Thõng tay vào chợ ảo

CHU THỤY 11/06/2016 09:05

Dư luận ồn ào suốt tuần qua vì chuyện một MC nhấn nút share (chia sẻ) trên mạng xã hội Facebook về clip liên quan đến vụ cá chết. Ồn ào, vì một đài truyền hình mang chuyện này ra tranh luận trong một chương trình khá nghiêm túc dưới tiêu đề “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”, và đã thực sự “chia” dư luận ra làm 2 phe.

Chia sẻ đang là nhu cầu của người sử dụng mạng xã hội. (ảnh: INTERNET)
Chia sẻ đang là nhu cầu của người sử dụng mạng xã hội. (ảnh: INTERNET)

Đây chính là sự khác biệt của mạng xã hội, khi chúng ta đang cùng chen chân trong một thế giới phẳng. Mọi động tĩnh của bạn, như chuyện “nổ” vu vơ cho vui hay chòng ghẹo bạn bè, hoặc đơn giản chỉ muốn nhấn nút chia sẻ một status (trạng thái) nào đó… đều được nhiều người để mắt đến, nếu bạn đặt chế độ chia sẻ công cộng. Những chuyện tích cực hoặc tiêu cực, cũng theo thế giới phẳng ấy mà tràn vào. Chính điều đó mà trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội được đặt ra, và theo tôi đó là một đề tài rất hay nếu nhìn dưới góc độ báo chí. Nhưng chương trình do một đài truyền hình thực hiện đã phải hứng chịu búa rìu dư luận do cách tranh luận giữa những khách mời (khi chọn để phát sóng), khiến nhiều Facebooker nóng nảy gọi thẳng tên là “đấu tố”.

Vậy cái nút share kia có thật sự rắc rối?

Ai cũng biết người sử dụng mạng xã hội Facebook đều có ít nhất 3 sự lựa chọn khi đọc một dòng trạng thái hoặc đường link mới: nhấn nút like (thể hiện sự ưa thích), để lại comment (dòng bình luận) hoặc share (chia sẻ). Ở dạng động từ, “share” mang một số nghĩa như: chia phần, chia; có chung, dùng chung, chia sẻ; có phần, dự phần, tham gia. Những nhánh nghĩa này, tôi chép ra từ cuốn Từ điển Anh – Việt do Viện Ngôn ngữ học Việt Nam ấn hành, công trình được xem là “tuyệt bút” của cố GS. Lê Khả Kế. Như vậy, dưới góc độ ngôn ngữ học, người nào “share” thì không chỉ đơn thuần chia sẻ thông tin mà đã dự phần trách nhiệm. Từ điển Tiếng Việt cũng ghi nhận “chia sẻ” (động từ) là “cùng chia với nhau để cùng hưởng hoặc cùng chịu”. Và trên thực tế, nếu người chia sẻ càng có vị thế lớn trong cộng đồng mạng (uy tín cá nhân, lượng bạn bè đông đảo) thì mức độ lan truyền càng nhanh chóng. Rắc rối chỉ xảy đến khi những gì được chia sẻ ẩn chứa luồng thông tin xấu, hoặc thông tin chưa được kiểm chứng.

Từ nhiều năm nay, mạng xã hội đang trở thành một cái chợ ảo khổng lồ. Các “mặt hàng” của thiên hạ gần như hiện ra ngay trước mắt bạn, và tất nhiên chuyện riêng của bạn cũng có thể “trưng bày” trên đấy. Nói theo ngôn ngữ của cộng đồng mạng, hình như ai cũng có thể “chém gió”, cũng có thể bình luận về mọi vấn đề chính trị - xã hội, cũng có thể nêu ý kiến cá nhân về bất cứ sự kiện dù nó xảy ra ngay bên cạnh hay ở tít vùng chiến sự bên Trung Đông…

Tôi không rõ khi viết phần phụ có cái tít khá dài “Chúng ta trở thành một phần của thế giới hàng ngày của chúng ta” trong chương 1 cuốn “Cuộc sống thay đổi khi chúng ta thay đổi”, tác giả Andrew Matthews có dành nhiều thời gian để nghiên cứu về không gian ảo hay chưa. Nhưng cách mà Andrew Matthews nêu ra, rằng chúng ta rất nhạy bén với ảnh hưởng của những người xung quanh, rằng “không một ai trong chúng ta được miễn trừ khỏi những ảnh hưởng của thế giới quanh ta”… cho thấy tác giả đã quan sát rất kỹ những mối liên hệ chằng chịt trong cuộc sống. Mà đó mới chỉ là sự ảnh hưởng từ “môi trường gần nhất”, theo Andrew Matthews. Vậy thì với cái chợ ảo đang sôi động từng giây từng phút kia, chúng ta có thể hình dung được những tác động từ các món hàng trên đó sẽ còn ghê gớm đến mức độ nào.

Mặc dầu vậy, tôi vẫn đặt ra nghi vấn hình như nút share… bị oan. Sau những ồn ào xung quanh vụ chia sẻ clip về cá chết, có người đưa ra quan điểm khá tếu táo: “Tôi chia sẻ, nghĩa là tôi tồn tại”. Đây là lối bình luận nhại theo ý của triết gia René Descartes “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Chia sẻ, trong trường hợp này, là thể hiện sự quan tâm của người sử dụng mạng xã hội trước một vấn đề nào đó, cho thấy vấn đề đó có tác động đến họ và họ tìm kiếm một sự đồng cảm mới… Giới hạn của bản lĩnh và trách nhiệm cũng ở ngay chính chỗ này: người muốn chia sẻ phải tự kiểm soát những gì muốn lan truyền trên mạng, kẻ tiếp nhận cũng có đủ thời gian để dừng lại nếu muốn.

Chợ ảo không có cửa ngăn, không vạch sẵn lối. Nhưng thõng tay vào chợ (ảo) và an nhiên dạo chơi, hay lẻn vào đấy rồi khuấy động tưng bừng…, tự bạn phải chọn lựa lấy. Đừng trách oan cho mạng xã hội.

CHU THỤY

CHU THỤY