Đâu rồi Cấm Thị

ĐINH HUYỀN 16/05/2015 10:01

Làng Cấm Thị ơi!    

Tóc điểm màu hoa cau, hoa bưởi, lòng tôi vẫn canh cánh nhớ về một vùng đất đã không còn tên gọi. Nơi ấy, tuổi thơ chúng tôi có những chiều lặn lội tìm hái từng chùm hoa dủ dẻ thơm lừng giấu trong túi áo hay bỏ vào cặp vở mỗi buổi đến trường. Nơi ấy những chiều dông gió chúng tôi thường đến, tìm nhặt những quả thị mọng vàng sực nức mùi hương dịu ngọt, nhìn những quả chín đong đưa trong gió, lủng lẳng trên cây mà hồn treo nơi cành nhánh.

Nhiều khi tôi tự hỏi, ai là người gieo trồng giống cây ấy tự bao giờ mà to đến vậy, dễ chừng đã có hàng đôi ba trăm tuổi, chắc phải là người hạnh phúc nhất, và cũng là người có tấm lòng nhân hậu, luôn khát vọng cuộc sống đầy tốt đẹp. Nếu cây tự mọc thì tạo hóa ưu ái dành cho mảnh đất nơi đây một điều ân sủng, thiêng liêng nhất. Có lẽ vì thế chăng? Nên dân làng Hà Tân (Đại Lãnh, Đại Lộc), ông cha xưa gọi rừng thị này là rừng cấm,  để nhắc nhớ mọi người giữ gìn không được chặt phá nên có tên là “Cấm Thị”.
Tuổi thơ của tôi ngày nào được nghe bà kể về câu chuyện cô Tấm ngày xưa bước ra từ trong quả thị, chuyện têm trầu cánh phượng,... Tôi cũng từng mơ thấy bà cụ trong câu chuyện cổ tích với túp lều tranh dưới chân đồi núi Cấm và cũng nơi ấy cô Tấm gặp lại vị vua, người chồng ngày đêm hằng mong nhớ... Cũng tại nơi đây, người già thường kể rằng, cụ Hường Hiệu và nghĩa quân Nghĩa Hội của ông đã từng họp bàn vận nước trong những ngày đầu chống Pháp ở dưới tán rừng thị này, mảnh đất còn lưu lại câu ca dao nhắc về địa danh một thời hoạt động của cụ: Ai về chín xã sông Con/ Hỏi thăm Hường Hiệu có còn hay không?

Vẫn còn đó một tấm gương anh hùng lẫm liệt, vẫn còn đó một địa danh Thượng Đức lẫy lừng chiến tích trong những tháng năm chống Mỹ, được người cả nước biết đến.

Tôi lớn lên cùng với thời gian ấp ủ trong lòng bao nhiêu ước mơ hoài bão, cũng như lớp trang lứa bạn bè phiêu bạt muôn phương trong khói lửa chiến tranh ngày ấy. Có người bảo  “biển hóa nương dâu” thật chẳng sai tí nào. Đã nhiều năm trôi qua, rừng thị tuổi thơ không còn dấu tích, nhiều lúc tôi ngẩn ngơ nuối tiếc khi mỗi lần có dịp đi ngang qua, để rồi hít một hơi thở thật sâu dồn nén ký ức ùa về, lọc tìm chút hương dìu dịu ngây ngây từ dòng sông Vu Gia thổi tới, đọc câu thơ của Đỗ Trung Quân cho lòng lắng lại “Quê hương nếu ai không nhớ...”

Vâng! Có một Cấm Thị trong một lòng quê

Có một Cấm Thị trong giấc mơ tôi!

ĐINH HUYỀN

ĐINH HUYỀN