Chuyện nhỏ bên đường

NGUYỄN THIÊN TRUNG 02/07/2016 06:31

Giữa tháng năm âm lịch, một buổi chiều sẫm tím cơn dông. Dừng bên khu ngoại vi phố cổ, nơi những căn nhà mới đang lần lượt mọc lên ở thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà (phố cổ Hội An). Những homestay bên cạnh những căn nhà cấp bốn, như một minh họa về cuộc sống đang diễn ra. Ba người đàn ông đang “đôn đất” (hay “trục đất”, nói theo phương ngữ). Đôn hay trục, là công đoạn đầu tiên trong việc xây dựng nhà, nơi đây. Để tìm xem bên dưới khuôn viên sẽ xây cất, có xương cốt người còn sót lại hay không. Thì ra, nỗi ám ảnh về cái chết vẫn còn đó, trên mảnh đất mà cuộc chiến tranh từng gây ra quá nhiều đau thương mất mát! Xa hơn, đó là mối liên hệ giữa người sống và người khuất mặt, về niềm tin và mối quan hệ vô hình giữa hai cõi âm - dương… Anh Nguyễn Văn Sơn, một trong ba người đang đào xới, ném lên tấm thẻ bài có khắc chìm mấy chữ: Hồ Văn Mên, 12.1919. Không thể xác định hài cốt người có tên trên tấm thẻ bài ấy ở đâu, nhưng sau khi tiếp tục đào xới, có thể cho rằng đó chỉ là một vật rơi rớt…

Trong lúc giải lao, Sơn cho biết: Anh là người “bổn địa”, cư trú tại tổ 13, thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, mẹ là thương binh 4/4, bà ngoại là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Không có nhà ở, anh được một người trong dòng tộc thương tình, cho anh một mảnh đất thuộc loại đất trồng cây để cất cái chòi tránh nắng mưa. Anh nói: Tôi có đất ông cậu cho rồi, nên không cần đất chính sách nữa. Nhìn cái chòi của anh mà rưng rưng: nó sơ sài quá. Anh đi lại cũng nhiều lần, đang… chờ và tỏ ra hy vọng khi đưa tôi xem tờ công văn của UBND thành phố, ghi ngày 14.6.2016, trong đó có hạn định thời gian giải quyết chuyện của anh. Anh Sơn mừng mừng: Tôi chỉ mong có sổ đỏ thôi. Câu nói thật thà của một người bình thường, nghe mà thấm thía, ít nhất là ở chỗ anh không… tham, không đòi hỏi cái phần mà anh đáng được nhận từ chính sách của nhà nước. Thành thật mừng cho anh, tôi động viên: Anh ráng đợi thêm chút nữa, vì đã có ý kiến chỉ đạo của thành phố, thế nào rồi mọi việc cũng ổn thôi. Công văn cũng nêu lý do sơ suất trong thủ tục rồi đó. Mấy hôm trước, tình cờ tôi thấy hai ông chủ tịch thành phố và chủ tịch xã này “xuống dân” giải quyết khiếu kiện, có vẻ cũng bình dân lắm…

Trời đậm mây, nhưng cái nóng không giảm mà cứ “hầm” thêm. Quang, người trẻ nhất trong ba anh em, thình lình bị “chuột rút”, phải ngưng việc để về nhà nghỉ. Hỏi chuyện người nhiều tuổi nhất, khoảng năm mươi. Anh Hùng lặng lẽ: Qua ngày thôi chú ơi. Cũng chẳng biết mong muốn gì nữa!

Chẳng mong gì nữa ư? Vì sao? Câu hỏi im lặng trong đầu dường như không phải dành cho người đối diện, mà gửi đến bao khuôn mặt vô danh khác, đã gặp và chưa gặp.

Rồi bất ngờ vui, khi nghe Nguyễn Văn Sơn hỏi: Chú ơi, thấy dạo rày nhiều chuyện căng quá, tình hình đất nước mình sẽ như thế nào? Cổ họng chợt thắt lại vì cảm động. Thì ra, những con người lao động bình thường, đầu tắt mặt tối vì áo cơm vẫn không quên cái mối liên hệ vô hình thiêng liêng ấy, trong khi có những người “cao” hơn lại dưng dửng thờ ơ…

Mấy cây hoa vàng ven đường sáng dịu chợt đem đến một niềm êm nhẹ hơn, giữa buổi chiều đang bầm tối. Đi về hướng biển An Bàng. Mấy khách du đội nón lá, đạp xe đang tận hưởng một không gian sống khác lạ với nhịp công nghiệp mòn chán nơi xứ sở của chính họ. Và thêm một lần xác tín: Quê nhà, với bóng phố trăm năm, với dáng mây ký ức sáng rực trên dòng sông, xưa mà không cũ… là những con đường quen mà dẫu đến hết một đời qua lại, ta vẫn không bao giờ đi đến tận cùng vẻ đẹp của chúng. Nơi ấy, chợt sáng lên hai chấm nhỏ đôi mắt ai xa, dịu hiền trong bao la cuộc sống…

NGUYỄN THIÊN TRUNG

NGUYỄN THIÊN TRUNG