhất:
“Kính thăm cô!
Hẹn với các bạn cùng lớp tết năm nay sẽ về và rủ nhau đến nhà cô. Thế mà lại thêm một lần em thất hứa rồi. Mong cô hiểu và thương em mà bỏ qua”.
Liên Liên cố gắng nhớ cho rõ. “À! Nguyễn Tú (Anh). Một học sinh “cá biệt” từng quậy hết cỡ đây!”, Liên Liên thầm nói trong bụng. Thêm chữ Anh vì lớp có đến hai học trò tên Tú. Tú (Anh) một thời “nổi sóng nổi gió”, về sau dù không học hết cấp 3, lưu lạc vào Sài Gòn, lanh lợi trong kinh doanh và trở thành ông chủ của một công ty sản xuất đồ gỗ gia dụng có tiếng, giàu có nhất nhì so với bạn cùng trang lứa. Khi xưa nghịch ngợm là thế, giờ hiền như bụt. Có tiền có của nhưng Tú (Anh) vẫn vậy với thầy cô giáo, với bạn bè, với mọi người. Nhất là Tú (Anh) hằng tâm làm việc thiện, giúp đỡ người bệnh nan y chữa bệnh, trong đó đặc biệt dành kinh phí tặng các em học sinh cùng quê học bổng, phần thưởng, hỗ trợ nhiều trường và địa phương làm khuyến học khuyến tài.
Lục lọi xấp thư học trò, Liên Liên bỗng thấy một lá thư của Hồng. Lá thư mà cho đến bây giờ mỗi lần đọc là mỗi lần Liên Liên lại khóc.
Thời gian. Người ta thường ví thời gian như dòng sông. Tháng ngày trôi mãi và không bao giờ quay trở lại. Con nước cũng vậy... Ai nói cô Liên Liên thế này thế nọ cũng đành chịu. Chỉ có Liên Liên rõ nhất về cái quyết định xa Hồng trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời người con gái. Thời khắc lên xe hoa về nhà chồng.
Bốn mươi mấy năm rồi, mọi chuyện đã trở lại yên ả. Chứ ngày đó, khi Liên Liên lặng lẽ bỏ đi khi chỉ còn một tuần nữa là tổ chức đám cưới đã gây nên dư luận đa chiều. Hồng chết lặng người khi hay tin, và không tin dù cầm trên tay lá thư của Liên Liên xin lỗi bà Sáu, mong Hồng “nhanh chóng vượt qua nỗi đau và sớm tìm được người mang lại cho anh hạnh phúc thật sự”.
Liên Liên đọc lại thư của Hồng gửi sau đám cưới không thành đâu gần một năm:
“Em yêu!
Anh biết rõ nguyên nhân em chối từ tình yêu của anh dành cho em. Bà nội của anh cũng rất hiểu và chia sẻ với em điều khó khăn ấy. Theo anh, em nên tin vào tiến bộ của y học hiện đại, biết đâu mọi chuyện sẽ đến như anh và em từng mơ ước. Nếu em không sinh năm, ba đứa con thì cũng chẳng sao. Anh có người chị đang công tác ở bệnh viện Từ Dũ hứa sẽ giúp em”.
Đúng là y học hiện đại có thể làm được nhiều tốt đẹp, đã cứu bao gia đình từ chỗ sắp đổ vỡ trở nên đầm ấm hạnh phúc. Nhưng Liên Liên thì khác, cô mắc hội chứng đa nang buồng trứng, khó thụ thai và thường có nguy cơ mắc một số bệnh lý khác như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì… Bác sĩ cho Liên Liên biết như vậy.
Với bà nội và nhiều người khác, sự ra đi của Liên Liên có bất ngờ thật. Còn với Hồng và Liên Liên, đây là việc chẳng đặng đừng. Dù Hồng khuyên lơn rất nhiều, Liên Liên vẫn một mực từ chối tình yêu của Hồng. Mà nói chính xác, cô từ chối sự réo gọi mách bảo của trái tim vốn dĩ vẫn đang nồng nàn yêu Hồng.
Trăng mười bảy mọc trễ nhưng tỏa ánh sáng vằng vặc tô vẽ thêm cho khu vườn của Hồng thêm đẹp. Ngồi nơi ghế đá đặt sát gốc cây si cổ thụ, Liên Liên và Hồng không biết nói thêm điều gì...
Bình thường, trong khung cảnh nên thơ như thế này, Liên Liên sẽ khe khẽ hát một bài tình ca. Nhưng lần này…
Hồng thầm thì:
- Em nên suy xét lại...
Liên Liên ôm chầm lấy Hồng vừa nói vừa khóc rưng rức:
- Đành chia tay nhau thôi anh! Mong anh hiểu cho em...
Hồng và Liên Liên như đôi uyên ương... đang bay trên khung trời mơ mộng. Lửa của tình yêu hừng hực cháy trong vòng tay... trong vòng tay... của cả hai...
Thế mà...
Sau hai năm “sóng yên biển lặng”, Liên Liên tiếp tục đi dạy học ở tận miền Tây Nam Bộ. Mới đây, nghỉ chế độ một lần, Liên Liên về trở lại Đà Nẵng sống với đứa cháu kêu bằng cô ruột.
Phiên, con của đứa cháu họ, đi học về bật vi tính mở nhạc. Những giai điệu của bài hát nói về công ơn của người thầy người cô nghe mượt mà, đầy cảm xúc... càng khiến Liên Liên thêm tâm trạng buồn buồn và nhớ nhớ da diết về một thời tuổi trẻ - thời mang nhiều ước vọng tốt đẹp.
Và có cả nỗi nhớ tình yêu ngày xưa... cứ quanh quẩn bên Liên Liên.
HÒA VĂN