Tình yêu mùi cỏ dại

Tạp văn NGUYÊN CẨN 23/06/2017 10:02

Buổi chiều ghé qua Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP),  hắn đi ngang vuông cỏ xanh trong sân trường. Cỏ vẫn ngát xanh như chưa hề xảy ra bao nhiêu là dâu biển  bốn mươi năm qua. Hắn nhớ những ngày lang thang  năm cuối cùng  thời trung học, từ ngôi trường Pétrus Ký gần đó, bọn trẻ thường kéo nhau vào Đại học Khoa học và ĐHSP chơi, ngồi lại ăn cơm cùng với những thằng bạn xa nhà lên Sài Gòn trọ học. Lúc ấy, người ta nấu cơm tháng cho học sinh sinh viên, rất rẻ. 

Những ngày ấy sao mà thật đẹp trong ký ức. Lại nhớ những buổi tối  ghé Café Con Mèo gần Ký túc xá trên đường Minh Mạng, nay là đường Nguyễn Chí Thanh, nơi một thằng bạn ngoài Quảng Tín vào làm thêm ban đêm, cả bọn ba thằng chờ đến sau 9 giờ, khách gần vãn, lại hàn huyên bên ly café đậm, nghe nhạc tình muôn thuở... Chuyện tình thời mới lớn hồi ấy, bây giờ bắt kể lại, chắc cũng khó mà nói cho rõ ràng mọi chuyện vì toàn là  “hình sương bóng khói”, vì trong tâm tưởng các cậu trai dù trong thời chiến tranh, nhưng ở  một thành phố bình yên,  tình yêu được hiểu là có cảm tình với một bóng hồng mong manh nào đó. Đó có thể là cô bạn cùng xóm, hay một nữ sinh nào đó của Gia Long, Trưng Vương, hay là chị hoặc em thằng bạn... Thế nên tờ báo mà đứa nào cũng khoái đọc là “Tuổi Ngọc” trong đó có chuyện Áo Tiểu Thư của Duyên Anh, từ ý tưởng trong những câu thơ Huy Cận: Vậy đó  bỗng dưng mà họ lớn/ Tuổi hai mươi đến có  ai ngờ/ Một hôm trận  gió tình yêu lại/ Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư ...

Hắn nghĩ ngày ấy sao mình “ngây thơ” thánh thiện đến vậy nếu so với đám trẻ hôm nay, có những đứa thực tế đến mức kéo nhau vào nhà nghỉ chỉ sau dăm bữa nửa tháng quen nhau, bỏ qua cả một thời gian “lãng mạn” long lanh  sắc  màu hư thực như cái ngày  xưa ngây ngô của hắn. Có thằng ngồi vẽ chân dung một cô gái nào đó, hì hục cả tháng rồi tặng nàng và nhận về nỗi thất vọng vì nàng từ chối! Có thằng “rặn” được trên chục câu thơ viết bằng sơn lên những trang giấy pelure rất nắn nót rồi cũng bị ngó lơ... Nói chung tình yêu ngày ấy không đậm màu sắc dục mà “lung linh” như lời thơ Nguyễn Tất Nhiên: Thế  rồi trăng sáng lung linh/ Em mười sáu tuổi giận hờn vu vơ/ Sang năm mười bảy không ngờ/ Tình tôi nít nhỏ ngồi mơ cũng thừa. Hoặc nhẹ nhàng như Trần Dạ Từ: Thuở  làm thơ yêu em/ Trời mưa chưa ướt áo/ Hoa cúc vàng  chân thềm/ Gió mây lưng bờ giậu... Để sau này khi lớn lên rồi chàng vẫn cứ băn khoăn: Mười bảy năm chợt thức/Bây giờ là bao giờ/Bàn  tay trên mái tóc/ Nghìn sau còn bâng quơ ...

Tình yêu ngày ấy cũng “phi tôn giáo”, dù các tác giả mang cả Chúa và Phật vào tràn ngập trong thi ca để các cậu trai tha hồ ngâm nga những khi tề tựu quanh bàn café, nhất là khi lại phải lòng một người con gái theo đạo Công giáo, chàng phải nhìn nàng mà hình dung: Em hiền như ma-sơ/ Vết thương ta bốn mùa/ Cũng chưa hơn tình rụng/Thấm linh hồn ma-sơ  (Nguyễn Tất Nhiên). Rồi có lúc chàng tự phong cho mình “linh mục”: Vì  tôi là linh mục không mặc  chiếc áo dòng/ Nên suốt đời hiu quạnh/ Nên suốt đời lang thang... (NTN). Có chàng thì tự chất vấn người yêu: Không có anh lấy ai đưa em đi học về/ Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học/ Không  có anh nhỡ ngày mai em chết/ Thượng đế hỏi anh sao mắt em buồn/ Sao tay gầy sao đôi mắt héo/Anh sẽ phải cúi đầu đi về địa ngục... (Nguyên Sa)

Cái nhìn tình yêu theo đạo Phật thì nhẹ nhàng hơn khi ngắm  một tà áo dài tha thướt: Mười con nhạn trắng về tha/ Như Lai thường trụ  trên tà  áo xuân (Phạm  Thiên Thư) hoặc nhắn lại chút u hoài: Mai ta chết dưới cội đào/ Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu  (PTT). Tình yêu ngày  ấy cũng “phi lợi nhuận”. Họ yêu nhau và không bị ngăn cách về giai cấp, phân biệt giàu nghèo hay phân chia vùng miền địa phương mà có hận lắm thì chàng cũng lầm bầm: Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc/ Trót điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền... Họ xem tình yêu là những cuộc hạnh ngộ, có duyên thì đến, duyên tàn thì tan, thế thôi! Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay/Ôi mộng  nào hơn giấc mộng này... (Đinh Hùng)  để ước nguyện: Rồi buổi ưu sầu em với tôi/ Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời … (ĐH)

Tình yêu thuở đó, như đã nói, phi vật chất, phi tôn giáo, phi chính trị,... Nói chung là chỉ có tình yêu và những lúc gần nhau dù chỉ trong tâm tưởng. Hắn nhớ những chiếc ghế đá trong khuôn viên trường ĐHSP  dưới những tàn cây. Nhưng thích nhất là khi hắn và các bạn ngả mình hay nằm dài trên thảm cỏ  cùng ngâm thơ, ca hát, và nói về một ngày mai rất đẹp dù cái ngày  mai ấy có thể không bao giờ đến... Hôm nay, ngang sân trường nhớ tiếng ve xưa, lại nghe thơm mùi cỏ dại... một chút hương quá khứ còn nồng đượm đến hôm nay. Chao ôi, sao mà nhớ thế... Nghe vọng đâu đó Bài ca hạnh ngộ của Lê Uyên Phương thuở nào...

Rồi mai đây đi trên  đường đời/ Đừng  buông tay âm thầm tìm về cô đơn/ Một khi trao áo hồng/ Là khi trao tiếng cười / Luôn ghi kỷ niệm ban đầu yêu thương...

 Và biết bao giờ còn gặp nhau, bạn nhỉ, cho một một lần hạnh ngộ cuối đời...?

Tạp văn NGUYÊN CẨN

Tạp văn NGUYÊN CẨN