Lời độc chết cây

HOÀNG VĂN MINH 23/07/2017 06:36

Tuổi già giọt lệ như sương. Ấy mà người nghệ nhân già bạn vong niên của tôi sáng sớm đã ôm mặt khóc thành tiếng như một đứa trẻ khi bất ngờ chứng kiến cội mai già cỗi của mình đã bắt đầu nhú chồi sau nhiều tháng nghe ông năn nỉ.

Đó là cây mai lão dáng tà, hay còn gọi dáng xiêu nên nhìn cứ liêu xiêu nghiêng ngả mà người nghệ nhân già mua được sau một phiên đấu xảo toát mồ hôi năm nào đó với một số tiền rất lớn. Vườn mai của ông có hàng trăm cội nhưng ông bảo mình thương yêu nhất lão mai này bởi đó là một biểu tượng của sức sống vượt qua nghịch cảnh. Về mặt thẩm mỹ, cây có dáng tà thường trông rất mềm mại, duyên dáng, nhã nhặn… như phụ nữ xuất thân quý tộc. Ông bảo không hiểu sao lão mai dáng tà này luôn gợi nhớ trong ông về những sự mất mát và nuối tiếc về những mối tình thời trai trẻ đã không còn cơ hội để sống lại, sống khác.  

Tôi là dân ngoại đạo, chẳng hiểu mô tê chi về dáng tà, dáng trực, dáng bay, dáng huyền… của cây nó khác nhau thế nào, nên nghe ông nghệ nhân già nói sao thì nghe vậy chứ không lưu tâm. Chỉ không thể nào quên được một hôm lão mai dáng tà của ông đột nhiên úa lá và có nguy cơ về trời. Người nghệ nhân già tìm đủ mọi cách chẩn bệnh, bốc thuốc chạy chữa nhưng bệnh không những không thuyên chuyển mà ngày một nặng thêm. Ngay cả các chuyên gia lão luyện về cây cảnh hàng đầu trong thành phố cũng lắc đầu bất lực sau rất nhiều thời gian loay hoay. Theo kinh nghiệm lâu năm của người nghệ nhân già, sự sống của lão mai dáng tà lúc đó chỉ còn tính bằng ngày.

Trong cơn tuyệt vọng vì sắp vuột mất một tặng phẩm vô giá của trời đất mà mình trót yêu thương, tối đó lão nghệ nhân già như người mù dùng đôi bàn tay của mình vuốt ve từ gốc đến ngọn lão mai, miệng thì thầm năn nỉ rằng “mai ơi đừng chết, đừng bỏ người bạn già tội nghiệp này mà đi…”. Cứ thế hết đêm này đến đêm khác, lão nghệ nhân già gần như thức trắng để vuốt ve, năn nỉ một cội cây đang thở những hơi tàn. Để rồi một ngày điều kỳ diệu đã xảy ra. Cội mai lão dáng tà cuối cùng đã lún phún chồi non để bắt đầu một hành trình sống mới.

Chứng kiến hành trình cứu sống lão mai dáng tà kỳ diệu của lão nghệ nhân già, tôi bỗng nhớ đến lời của một vị giáo sư - nhân vật trong một bộ phim ám ảnh có tên “Cậu bé đặc biệt” của Ấn Độ. Nhiều lần thấy người cha của cậu học trò mình đang dạy đối xử quá nghiêm khắc và giáo dục con bằng những đòn roi, lời mắng chửi thay cho lời yêu thương; vị giáo sư này đã kể cho người cha nghe một mẩu chuyện rằng: “Trên đảo Solomon (một đảo quốc của người Melanesia, nằm ở phía đông Papua New Guinea thuộc Thái Bình Dương), khi một bộ lạc cần phát quang khu rừng để tạo ra những cánh đồng, họ không chặt cây đi. Đơn giản, họ chỉ đứng quanh gốc cây và quăng lời xỉ vả vào cái cây, họ nguyền rủa nó và dần dần, sau vài ngày, những cây ấy bắt đầu khô héo, tự chết…”.

Sau lần gặp gỡ thầy giáo của con mình, người cha đã thay đổi cách dạy con để rồi con trai ông -  cái cây - đã cho ra những hoa trái ngọt ngào quá với hình dung và kỳ vọng của người cha.

Thật ra thì chuyện cây cũng như chuyện người. Nếu được nghe toàn lời yêu thương thì thế nào cũng được đón nhận và đáp trả bằng yêu thương. Cuộc sống vốn ngày càng quá ngột ngạt và thiếu công bằng. Hãy tìm một lý do nào đó để yêu thương nhau thay vì giận hờn, chỉ trích, mắng chửi và làm tổn thương nhau bằng một cách nào đó...

Lời độc có thể làm chết cỏ cây thì cũng có thể tước đi cả mạng người...

HOÀNG VĂN MINH

HOÀNG VĂN MINH