Ùa về từ chốn xa xăm!
Đi qua các cánh đồng trong chiều hoàng hôn sắp tắt, thấy các chú trâu bụng no tròn thả những bước chầm chậm từ những bờ ruộng về phía cuối làng, ký ức trong tôi lại thức giấc.
Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tuổi thơ của tôi có khá nhiều kỷ niệm với trâu. Đó là vào những năm thập niên 70, cha tôi thoát ly kháng chiến, mẹ vừa lặn lội thân cò làm lụng vất vả để nuôi mấy đứa con nhỏ dại, còn tôi được người chú giao chăn dắt một con trâu để cày bừa. Một buổi sáng tháng 5, trời cao xanh lồng lộng, tôi đang ngồi vắt vẻo trên lưng trâu giữa cánh đồng mênh mông quê nhà đầy gió thì máy bay lên thẳng quần thảo, phóng rốc-két, quét từng tràng đại liên cực nhanh, không gian như bị xé tan từng mảnh. Nghe tiếng nổ đinh tai, nhức óc, con trâu hoảng loạn, nhảy tưng tưng để chạy trốn. Mặc dù có “kinh nghiệm” nhiều năm ngồi trên lưng trâu để nó nhảy nhưng tôi cũng không “trụ” nổi, bị nó hất xuống mương nước. Khi tôi vừa nằm gọn dưới lòng mương thì chiếc máy bay lao tới nổ loạt đạn chát chúa tiếp theo, con trâu lảo đảo ngã nhào xuống bờ ruộng. Đến lúc cánh đồng yên ắng, tôi lồm cồm bật dậy chạy lại phía con trâu. Nó bị đạn găm nham nhở đầy mình, tắt thở nhưng cặp mắt tròn xoe vẫn mở to như chờ để thấy mặt tôi lần cuối. Đứng lặng nhìn nó mà lòng đầy bất lực, nước mắt tôi ràn rụa, lòng đau như xát muối! Thế là con trâu lực lưỡng, ngoan ngoãn, hiền lành, chịu thương, chịu khó cày bừa đã vĩnh viễn ra đi. Tôi gạt nước mắt, chạy một mạch về nhà gọi chú. Nhà nghèo, mất con trâu, chú tôi tiếc đứt ruột bởi không có tiền tậu con khác, cũng từ đó việc đồng áng đều dùng sức người vô cùng nặng nhọc.
Gần gũi, tình cảm với trâu từ lúc nhỏ nhưng lớn lên tôi mới hiểu con trâu là biểu tượng của làng quê, của người nông dân chân lấm, tay bùn quanh năm lam lũ. Đã từ bao đời nay, con trâu luôn đồng hành với cuộc sống đầy gian nan, vất vả của người dân ở khắp làng mạc, xóm thôn. “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”, lời ru mộc mạc, đậm chất dân gian ấy thi thoảng được cất lên giữa trưa sau lũy tre làng của người mẹ hiền dỗ dành đứa con bé bỏng. Lời ru thao thiết ấy không chỉ hàm chứa sự quý giá sức lao động của người nông dân phải đánh đổi bao giọt mồ hôi để làm ra củ khoai, hạt lúa mà còn ngợi ca sự thủy chung, cống hiến của trâu với đời sống con người. Cũng không ít lần tôi đứng trên bờ nhìn các lão nông tri điền bì bõm dưới ruộng với trâu. Có lúc trâu làm việc kiệt sức, những đường cày nặng nề chậm chạp dần, miệng há hốc thở phì phò mà thương cho nó quá. Lúc ách cày vừa tháo ra, nó sung sướng nhảy lên bờ cặm cụi gặm cỏ ngon lành vì đói. Khi lưng lửng bụng, trâu tìm chỗ nước trong uống một hơi dài rồi nằm lim dim đôi mắt, mồm trẹo trạo nhai lại, lúc đó thấy cảnh quê nghèo lại càng quá đỗi thân thương!
Ở quê tôi bây giờ hình ảnh những chú mục đồng đội nón cời ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thả diều trong những buổi chiều vi vút gió trên từng triền đồi, bờ ruộng như lũ trẻ của bọn tôi ngày trước hình như đã lùi vào dĩ vãng. Mỗi lần về quê, tôi có thói quen ghé ra bến sông Thu Bồn phía trước nhà ngụp lặn trong dòng nước mát. Đây cũng là địa điểm lũ trẻ chúng tôi ngày trước thường cho các chú trâu đằm mình sau những buổi cày bừa vất vả. Bến sông chiều thường vắng lặng, con nước vẫn nhè nhẹ xô bờ ì oạp, miên man. Một vài con trâu đen trũi của ai đó ngâm mình tắm táp thật yên ả. Những lúc như thế, sự hồn nhiên, trong trẻo ngày trước cứ tưởng đã bị chôn vùi trong quá khứ bỗng chốc lại ùa về càng làm cho lòng mình thêm se sắt!
THÁI MỸ