Giấc xưa
Tôi thường mơ giấc mơ hoa bưởi trắng ngần. Hoa rắc xuống như mưa, ào ạt, từng cánh mọng, nặng trĩu sương. Em thấp thoáng trong màn mưa hoa. Tóc trôi dài như một áng mây ướp từ hương bưởi.
Rồi tỉnh giấc, ngẩn ngơ và chẳng thể nào ngủ tiếp. Buồng bên kia, bà đang khúc khắc ho cái điệu khó nhọc của người già. Cây bưởi đầu nhà vẫn nồng nàn dâng hương. Tôi ngồi dậy, hé mắt qua cửa sổ nhìn sang nhà bên cạnh. Vừa lúc tối bà bảo, mai nó về đấy. Nào tôi có biết đâu. Từ ngày em đi, tôi và em cũng chỉ vài lần thư từ qua lại. Rồi bặt tin. Dường như, những gì thuộc về cô bé xưa cách cái giậu mồng tơi chỉ còn sót lại trong ký ức.
Vậy mà, dạo này tôi thường mơ giấc mơ thuở xưa. Để rồi có những phút giây thẫn thờ nhớ về ngày xa lắc. Nhà tôi chỉ có hai bà cháu. Nhà em thì hầu như cũng chỉ hai mẹ con. Bố em theo người ta lên thành phố làm phụ hồ, dăm bữa nửa tháng mới về. Còn mẹ em suốt ngày bám vào mảnh ruộng. Cuộc đời cơ cực, nghèo khó nhưng tôi thấy đầy ắp niềm vui. Nhất là hôm nào mẹ em bắt được đầy giỏ ốc, kêu tôi và em đi hái lá bưởi để luộc và bẻ gai bưởi để lể ốc. Chúng tôi thi nhau xem ai hái được nhiều hơn. Cây bưởi đầu nhà tôi nhưng tán cây lại trùm sang cả nhà em. Mà nhà tôi với nhà em cũng chỉ cách nhau cái bờ giậu. Chúng tôi vẫn thường co cẳng nhảy qua bờ giậu để sang nhà nhau... Và chỉ một lúc sau, khi nồi ốc thơm lừng lá bưởi đã bốc hơi nghi ngút, chúng tôi ùa vào chén một mạch. Những vảy ốc dính lại trên má, trên tóc ánh lên lấp lánh.
Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với gốc bưởi đầu nhà. Vậy mà những gì đã qua lại cứ như từng chùm gai nhoi nhói đâm vào thực tại. Em đã trở về, sau ba năm đi lao động ở xứ người. Họ hàng, làng xóm đang đến chơi, chúc mừng em, ồn ã. Tôi ngồi nín lặng, nhìn trân trân vào thảm hoa trắng đến xót xa phủ trên mặt đất. Chợt giật mình, đã lâu rồi, không có ai nhặt cánh hoa bưởi để cho bà ướp bột sắn dây. Những chiếc lá đang thầm thì với ngọn gió về tuổi xanh của nó. Phải chăng, nó nhớ có một thời rất xa xôi, nó được người ta hái về để đun nước gội đầu, để nó được hiến dâng và tỏa hương nơi mái tóc xanh của người thiếu nữ. Tôi không biết. Chỉ thoang thoáng nhớ về lần em ngồi dội nước lá bưởi lên đầu, chiếc áo tuột cái khuy đầu tiên làm tôi đi ngang qua bối rối. Rồi tối đó, tôi cứ ngồi nghe mãi bài hát Hương thầm, “nào ai đã một lần dám nói”. Để cho sau lần ấy, em đã đi.
Tôi sững sờ khi nhận được tin em đi lao động nước ngoài. Tôi nói em đừng đi. Nhưng em lắc đầu, quả quyết. Bố em bị tai nạn lao động, về nhà không làm việc được, suốt ngày say xỉn. Mẹ em chẳng thể cáng đáng mãi một mình. Tôi ngậm ngùi vì chẳng thay đổi được gì. Không biết em có buồn hay em đang mơ ước một viễn cảnh nơi trời Tây hoa lệ? Tôi tê tái nhìn từng chùm hoa bưởi héo gầy rớt xuống. Tôi không thể gói chùm hoa bưởi vào khăn tay để em mang theo giống như người con gái trong bài hát ấy. Mùa ấy, xác hoa bưởi ngập lối về. Những trái bưởi non héo vàng rồi rụng. Ba năm, có lúc tôi ngỡ là ba mươi năm bởi tôi thấy cây bưởi đã bao lần đơm bông. Hay trong mắt tôi, lúc nào cũng trắng ngần giấc mơ hoa bưởi?
Bà bảo sao tôi không sang thăm em. Em nói là em luôn nhớ về tôi. Nhiều khách quá nên em không sang thăm tôi được. Tôi chợt thấy lòng mình chống chếnh. Bây giờ, tôi và em muốn sang nhà nhau thì đã xa cách quá chừng. Từ khi em đi, bố em đã phá bỏ bờ giậu để xây tường, sợ sau này, tôi lại lấn đất của nhà em. Bố em sắm xe máy, điện thoại, loa đài, giàn karaoke từ số tiền em gửi. Tôi đã không sang nhà em nữa. Có phải em đã chìm vào giấc xưa của đời tôi?