Góc phố đi qua

LÊ TRUNG VIỆT 30/11/2014 09:48

Cách đây ba năm, khu tập thể chỗ ngã tư Lê Duẩn - Ngô Gia Tự (TP.Đà Nẵng) biến mất. Mấy bận tôi qua đó, từ lúc nó bị triệt hạ đến khi tòa nhà bằng kính sơn vàng đen bán đồ trẻ em nổi lên, chỉ được một lần thấy gạch ngói ngổn ngang. Một bà lượm bao chai xới tung đống rác cũ, tôi thấy lòi ra một cái bơm xe đạp.

Tôi không ngồi ở đó mà nhớ. Quán cà phê ghế bàn giả gỗ ở đường Phan Đình Phùng nhìn qua nhà đối diện, tình cờ làm tôi nhớ. Ban công đổ nát, vướng vít áo quần rách và dây điện. Tầng dưới, cửa sắt mục nát. Mưa nắng đi qua, vương lại như làn khói thuốc phủ màu lên đó, cứ ngỡ là lần cuối nhìn nhau, nhưng đâu ngờ cuối cùng lại vấn vít như định vận. Tuổi thọ nhất định đã hơn hai mươi năm rồi. Nếu như ban công vắng chủ ấy, có thêm bức tranh cổ động thời xa vắng loang lổ trầy trụa sơn, thì nó y chang khu tập thể  tôi từng tá túc. Lối lên căn gác hẹp, bao lần tôi say bí tỉ về, tông đầu thành tường. Ông Hớn nói, mi uống chi kinh rứa quá, nếu lần sau lên không nổi thì rúc vào đây. Đó là gầm cầu thang, chứa chất gia tài của ông. Bộ đồ sửa xe đạp. Cái chuồng gà. Gà không bao giờ đẻ, vì cứ choai choai là vợ ông đã bốc ra chợ, bởi sợ ông xỉn vào là bẻ cổ nhậu chơi. Tôi tham gia cuộc hứng này một lần, bị vợ ông chửi té tát. Lần đó ông cầm cái bơm xe đạp, đấy - cái bơm mà tôi nhìn thấy từ bà đồng nát, phang cái rầm. Phước bảy đời, là trước khi chạm đến đầu bà, nó đi ngang mặt tôi. Phản xạ tự nhiên, tôi chụp được, bà tót lên gác, chửi: ông là thứ ham gái, ngu. Còn mi nữa, sinh viên mới ra trường không xu lận lưng, bày đặt nói chuyện thế giới. Tôi không ngán bà chửi, lại khoái, bởi trúng y chang. Ông Hớn là bộ đội về hưu. Nghe nói trước đây làm hậu cần, cũng xôi thịt nhiều, đó là lời bà vợ kể, bạn bè ông giàu sụ, nhưng ông không một cắt, không phải ông không tí máy, mà là số ông đen, đây là lời ông; còn bà vợ thì bảo ông trớt quớt vì mấy con cave đứng đường. Chuyện rằng áp tải đồ quân dụng, ông bỏ thêm thuốc lá Capstan, 555 đi theo, đem về chợ Hàn bán, cũng có đồng ra đồng vào. Xe chạy được một đoạn, lủng lốp, ông tấp vào quán ngồi chờ vá. Có nàng như vừa bước ra từ sách Bồ Tùng Linh. Thế là a lê hấp nhập vào, tỉnh dậy, đồ đạc trên xe bay sạch. Ông đền sặc máu, may không ngồi tù.  Chuyện đó giữ kín đến ngày lão Tài ở gác trên, vốn là công an về hưu, xỉn vào kể. Bà vợ nghe được. Đêm đó cả khu tập thể được phen mất ngủ và cười cả tuần. Thúy, bạn học cấp 3 của tôi, làm ở bệnh viện,  kết luận cười nửa miệng: “Rứa thôi!”. Tôi phản đòn: “Thì  nham hiểm cũng mấy bà…”.

