Giọng quê

VÕ LÊ TÚ ANH 11/07/2015 11:41

Sài Gòn phồn hoa, đô hội kiểu gì cũng chỉ là đất mưu sinh với người xa quê. Họ đem theo đặc trưng quê hương trong giọng nói. Giọng Huế trọ trẹ, nhẹ nhàng nói như ru. Giọng Quảng Nam ồm ồm nói như cãi… Họ đổi giọng miền trong để dung hòa, để hiểu nhau trong cuộc mưu sinh, trong cuộc bán bưng không thể kẻ hiểu người không. Làm sao phân biệt họ giữa ngàn lời chào mời ngọt xớt giọng miền Nam? Giọng nào không đổi thì vẫn có thể vớt vát hiểu năm bảy câu chứ giọng Quảng Nam mà không đổi thì chịu, chẳng hiểu gì!

Gọi là đổi giọng miền trong vậy thôi nhưng thổ âm của người Quảng khó lòng phai hẳn. “Người Quảng ăn cục nói hòn”, cái điệu cục hòn ngấm từ nước, từ không khí, thổ nhưỡng vào trong thanh quản cố gắng uốn lưỡi, tròn miệng kiểu gì vẫn rắn rỏi, thẳng thừng. Dân xứ khác có thể không nhận ra người Quảng trong tiếng nói cố gò cho tròn âm điệu Sài Gòn nhưng người Quảng thì sẽ nhận ra ngay.

Dẫu đã giấu kỹ giọng quê nhưng người Quảng vẫn nhận ra nhau. Một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai người Quảng trên cuộc rong ruổi bán bưng ở Sài Gòn không làm họ xượt qua nhau như đốm lửa tàn. Thể nào cũng nhận ra trong tiếng rao những thanh điệu rắn rỏi đặc trưng, thể nào cũng bén lên ngọn lửa tình tha hương. Gác lại chuyện bán bưng, giọng Sài Gòn ngọt ngào chào mời nhường chỗ cho giọng Quảng thô mộc, chân chất kể chuyện nhà, chuyện mùa, toàn những chuyện quê xa lắc để rồi mỗi người lại… lanh lảnh tiếng miền trong. Nói theo giọng Sài Gòn ngọt ngào kiểu chi cũng nhận ra vị mặn mà của biển Cửa Đại, chất cục hòn của xứ miền Trung khô cong dưới nắng, gió nồm.

Trong lớp đại học của tôi hơn nửa là sinh viên từ các tỉnh phía Nam, nói giọng nhẹ nhàng, dễ nghe. Nhưng dễ lọt lòng hơn cả là giọng nói ngọt như trái cây chín mọng của các bạn gái miền Tây Nam Bộ. Ngày đầu nhập học, tôi ngượng nghịu đổi giọng Sài Gòn. Một người hỏi “bạn người ở đâu dzậy?”, tôi uốn bảy lần lưỡi mới phát ra được từ “Quảng Nam” đúng điệu Sài Gòn mà dị òm. Người ta nhại lại “Quảng Nôm có cái lắp xe độp” rồi cười giòn tan. Tôi thầm cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đặt nét duyên thầm tiếng Quảng lên môi người thiếu nữ vùng sông nước. Bạn bị tôi cuốn vào những câu chuyện về “sự cố” khi nói tiếng Quảng. Bạn khen: “Tiếng Quảng nghe chất phác ghê hen!”. Tiếng Quảng Nam cục hòn hóa ra lại thân gần.

Sài Gòn có phố người Hoa thì cũng có khu người Quảng. Phố người Hoa nói tiếng Hoa, khu người Quảng nói tiếng Quảng. Đặc sệt, như họ chưa xa quê bao giờ. Khu Bảy Hiền giống như một thôn xóm của Quảng Nam lưu lạc giữa Sài Gòn. Những đứa trẻ đang tuổi tập nói sinh ra ở Bảy Hiền bi bô lẫn lộn tiếng Quảng trong giọng Sài Gòn. Còn những người già giữ tiếng quê như hồn cốt, như kỷ vật cuối cùng của phận người viễn xứ. Đau đáu ngày về.

VÕ LÊ TÚ ANH

VÕ LÊ TÚ ANH