Một chuyện hoang đường
Lâu lắm mới sống với cảm giác đêm tối mịt mù và lạnh lẽo, ngồi trên xe nhưng không biết đích đến là đâu. Ấy là khi chúng tôi theo bề trên - những “người dẫn đường” lên đỉnh Langbiang mờ sương để “tham dự một buổi đào tạo rất đặc biệt”. Bất ngờ xe dừng ở “Thung lũng trăm năm” lưng chừng núi. Người mới mon men đến Langbiang rất dễ bị đánh lừa bởi tiếng là “trăm năm”, nhưng thung lũng này tuổi đời mới ngoài 20 - là một địa chỉ du lịch được thiết kế vào năm 1993, khi Đà Lạt kỷ niệm tròn 100 năm hình thành và phát triển.
Nhưng chuyện kể ở “Thung lũng trăm năm” thì cổ xưa vô cùng khi chúng tôi được những người K’Ho, người Chil… đón tiếp bằng điệu cồng chiêng đẫm màu thời gian cùng nghi lễ gọi thần núi, thần sông, thần lúa gạo, thần lửa… về làm chứng cho sự có mặt của những du khách từ đâu đó rất xa lưu lạc đến. Biết là diễn thôi nhưng ai nấy rưng rưng bởi sự khiêm nhường và tấm chân tình toát ra từ nụ cười, ánh mắt. Bởi những tiếng cồng chiêng ấy, nghi lễ gọi thần ấy, bây giờ biết tìm ở đâu trong các buôn làng ngoài “Thung lũng trăm năm” này?
Và rồi thì điều kỳ diệu nhất của đêm đó cũng đến. Trong khi ngồi chờ nhân viên nhà hàng phục vụ như thường thấy thì những bề trên mang tạp dề, lần lượt mời chúng tôi một tuần trà nghi ngút khói để chống lạnh. Vừa dứt trà, chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì bề trên lại lần lượt rót từng chén nhỏ rượu lá của người bản địa cho từng người rồi cụng ly khai vị.
Rượu vừa mềm môi, những bề trên lại tay xỏ găng, thoăn thoắt một cách chuyên nghiệp bê ra từng đĩa thức ăn rồi bày biện không thể đẹp hơn cho từng người. “Chúc mọi người thật ngon miệng và có một buổi tối vui vẻ”. Những bề trên xếp hàng đứng vòng quanh đồng thanh trong sự ngơ ngác của người dưới. Khoảnh khắc ấy, những bức tường ngăn cách về xuất thân, địa vị, ngôi thứ, tiền bạc… giữa chúng tôi gần như bị phá bỏ hoàn toàn.
Và một cảm giác nghèn nghẹn cứ dâng lên không thể nào kìm nén được. Ai đó đã ngấn lên những giọt nước mắt xúc động và hạnh phúc. Bởi những hành động vừa kể, đúng ra là của chúng tôi phải làm cho những bề trên đáng kính của mình nhưng hôm nay sao lại đổi ngôi? “Hầu hết ngoài kia” – một bề trên mở lời – “chuyện đương nhiên là người dưới phụng sự cho người trên đúng như nghĩa gốc của hai từ này. Nhưng hôm nay chúng tôi muốn anh chị có một cách nghĩ khác, rằng trong thế giới của riêng chúng ta, người trên, dù ở nấc thang thành công nào cũng phải biết cách khiêm nhường phụng sự người dưới để quan hệ của chúng ta giàu lòng trắc ẩn, đáng tin cậy cũng như tăng tính hiệu quả trong công việc…”.
Đã từng đọc nhiều lần “Lãnh đạo bằng sự khiêm nhường” của Jeffrey A. Krames viết về Đức Giáo hoàng Francis đương nhiệm - một trong những nhà lãnh đạo giàu phẩm hạnh được bàn luận nhiều nhất trên thế giới - đại ý rằng “trong một thời đại mà những người nổi bật, ăn to nói lớn luôn thu hút mọi sự chú ý, thì sức mạnh của Giáo hoàng Francis lại bắt nguồn từ chính đức khiêm nhường của Người. Đi lại chỉ bằng chiếc xe Ford Focus, từ chối sống tại căn hộ giáo hoàng xa hoa, quan tâm chăm sóc đến người nghèo… Những hành động này thể hiện một hình mẫu lãnh đạo mà từ lâu chúng ta không còn được trông thấy”.
Đã từng hoài nghi rằng trên đời làm gì có lãnh đạo biết khiêm nhường và Đức Giáo hoàng của “nước Chúa”, người ở tận trên cao xanh. Nhưng đến hôm nay, tại “Thung lũng trăm năm” này, chúng tôi đã lờ mờ cảm nhận được bằng xương thịt thế nào là “Lãnh đạo bằng sự khiêm nhường”… Và “buổi đào tạo đặc biệt” của các bề trên cho chúng tôi đã diễn ra tự nhiên như thế dưới sự chứng kiến của thần linh.
Vẫn còn một cảm giác ngủ mơ và hoang đường dù đã rời Langbiang mây trắng nhiều ngày tháng. Thật ra trong cuộc sống, những chuyện hoang đường luôn lẩn khuất đâu đó như sương mờ sau những tán cây mỗi sớm. Cứ tin đi và đủ duyên lành, một hôm nào đó chúng ta sẽ nhìn thấy…
HOÀNG VĂN MINH