Thương nhớ trường xưa
(QNO) - Người sẽ khó thấu hiểu tường tận ý thơ “Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên), khi chưa một lần chia xa nơi mình gắn bó. Ấy là nơi chôn nhau cắt rốn, cũng có thể là nơi mình chọn làm quê hương thứ hai, và cũng có thể là nơi số phận hay duyên nợ đưa mình đến rồi gắn bó…
Trường xưa. Ảnh: Internet |
Một ngày chia tay với nghề, với đất, cảm xúc vỡ òa. Mái trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và vùng quê Tiên Phước là mảnh đất đã “hóa tâm hồn” với tôi và nhiều thế hệ thầy cô từng về công tác như thế.
Ngày tôi nhận quyết định của Sở GD-ĐT Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) về Tiên Phước, tôi không thể tưởng tượng rằng, thanh xuân của mình, hơn nửa đời mình dành hết cho mảnh đất hoàn toàn xa lạ này. Xứ Tiên ngày ấy heo hút, hoang sơ với con đường tỉnh lộ nhỏ hẹp, cả ngày chỉ vài chuyến xe qua. Ngôi trường cấp ba nằm giữa thị trấn Tiên Kỳ chỉ có vài dãy phòng không lấy gì làm khang trang. Khu tập thể lại càng ọp ẹp hơn. Cả hội đồng chưa tới ba mươi người. Anh em chia nhau từng cây kim...
Thời bao cấp, chúng tôi đi dạy với đồng lương rất hạn hẹp, có khi không đủ tiền về quê ngoài Quảng Trị, Nghệ An… Nhưng chúng tôi vẫn đến với học sinh bằng tất cả tấm lòng và nhiệt huyết tuổi trẻ, trong nỗi niềm cơm ghế khoai sắn. Chúng tôi cùng các em đi lao động tập trung ở các xã Tiên Phong, Tiên Hà… Và tất nhiên, nhiều thầy cô phải làm thêm để tăng thu nhập: cột chổi đót, sửa xe đạp, thêu may…
Khổ nhọc là thế, mà sao mỗi dịp gặp lại đồng nghiệp, bồi hồi kể về ký ức, mỗi thầy cô vẫn rạng rỡ niềm hạnh phúc. Thành quả mà một đời tôi chiêm nghiệm được, ấy là sự thành công của lớp lớp thế hệ học trò Tiên Phước. Các em đã biết nỗ lực vươn lên từ cái nghèo, để làm chủ cuộc đời mình, với nhiều vị trí khác nhau trong xã hội. Hơn thế nữa, học trò Tiên Phước, dù đi đâu, dù ở địa vị nào, vẫn luôn tôn kính và nghĩa tình với thầy cô mình. Còn quả ngọt nào hơn thế nữa? Có lẽ nhờ thế mà tình yêu nghề, yêu người của tôi, của các thầy cô ở xa về công tác nơi đây luôn được nhân lên mỗi ngày.
Và như thế, tôi đã gắn bó với Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, theo những thăng trầm của đời, suốt ba lăm năm dạy học. Tình yêu nghề, yêu những con người chân chất, giàu nghĩa tình ở nơi đây đã thành máu thịt trong tôi. Thật khó diễn tả hết cảm xúc buổi chia tay với nghề, và thời gian đầu từ bỏ một thói quen đều đặn suốt mấy chục năm trời.
Cả một trời thương yêu cứ nghẹn ngào dâng lên, thường trực trong cảm xúc của tôi. Tôi yêu con đường đến trường với cái dốc xuôi xuôi, thuở xưa toàn màu đất đỏ. Tôi yêu ngôi trường thân quen với hàng xà cừ đứng tuổi rợp bóng. Tôi yêu những gương mặt ngây ngô của tuổi học trò, yêu những nụ cười rộn ràng của đồng nghiệp.
Tôi yêu cả những em học sinh lỡ lời làm tôi bật khóc trên bục giảng. Yêu tất cả những gì thuộc về nơi tôi từng sống và công tác. Trong giấc mơ tôi bây giờ, vẫn hiện diện nhiều khoảnh khắc của nỗi lo đi dạy trễ tiết, chấm bài không kịp… Kỷ niệm này chưa mờ, kỷ niệm khác đã trỗi dậy. Cứ nhớ nhớ, thương thương hoài không dứt. Một phần đời của tôi thuộc về nơi ấy. Tôi không thể hình dung đủ đầy về cuộc đời mình, nếu thiếu đi những năm tháng không thể nào quên ấy.
Năm nay, mùa 20.11 đầu tiên, tôi là khách mời của ngôi trường mình gắn bó suốt một đời dạy học. Rất nhiều cảm xúc dâng lên trong ngày trở lại, dù chỉ mới chia xa. Tôi sẽ trở lại để gặp chính tôi một thời ký ức. Lòng nhủ thầm, nếu mình biết trân trọng quá khứ, nó vẫn hiện diện trong miền không quên lãng, miền da diết yêu thương.
(Kính tặng những thầy giáo, cô giáo vừa rời bục giảng).
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN