Tàn mùa trăng

HOÀNG MY 01/10/2016 13:50

Những ngày này, ngoài đường bỗng xuất hiện những tấm bảng… đại hạ giá của bánh trung thu còn sót lại. Qua rồi cái giai đoạn mua một tặng một hay tặng hai gì gì đấy, người ta bắt đầu đề giá cụ thể theo kiểu: Mười nghìn một cái hai trứng, mười lăm nghìn một cái loại đặc biệt, chẳng hạn. Ngang qua ngã tư, nghe giọng một người qua đường bĩu môi nói lớn rằng, bánh này cho không cũng chẳng ăn, ai mà thèm mua cơ chứ… Và cứ thế, thiên hạ thi nhau lướt qua, lướt qua…

Nhìn cảnh ấy, không dưng tôi nhớ tới mấy cái xe ba gác bán bánh trung thu “quá lứa”, vào tận hang cùng ngõ hẻm thành phố ngày nào. Hồi ấy, tôi ở nhờ nhà ngoại đi học, vẫn thấy ngoại háo hức đợi sau trung thu để mua bánh. Những chiếc bánh không thương hiệu, có vẻ chưa đến mức cũ kỹ quá đát, nhưng bảo ngon lành hấp dẫn thì đúng là miễn cưỡng.

Ông bà ngoại tôi hồi đó sống chung với cậu mợ. Gia cảnh chẳng tới mức khó khăn chật vật. Nhưng cái câu “người già ham của rẻ”, thật chẳng sai. Thêm tâm lý của con cháu là, ông bà già rồi, cái gì cũng mua về sẵn đó, có cần xài chi đâu mà phải tiền nong, nên chắc ngoại tôi cũng không dư dả gì. Mà bánh trung thu, hình như từ lâu đã không phải là món quà bình dân dành cho người già trẻ nhỏ ngắm trăng nữa rồi, mà xa xỉ đắt đỏ đến khó ngờ.

Thiên hạ mua bánh trung thu biếu xén, là chuẩn bị từ hồi còn tháng bảy âm lịch. Qua tháng tám mới nhớ ra để lễ lạt nhau, đã là khó coi rồi. Tàn mùa trung thu, cũng là lúc bánh trung thu lui về quá vãng, muốn ăn cũng nên chờ mùa sau, chứ lúc túc hồn nhiên đi mua, dễ khiến cho người ta chê cười. Chưa kể còn có khi đau bụng, trúng thực chứ chẳng chơi. Cậu tôi đã có lần “giảng giải” cho ngoại hiểu điều đó, nhưng nghe xong ngoại tôi bật cười rồi nói một câu trớt quớt là, ôi, ai sang cả thì vậy, chứ mẹ, cứ đợi sau tết trung thu rồi mua ăn cho rẻ, cho nhiều con ạ… Cậu tôi khẽ lắc đầu, ý là “bó tay” với ngoại luôn!

Người già thật khó hiểu, có thiếu thốn gì đâu mà cứ thích làm những chuyện ngược đời. Đó là kết luận của cả nhà, khi mùa hồng sang thì bà cũng áp dụng “chân lý” kinh tế đó. Ngoại tôi đặc biệt thích trái hồng. Loại quả xứ lạnh ửng đỏ đến sau mùa trăng của những chiếc bánh nướng, bánh dẻo kia làm ngoại vui lắm, cứ mong mau hết đợt đầu mùa, để mà còn mua rẻ. Ai bán ế đi ngang qua cửa, rao “hồng xổ giá rẻ đây”, là ngoại tôi ra bao trọn gói, xong rửa cất tủ lạnh ăn dần.

Mới đó, mà ông bà ngoại tôi rủ nhau ra người thiên cổ đã gần hai năm nay rồi. Cũng là mùa bánh trung thu đại hạ giá, mùa trái hồng đỏ lừ ngập tràn ngoài phố đây mà. Ngày giỗ ngoại, tôi luôn nhớ mang về hộp bánh trung thu mới tinh, thương hiệu hảo hạng, sắp đĩa hồng vừa chín tới lên bàn thờ, thấy nước mắt mình xa xót và nghẹn ngào rơi xuống. Bởi thâm tâm ai cũng đều hiểu rõ rằng, những thứ đồ hiếu thuận của con cháu ấy chỉ đủ để khiến bản thân mình bớt ray rứt, chứ với ngoại thì là quá muộn. Người đã khuất xa để chẳng bao giờ còn có thể dùng được chút gì, chẳng thể phân biệt được ngon dở sang hèn để mà vui, mà thích.

Tàn mùa trăng, tôi về ngang phố, chạnh lòng thương hàng bánh trung thu đại hạ giá, da diết nhớ ngoại, nhớ những mùa hồng thân thương đã lùi trôi vào ký ức xa xăm. Năm tháng cuộc đời thì chẳng đợi chờ ai, mà sao đôi khi ta cứ vô tình…

HOÀNG MY

HOÀNG MY