Hôm trước tôi có việc lên Hòa Cường,  vù xe qua, thấy ai như ông Hớn ngồi ngó. Cuộc rượu gần hai mươi năm trước ùa về. Ông có cái tật, uống rượu, ngon dở vui buồn đều rung đùi, nên không biết ông đồng ý hay không. Tôi hỏi bạn là bác sĩ, rung đùi có phải là bệnh lý không, bạn nói không, đó là thói quen. Có vẻ đúng. Người tôi chứng kiến rung đùi như sốt co giật là anh P. Tôi và Hải từ Huế về, mượn xe máy của anh chạy lên Hòa Khánh chơi. “Được không?”. Anh P. nằm trên giường đọc chi đó, không trả lời, rung chi mà chuyển động cả chiếc giường cá nhân. Hải nói rứa là đồng ý rồi. Tôi vừa thò tay vào chìa khóa, anh nói chặp tau đi, ai nói mi rung đùi là đồng ý? Ngắc ngứ như gà nuốt dây thun. “Đời ông chết vì phong nhũ phì đồn, vợ ông nói rứa là ngu đúng không?”. Ông Hớn rung đùi, gắp mồi lùa nhanh như chớp, cười ha ha, rồi trợn tôi: “Mi ngu thì có”. Tôi để ý, càng ngày càng nhiều người rung đùi. Đàn bà, đàn ông, đại gia vào mánh cũng rung, đói nhe nanh như ông Hớn cũng rung,  trẻ ranh mới ra trường ngồi ghế cóc  cà phê cũng rung, thằng dốt nhưng giỏi nịnh và tử vi nó tốt bỗng dưng thành sếp, ngồi bên ly bia rung đã đành, đứa bị kỷ luật mặt dài như cái bơm xe đạp cũng rung. Hình như nó rung theo nhịp thở xã hội ba đào may rủi khôn lường không theo chu kỳ nào hết, hay là thói bắt chước nửa vời vốn là sở trường của người Việt? Bạn tôi bị nạn, than: tau thích  bốc Dịch, nhưng bỏ rồi, thời tiết, mùa màng dịch chuyển không như lúc khởi thủy nữa, hình như mọi sự bây giờ không tuân theo quy luật? Nhưng tôi chắc, rung đùi là đúng quy luật, một quy luật tào lao.

Vẫn con phố đó, đường mở rộng ra xanh đỏ tím vàng. Gương mặt ông Hớn, ông Tài và mấy bà tối xúm lại mê phim cổ trang, nhòe đi trong dông gió. Vẫn đó, nhưng họ đi đâu mất. Tôi của hai mươi năm trước, cũng biến mất. Cát bụi phận người phủ lên, tan  biến, thay vào đó những thứ khác. Con phố lạ lẫm quá. Lâu rồi không dừng lại đó, coi thử, mà có coi cũng chẳng thấy chi. Tìm kiếm cũng vô ích. Dáng ông Hớn ngồi uống rượu  thập thò trong cái hầm tối om, ánh sáng điện vàng ệch chia nửa gương mặt ông ra như bức vẽ thô kệch của đứa trẻ tập tô màu. Góc  phố ngày cũ có bà bán bánh mì  hay cho tôi mua chịu, cũng đi đâu mất. Con bà chết vì giang mai rước từ công viên về. Ngày đưa tang, tôi thấy bà không khóc, nước mắt đã vắt kiệt mười mấy năm cho cậu con trai phá gia chi tử rồi. Tôi nhớ ông Hớn nói, mi rồi sẽ già như tau, có lẽ đời mi khác tau, có điều tau muốn nói để mi để ý, là ngu khôn ở đời không nói được đâu, thứ sống chưa sạch nước cản mới luận chuyện được mất, đứa ăn hết xe hàng tau rồi cũng phải chết, nhưng hãy tỉnh táo để tấm thân được nhàn, có nhàn mới khỏe, chết nhẹ thân, như tau đây, sửa xe ngày kiếm mấy đồng rượu gạo, là nhàn. Nói xong ông rung đùi. Tôi vừa đi qua phố, thấy hình như ông cầm chai rượu và hát “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa…”.

LÊ TRUNG VIỆT

LÊ TRUNG VIỆT