Niềm thương nhớ

NGUYỄN THỊ THANH THẢO 22/09/2016 14:57

(QNO) - Ngô Tất Tố sau khi dịch Lão Tử có viết rằng: "Người đời nào cũng có những sự đau đớn, thống khổ và những tư tưởng thay đổi cuộc đời cho được hoàn toàn. Nhưng cái thực tế trước mặt bao giờ cũng tàn nhẫn mà dĩ vãng trông qua lớp màn mờ ảo của thời gian bao giờ cũng có vẻ nên thơ". Cảm quan cá nhân tôi suy tưởng đó là một lời bào chữa, và là lời từ tâm của một dịch giả thấu cảm Đạo đức kinh một cách chân thành.

Dịch triết học mà đem cái lẽ của trái tim, của sự rung cảm, của những cung bậc cảm xúc tế vi mà thấm vào trong đó, xưa nay ít có người. Có phải vì thế mà qua hàm ý Việt ngữ của Ngô Tất Tố, Đạo đức kinh dễ hiểu, dễ đi vào lòng người hơn chăng?

Tình cờ sáng nay trên một trang mạng xã hội, chị gái tôi đã chia xẻ dòng tâm trạng ngắn ngủi mà gợi biết bao điều. Chị viết ngày xưa có một người đã chép tặng chị một bài hát, và bài hát đó giờ lại vang lên "qua lớp màn mờ ảo của thời gian"...

Cũng lâu lắm rồi tôi từ bỏ thói quen nghe nhạc, nhân lúc đang rảnh rỗi nên tò mò theo đường link nghe lại bài hát qua giọng ca thơ thới của Evis Phương. Một buổi sáng trời trong. Và tiếng ca đó, lời hát đó, tiết tấu đó chợt trỗi dậy, ngân vang trong căn nhà nhỏ của tôi rộn ràng như một niềm hạnh phúc. Bài hát này dường như của những năm 80 thế kỷ trước, được "người nào đó" chép tặng chị tôi vào những năm 90 khi chị còn là sinh viên và giờ đây, sau gần hai mươi năm được bồi hồi nhớ lại. Có cái gì ở một bản nhạc chép tay? Chính là lòng tôi đang bồi hồi bởi hai chữ "chép tay" chứ không riêng gì chị tôi trong phút giây tình cờ gặp lại. Đó là hình ảnh của một trời thương nhớ khi con người chưa bị thế giới phẳng san lấp không thương tiếc khiến bút mực buồn thiu. Đó là cái tâm tình tỉ mẩn của trai thanh gái lịch, của biết bao cô cậu học trò đã dày công tìm mọi cách để tỏ lòng, dù là chỉ chút lòng thành với người mình cảm mến. Hình như "người nào đó" của chị tôi đã chẳng phải chỉ chép riêng bài hát này để sáng nay tôi được cái bùi ngùi ké vào cái sự hồi nhớ?

Khi nhiều người trẻ trở nên xa lạ với dòng âm nhạc kiểu Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh,... để gần với gu âm nhạc tân tiến hợp với thời đại hơn; tôi vẫn tin chắc rằng sự tồn tại trước đó là bất diệt. Cũng như ngay cả lúc hầu hết tất cả các phương tiện đều gắn nhãn smart thì một bài thơ, một bản nhạc chép tay nhất định vẫn ẩn chứa một giá trị. Sự tin đó được xác thực bởi khi tôi quay trở lại trang xã hội của chị, có nhiều lắm lượt like và "còm". Thậm chí có người cháu ở xa còn nhắc nhở chị "sao liều dữ vậy". Ôi, một bản nhạc chép tay qua lớp màn hư ảo của thời gian thì có tội tình chi!

NGUYỄN THỊ THANH THẢO

NGUYỄN THỊ THANH THẢO