Mang gì về cho mẹ?

CHU THỤY 22/01/2022 06:30

Những ngày cuối năm, rapper Đen Vâu tung MV “Mang tiền về cho mẹ” gây chú ý lớn trên diễn đàn âm nhạc và cộng đồng mạng. Khoảng 2 tuần, có đến gần 32 triệu lượt xem và lời rap “mang tiền về cho mẹ/ đừng mang ưu phiền về cho mẹ” trở thành cụm từ khóa nổi bật. 

Một góc quê yên bình xứ Quảng. Ảnh: H.X.H
Một góc quê yên bình xứ Quảng. Ảnh: H.X.H

Tôi thoạt đầu bị cuốn hút vào hình ảnh xứ Quảng xuất hiện trên MV. Luống rau ở làng Trà Quế, mảng tường vàng lấp ló phía sau một lớp học ở góc phố Hội, lối đi nhỏ ở làng bích họa Tam Thanh, thuyền nhấp nhô ở bãi ngang ven biển Tam Kỳ…

Rồi những đoạn rap nghe cứ thủ thỉ, “tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? (chính là mẹ)/ nét chữ đầu tiên là tay ai cầm? (chính là mẹ)/ sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa? (chính là mẹ)/ vấp ngã đầu đời là được ai nâng? (luôn là mẹ)…”.

Đoạn gần cuối, giọng ca của ca sĩ Nguyên Thảo mở ra trường cảm xúc mênh mang, như hơi ấm từ bàn tay chai sần một lần nào đó xoa nhẹ lên trán đứa con thơ. “Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà/ sẽ có rất nhiều hành trình qua trong đời (…) Những đứa trẻ sẽ phải đi xa nhà/ sẽ phải nếm rất nhiều mặn, ngọt, cay, chua, đắng…”.

Nhưng thú thực, tôi vẫn không thể dứt ra khỏi cụm từ khóa “mang tiền về cho mẹ”.

*
*           *

Tôi nhớ đến câu chuyện bà mẹ Hindu được kể trong diễn từ nhận giải Nobel Hòa bình ngày 10.12.1979 của mẹ Teresa Calcutta.

Chuyện rằng, khi nghe báo tin một gia đình người Hindu ở Ấn Độ cùng 8 đứa con không có gì ăn lâu lắm rồi, mẹ Teresa liền mang cơm đến tặng. Bà mẹ Hindu đón lấy cơm từ tay mẹ Teresa, chia làm 2 phần rồi vội đi ra ngoài. Hóa ra, bà lẳng lặng mang nửa phần cơm sang cho hàng xóm người Hồi giáo cũng đang bị đói…

“Với người nghèo, họ có sự vĩ đại”, mẹ Teresa Calcutta nói. Và điều khiến cho mẹ Teresa ngạc nhiên nhất không phải vì chuyện mang bát cơm đi, mà chính vì ngay cả trong nỗi đau khổ, trong cơn đói nhiều ngày dài mà bà mẹ Hindu khốn khổ kia vẫn nhớ xung quanh mình còn đó những người cùng cảnh ngộ. Nhớ, và san sẻ.

Nhiều năm sau, có bà mẹ ở vùng cát nghèo Quảng Nam cũng xăng xái lao đi trong đêm tối.

Cận tết năm ấy, đứa con mới ra trường tìm việc lần đầu tiên nhận khoản tiền thưởng cuối năm liền háo hức phóng xe máy về quê, dúi vào tay mẹ. Hãy hình dung gia cảnh ở vùng cát cách đây vừa chẵn 25 năm, thiếu thốn biết chừng nào. Bà mẹ sau một thoáng tần ngần đã đi ra ngõ. Một hồi sau, bà trở về, báo tin đã mua gạo mang tặng cho một phụ nữ trung niên láng giềng đang một mình nuôi đàn con nhỏ. Tội nghiệp lắm con, tết sắp đến rồi mà bếp nhà họ vẫn lạnh… Người chồng thì bỏ xứ đi làm ăn xa, không thấy quay về… Tội nghiệp…

Xóm cũ ngày ấy giờ đổi khác. Con đường lớn bất ngờ phóng tuyến tách hai nhà hàng xóm về hai phía, không còn đường cát nhỏ dẫn từ nhà người mẹ nghèo sang nhà phụ nữ trung niên ốm yếu. Chị vừa cất nhà ra mặt tiền, tìm được kế sinh nhai mới, kịp mở quán nhỏ bày bán tạp hóa và kê thêm mấy bàn bi-a, có đồng ra đồng vào, không đói kém như xưa nữa. Bà mẹ quê từng lẳng lặng đi mua gạo mang tặng hàng xóm cũng đã khuất núi… Chỉ còn đứa con mang tiền về cho mẹ ngày nào giờ đang ngồi nhớ và nghèn nghẹn kể lại.

Đứa con ấy chính là tôi.

*
*          *

Cuối năm, tôi về quê, tản bộ sang nhà người phụ nữ trung niên. Mừng cho chị, gánh nặng một nách nuôi đàn con đã cởi bỏ, đôi mắt đã biết cười. Hẳn chị không còn nhớ một đêm cuối năm nào đó, có bà hàng xóm xách theo túi gạo sang đổ vào thạp gạo trống rỗng ở bếp nhà mình.

Tôi không quá tủn mủn với những chuyện nhỏ nhặt xưa cũ. Nhưng lời rap của Đen Vâu bất chợt ùa về, gây nhớ. Kể cũng lạ, cận tết luôn là quãng thời gian dễ khiến con người ta đặc quánh tâm tư và cháy bùng ký ức. Cứ vào dịp này, tôi lại thấy bóng dáng những đứa con rục rịch thu xếp hành lý để về quê, gặp cha mẹ, dúi vài đồng tiền vào túi rồi quày quả ra đi.

Về đi các anh chị, các bạn, các em. Vừa đi, vừa có thể nhẩm câu văn này của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Chúng ta có một bà mẹ, nếu chúng ta không thấy được mẹ, không tiếp xúc được với mẹ vốn là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường mía lau, thì bà mẹ đó chẳng qua chỉ là hình bóng trong giấc chiêm bao”.

Và rồi, thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên chúng ta nên treo 2 câu Kiều này ở phòng khách:

“Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”.

Thiền sư bảo, nếu câu này được treo ở phòng khách, đi ra đi vào thấy nó, ta sẽ biết trân quý sự có mặt của người thương mà ta đang được sống chung trong giờ phút hiện tại. Ta với mẹ ta làm thành một đôi ta. Ta với con ta làm thành một đôi ta. Ta với cha ta cũng là một đôi ta.

*
*              *

Còn tôi, chỉ muốn nhắc lại lần nữa, khẽ thôi: Về đi các anh chị, các bạn, các em!

Đừng lo nghĩ món quà lớn hay nhỏ, nhiều hay ít. Tự thân mỗi cuộc trở về đã là món quà rồi. Hãy mang món quà ấy về cho mẹ. Đừng để đến một ngày mình trở về mà chẳng còn gặp được người thân, tay buông thõng, nước mắt trào ra. Vì mẹ đã không còn ngồi đợi mình ở phía sau bậc cửa…

CHU THỤY