Quyền không nghe

HỨA XUYÊN HUỲNH 11/11/2017 08:52

Dù có đứa con hiền hậu như Tăng Sâm, nhưng nghe nhiều người báo tin con mình “giết người”, bà mẹ già vẫn tin theo và cuống cuồng chạy trốn. Từ thời Xuân Thu bên Trung Quốc đã có những “tin thất thiệt” kiểu như thế, huống hồ thời công nghệ 4.0.

Ngày 6.11, hàng nghìn người dân Bắc Trà My hoảng hốt chạy về UBND huyện khi có tin đồn vỡ đập. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Ngày 6.11, hàng nghìn người dân Bắc Trà My hoảng hốt chạy về UBND huyện khi có tin đồn vỡ đập. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Hồi đầu tuần này, khi lũ đang ở ngưỡng lớn và lực lượng cứu hộ đang trần mình đào bới tìm kiếm thi thể 5 nạn nhân vụ sạt núi ở Bắc Trà My (Quảng Nam), thì cũng ở huyện miền núi cao này, người dân vùng hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 trải một phen hốt hoảng. “Đập thủy điện Sông Tranh 2 đã vỡ”, chỉ vỏn vẹn vài chữ thôi nhưng tin đồn ác ý lan nhanh hơn nước lũ xả qua tràn. Mãi cho đến khi lãnh đạo chính quyền địa phương và cả đơn vị quản lý thủy điện lên tiếng trấn an, người dân mới hoàn hồn và lục tục kéo về nhà.

Và chỉ vài giờ sau đó, đến lượt tin đồn lan sang đến… thủy điện A Vương khiến ông Nguyễn Trâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy điện A Vương, cũng bức xúc. Khi chúng tôi liên hệ để được xác nhận tin thất thiệt, ông Trâm khẳng định nước trong hồ lúc ấy còn gần 2 mét nữa mới đến mực nước dâng bình thường. Ông bảo, mọi yếu tố để một đập thủy điện vỡ là không đơn giản, chưa kể công trình đập thủy điện A Vương đã được Bộ Xây dựng chứng nhận đảm bảo an toàn chất lượng.

Hãy nhớ lại vụ tung tin câu like trên Facebook về lễ hội “sờ ngực từ thiện” tại Công viên 29 tháng 3 hồi giữa cuối tháng 7 vừa rồi, cô chủ cửa hàng máy tính 30 tuổi đã bị cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng phạt hành chính 5 triệu đồng. Hồi tháng 1.2016, chủ tiệm mua bán, sửa chữa điện thoại di động ở xã Tam Anh Nam (Núi Thành) đăng bài viết “Quảng Nam dân chài lưới bắt được nàng tiên cá” cũng đã bị Thanh tra Sở Thông tin – truyền thông Quảng Nam phạt hành chính 5 triệu đồng… Có lẽ, với những luồng tin bịa đặt về đập thủy điện Sông Tranh 2 vừa lan truyền sau cơn bão số 12 ập vào Trung Trung Bộ, cơ quan chức năng cũng sẽ sớm lần ra manh mối. Một trong số những manh mối được tìm thấy trên Facebook.

Có ý kiến “trách” người dân sao dễ tin vào mấy lời đồn nhảm nhí như vậy, hoặc sao không chịu kiểm chứng lấy. Xin thưa rằng, những luồng thông tin ác ý kiểu “vỡ đập” rất dễ gây hiệu ứng mạnh trong tâm lý đám đông, vào thời điểm mưa gió đầy trời và nước lũ ngày một dâng cao. Năm ngoái, nhiều người dân sống ở vùng trũng thấp ven bờ Vu Gia cũng đã nhiều lần bồng bế nhau tháo chạy lên các cụm núi cao, khi tin xấu từ các đập thủy điện bậc thang ở thượng nguồn truyền về. Trong lúc tranh tối tranh sáng ấy, cứ chạy tháo thân là thượng sách.

Có thể hình dung dáng chạy nháo nhào của bà mẹ Tăng Sâm, khi nghe tin con trai mình giết người. Trầm tĩnh như bà cụ, mà nghe đến người thứ 3 báo tin “Tăng Sâm giết người” thì cũng phải cho là thật, và không còn giữ được phong thái điềm nhiên ngồi dệt cửi như trước nữa. Truyện “Tăng Sâm giết người” đã quá quen thuộc, được dẫn trong cuốn Cổ học tinh hoa khiến câu chuyện liên quan đến vị học trò nổi danh của Khổng Tử trở thành một kinh nghiệm sống ở đời. Nhưng lời bàn của truyện xem ra cũng sắc sảo không kém: “Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. (…) Đến như giữa chợ làm gì có cọp! Thế mà một người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là!”.

*
*             *

Trong thế giới phẳng, khi mỗi chủ tài khoản mạng xã hội đều giữ quyền “xuất bản” thông tin, thì luồng thông tin ấy càng trở nên khó lường đoán. Từng có diễn đàn “Uống có trách nhiệm” do Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA) khởi xướng dành cho người tiêu dùng, phải chăng đã đến lúc lập thêm diễn đàn “Viết có trách nhiệm” dành cho các trang mạng xã hội?

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng khi chủ trương báo Tiếng Dân ở Huế đã xác lập tôn chỉ độc đáo: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mà mình muốn nói, thì ít ra giữ quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Có thể hiểu đấy chính là “quyền không nói” của những cây bút chân chính. Mượn ý tứ sâu xa ấy của cụ Huỳnh, trong thời buổi thông tin đa chiều như thế này, liệu chúng ta có đủ điều kiện để xác lập “quyền không nghe”? Nhưng trước khi để người dân gạn lọc và trở thành “người nghe thông thái” (nhại theo ý “người tiêu dùng thông thái”), thì xã hội đang rất cần nhiều bộ lọc khác nữa: Hoặc xử phạt nghiêm những kẻ vô ý thức, hoặc đánh thức trách nhiệm công dân của những người thích đùa.

Hãy là “những người thích đùa” thâm thúy kiểu Azit Nexin, chứ đừng viết ẩu nói bậy khiến cả nghìn người tháo chạy.

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH