Tay bưng bát nước chè hai...

HOÀNG NHẬT TUYÊN 20/02/2016 10:21

Tay bưng bát nước chè hai.

Ngửa cổ mà uống hỏi ai sướng bằng.

Đó là câu hát mà hồi nhỏ chúng tôi hay hát. Chắc chắn có người sẽ hỏi chè hai là thứ gì? Và nó ngon đến mức nào mà khi uống lại so sánh, tự hỏi có ai sướng bằng? Quả thật, ngày nay có nhiều loại nước uống rất ngon, nhưng nếu ai đã từng sống ở làng quê, sau khi đi làm hoặc đi đâu đó trở về, ngang qua cái chòi ép mía để nấu đường, được người ta cho một bát nước chè hai, ngửa cổ lên mà uống thì sẽ hình dung được “cái độ sướng” mà câu ca trên đặt ra. Riêng tôi, mỗi lần nhớ đến câu ca dân dã ấy, trước mắt lại hiện ra hình ảnh cái chòi  ép mía, nấu đường nằm trên mảnh đất nhỏ bên con đường ở đầu thôn.

Quê tôi xưa kia trồng nhiều mía. Những đám mía lớn lên từ đất phù sa, cây nào cây nấy mập tròn, thẳng tắp, vươn cao, và khi mía lốm đốm trổ cờ, ấy là lúc đã đến mùa thu hoạch. Vào thời gian này, người trong làng thường dựng lên một cái chòi tranh, đặt lên đó bộ che để ép mía và bên cạnh, người ta đắp lò, đặt mấy cái chảo to để nấu nước mía vừa ép được, là thành đường.

Bộ che mía được làm bằng ba khối gỗ to, cao chừng một mét. Trong làng không phải ai cũng có được bộ đồ nghề này. Vì có giá trị như thế, lại đun, nấu bằng củi lửa, dễ bốc cháy nên có nhiều chuyện phải kiêng kỵ. Cũng từ lý do ấy mà người ta gọi bộ che là ông Che, mấy cái lò để đặt chảo là bà Lò. Thông thường, một gia đình giàu có nào đó hoặc ba bốn gia đình  trong làng thân nhau góp tiền lại mới sắm được một bộ che. Để có bộ che ưng ý, người ta chọn ngày lành, tháng tốt lên núi  cao, tìm đốn những khúc gỗ, thường là những loại gỗ quý rồi vận chuyển về làng, sau đó thuê những người thợ mộc có tay nghề giỏi đẽo gọt.  Một bộ che ép mía hoàn chỉnh gồm có 3 ống che (là ba trục hình trụ tròn) được đặt sát vào nhau, khi quay những chiếc nhông trên các thân trụ tròn sẽ ăn khớp và làm cho cả ba trục đều quay. Phía trên 3 trục này có một thanh gỗ lớn để giữ cố định phần trên của các ống che rồi cột cố định vào thanh gỗ dài để buộc ách cho trâu kéo đi. Khi trâu đi vòng quanh, kéo theo thanh gỗ dài, làm cho các trục chuyển động theo vòng tròn, mía đưa vào, bị ép chặt, nước mía sẽ chảy ra nước giữa các trục, sau đó đổ xuống dưới đáy che, chảy theo một đường mương nhỏ và người ta hứng lấy cho vào chảo to để nấu thành đường.

Nước mía khi lấy ra, cho vào chảo đun sôi, bỏ thêm vài vá vôi  bột, vớt sạch bọt rồi múc lên thùng, để lóng cặn, múc ra sẽ cho món chè hai. Nếu làm thành đường thì tiếp tục nấu tiếp mấy công đoạn.

 Với bọn nhỏ chúng tôi thuở ấy, những ngày bà con thu hoạch mía là những ngày rất vui, vì được ăn mía thỏa thích. Mía chất thành đống, không có chủ mía nào lại không cho. Ăn mía ở ngoài ruộng. Ăn mía ở chòi nấu đường. Bã mía nhai xong, bỏ trắng cả đất. Song có lẽ, món chè hai là món khoái khẩu mà đã sống ở gần nơi ép mía thì không ai có thể quên được. Tôi nhớ, ở quê tôi, việc đốn mía ép đường thường được tiến hành từ đầu tháng Hai  cho đến tháng Tư âm lịch. Trời nóng, trong khi mùi nước mía nấu thành chè hai tỏa ra thơm ngào ngạt. Các chủ mía và các chủ lò ép cũng chẳng tiếc gì không mời những người quen qua đường một bát. Thật thú vị làm sao khi cầm cái bát bằng sọ dừa đầy nước chè hai, ngửa cổ mà tu một hơi dài. Đúng là “hỏi ai sướng bằng” người được thưởng thức món nước uống đậm đà giữa cảnh làng quê thanh bình, nơi đang có con trâu  kéo ông che kêu kẽo kẹt và gần đó là mấy chảo nước đường đang sôi sùng sục, khói lên nghi ngút…

Những ngày che mía hoạt động là những ngày bọn nhỏ chúng tôi hay tụ lại quanh cái chòi tranh. Có lúc chúng tôi còn giúp người lớn dắt trâu kéo che. Và tất nhiên, nước chè hai thì chúng tôi chưa bao giờ biết chán. Bao năm tháng đã đi qua, ngày nay, đến mùa thu hoạch, mía được chở về các nhà máy và những cái chòi ép mía làm đường ở quê tôi cũng như ở nhiều vùng quê khác không còn nữa.

Tôi lớn lên và làm việc ở xa, vừa rồi về quê, ghé qua thăm nhà ông chú họ. Nhìn bộ che gỗ đã cũ màu chú còn cất giữ phía sau hè, bỗng dưng bao ký ức êm đềm sống lại cùng câu ca dân dã mà một thời chúng tôi đã thuộc: Tay bưng bát nước chè hai…

HOÀNG NHẬT TUYÊN

HOÀNG NHẬT TUYÊN