Nôn nao nhất là những ngày cận tết, từ rằm tháng chạp trở đi. Thơ ấu thì đêm nằm mơ trời mau sáng, cho mau tới tết để được mẹ, được chị mua hay đặt may tấm áo mới, chiếc quần mới, đôi dép, chiếc mũ mới để có cái mà “diện” tết. Tuổi chớm yêu thì mơ màng như thi sĩ “tháng giêng ngon như một cặp môi gần” (Xuân Diệu), mơ được cầm tay chàng hay nàng dung dăng đi chơi tết, môi mắt như bắt nắng và phát sáng…vì mơ “buổi ấy mưa xuân phơi phới bay…” (Nguyễn Bính).Tôi nhớ những cái tết vài mươi năm trước. Làng tôi ở ven sông Thu Bồn, làng gốm Nam Diêu có cây da cao, rễ cây nổi trên mặt đất, cành lá xõa xuống bến Gốm như một chiếc dù lớn che bến sông, mặt nước mát suốt mùa hè. Mùa đông cây rụng lá rồi tháng chạp cây nẩy lộc non. Chỗ bóng mát đó dường có gió mát thổi bốn mùa. Người làng tôi hay đem mây, tre ra gốc cây da đan rổ gánh gốm – rổ to gần bằng cái nong, đan gióng mây để gánh gốm đi bán khắp vùng quê Quảng Nam, rồi đi Hàn (Đà Nẵng), xa nhất là đi Huế, gốm được chở bằng ghe bầu theo đường biển. Tháng chạp là lúc người làng tôi nặn những chiếc lư đất - mặt hàng dành cho giới bình dân nhà nghèo - để thay những chiếc lư đất cũ. Phần thân lư làm bằng bàn xoay nhưng tai lư, chân lư đều phải nặn bằng tay. Lư đất nặn xong, phơi khô cho vào lò nung non - vừa đủ đỏ hồng, xong các “họa sĩ” làng vẽ mây ngũ sắc bằng bột màu trông như sắc cờ ngũ hành ngày hội hay sắc đuôi cá lia thia lên những chiếc lư trông thiệt rực rỡ. Mà đâu chỉ có lư, người làng tôi cũng làm những bộ ông Táo gốm để người mua thay ông Táo khi tiễn ông cũ về trời - khi ông Táo đất vừa khô có in dấu triện chữ “phúc”, chữ “thọ”, chữ “lộc” vào đầu ông Táo mới đưa vô lò nung, rồi nặn những cái om lò có ba ông táo ôm nhau giống cái cà ràng trong Nam - để cái lò như cái mâm “ôm” tro củi, tiện khi nấu ăn mùa nước lụt hoặc dùng trên ghe. Trên bến gốm đã bắt đầu xuất hiện những chiếc ghe bán củi “gộc” (hay củi gốc) thường là gốc cây lớn, khô nỏ, cứng cáp để người mua nấu bánh tét vì củi gộc lửa “chắc” từ nguồn Tí, Sé hay Vu Gia xuống. Lại có ghe bán lá chuối, lá giong, bán gạo nếp thơm, bán đường bát từ Thi Lai, Hà Mật xuống để người mua làm bánh tổ, bánh nổ cúng ông bà.Tuổi thơ lứa chúng tôi thèm đủ thứ, thèm nhất là thèm ăn ngọt và thèm thịt. Tháng chạp nhớ mùi đường thắng, mùi mật, mùi đường ngào để “ngào” các loại bánh, mứt. Và nhớ nhất bữa chia thịt heo dưới gốc cây da. Số là nhiều nhà khó khăn chung nhau một con heo, mổ thịt vào giáp tết, rồi chia phần. Nhà nào lấy cái đầu heo cúng tất niên phải chịu phần tiền nhỉnh hơn. Món chi trong con heo cũng chia đều, mỗi thứ một ít, thịt, xương, lòng, phèo, tim, gan. Người chia chỉ chia áng chừng mà phần thịt cứ đều “đâu ra đó”, chia xong, còn sợ không công bằng nên có bốc thăm dài ngắn, ai dài hơn chút đỉnh thì được quyền tự chọn, chỉ chừng ba bốn người được chọn, còn thì ai nấy bằng nhau. Năm nào ba hoặc mẹ xách xâu thịt xâu lạt tre tròn như cái vòng hoa… thịt để đem về nhà, lũ anh em chúng tôi đều chạy theo reo hò dọc bờ sông.Bây giờ vật đổi sao dời, “qua ngày tang hải” cây da xưa đã chìm theo đất lở. Hàng họ ê hề và phương tiện chuyên chở hàng tết cũng đi bằng đường bộ, sông xưa vắng hẳn bóng thuyền, hàng gốm tết như lư, ông Táo thô mộc rẻ tiền chẳng còn bóng dáng. Đã xa xôi như “bóng dáng yêu dấu đầu đời”… Ôi tháng chạp của tôi!PHÙNG TẤN ĐÔNG