Hoa và lửa

BẢO ANH 27/07/2020 17:14

(QNO) - 1. Trong bài thơ "Bài thơ về hạnh phúc" viết cho người bạn đời Dương Thị Xuân Quý ngay sau khi nghe tin chị hy sinh, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã có những câu thơ tiễn đưa, gửi gắm rất hay và xúc động: "Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi...".

Chung quanh nơi yên nghỉ của nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý 4 mùa đều có hoa. Ảnh: B.A
Chung quanh nơi yên nghỉ của nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý 4 mùa đều có hoa. Ảnh: B.A

Lạ thay, những câu thơ ấy sau này đã ứng nghiệm trong đời thực: chung quanh mộ phần và bia tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý lúc nào cũng có hoa tươi, một phần do các em học sinh của Trường Tiểu học Duy Thành mang đến, một phần do gia đình anh Võ Bắc - người hiến đất lập mộ và bia tưởng niệm chị Xuân Quý chăm trồng. Ngoài hoa trang nở quanh năm, tùy mùa, quanh chỗ chị nằm khi thì có thêm hoa hồng, lúc thì thêm hoa mưa, hoàng anh, mười giờ..., riêng dịp tết thì có thêm hoa mai, thược dược. Hoa - "mùa xuân", "ở mãi" và nở không thôi quanh chỗ chị nằm.

"Không chịu" về nghĩa trang, nghệ sĩ múa Phương Thảo chọn một cánh rừng bạch đàn ở xã Duy Châu (Duy Xuyên) để nằm lại. Một lần, trước khi về nghỉ hưu, nhà văn Hồ Duy Lệ - nguyên Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh đưa tôi đến viếng mộ chị và các liệt sĩ văn nghệ khu 5 nằm lại trên đất Quảng Nam. Anh bảo, thân nhân của các liệt sĩ đều ở xa, không có điều kiện hương khói, nên những người văn nghệ hôm nay phải làm thay việc ấy. Đến một lúc nào đó, những người của một thời như anh không còn đủ sức để đi nữa, nên anh muốn "bàn giao" việc hương khói cho chúng tôi.

Lúc ấy, nhìn ngôi mộ của nghệ sĩ múa Phương Thảo mọc đầy cây dại, ai cũng chạnh lòng. Nhưng khi phát dọn, nhà văn Hồ Duy Lệ lại bảo chỉ nhổ bỏ những thứ cây không có hoa, những loại cỏ cây nào có hoa thì để lại. Nhìn những bụi xuyến chi hoa trắng lung linh, anh bảo nghệ sĩ Phương Thảo rất yêu hoa màu trắng hoặc màu hồng - trắng hồng, tinh khiết như cái tuổi - 23 - vĩnh - viễn của chị. Sau này, mỗi năm ít nhất lần chúng tôi lại mang hoa đến dâng lên mộ chị, và luôn là những thứ hoa màu trắng hoặc hồng.

Ở Nghĩa trang liệt sĩ Trà My, phần mộ của nhà thơ Nguyễn Mỹ cũng thường xuyên có hoa. Khi đưa anh về yên nghỉ tại đây, anh em văn nghệ Quảng Nam đã đưa hoa tí ngọ đến trồng. Hằng ngày, từ 9 giờ sáng trở đi là hoa lại nở, đỏ rực. Có mỗi mối liên hệ nào chăng giữa hoa, người thơ và bài thơ bất hủ "Cuộc chia ly màu đỏ"?...

2. Từ ý tưởng của cố Trung tướng - nhà văn Nguyễn Chí Trung, vào năm 1996, một tấm bia tưởng niệm các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ hy sinh tại chiến trường khu 5 trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã được dựng lên tại Bảo tàng Quân khu 5. Tấm bia được tạc trên một khối đá hoa cương Bình Định, được tạo hình thành một ngọn lửa đang cháy, có chiều cao 2m, trên đó khắc tên của gần 200 liệt sĩ - văn nghệ sĩ - nhà báo đã ngã xuống chiến trường khu 5.

Suốt từ khi được dựng đến nay, "ngọn lửa đá" ở Bảo tàng Quân khu 5 vẫn rừng rực cháy, bền bỉ, kiêu hãnh... Và dường như, chính "ngọn lửa đá" này cũng đang từng ngày tiếp thêm lửa, thêm hơi nóng để những khóm hoa trên mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ, nghệ sĩ múa Phương Thảo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý... bung nở và rực lên, như lửa! Và, lửa còn được tiếp nối, được thắp lên trên bia tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ Nguyễn Hồng tại dốc Khả (xã Điện Hồng, Điện Bàn): một ngọn lửa cách điệu được tạc lồng vào hình tượng cây súng - ngòi bút.

Chưa hết, lửa cũng rực cháy trên bia tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang Chu Cẩm Phong và đồng đội tại thôn Vinh Cường (xã Duy Tân, Duy Xuyên). Đó là một ngọn lửa đang cháy rần rật, cháy có ngọn, được tạo hình cách điệu thành chữ V - biểu thị của Vinh Cường, của khu 5, của chiến thắng (victoria)... Theo nhà văn Hồ Duy Lệ, đó không chỉ là ngọn lửa nhớ thương, tưởng vọng của người còn sống dành cho những người đã ngã xuống mà đó còn là ngọn lửa của niềm tin, của lý tưởng, là ngọn lửa trong trái tim sôi nổi, nhiệt huyết của cả một thế hệ, của một thời...

BẢO ANH